Thế giới

OECD: ASEAN sẵn sàng phục hồi, nhưng tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro

ClockThứ Năm, 24/03/2022 18:21
TTH.VN - Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự báo sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2022 và 2023. Nhưng khu vực này cũng phải đối mặt với những bất ổn đáng kể, từ xung đột Ukraine cho đến những rủi ro trước mắt như COVID-19, lạm phát gia tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Indonesia kêu gọi xúc tiến hành lang du lịch ASEAN để tăng tốc phục hồi kinh tế khu vựcKinh tế ASEAN dự kiến phục hồi ​​mạnh mẽ trong năm 2022GDP ASEAN+3 sẽ chạm mốc 4,9% trong năm 2022

OECD dự báo GDP thực tế của Việt Nam ​​sẽ tăng 6,5% trong năm 2022. Ảnh minh hoạ: Baocongthuong

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế cho Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ 2022 - Tài chính cho Phục hồi bền vững từ COVID-19”, OECD cho biết tăng trưởng kinh tế ở ASEAN sẽ dao động từ - 0,3% ở Myanmar đến 7% ở Philippines trong năm 2022.

Ông Moreno Bertoldi, quan chức cấp cao phụ trách Kinh tế và Tài chính tại Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine đang gây ra một cú sốc mạnh về nguồn cung trên toàn cầu. Điều này càng làm tăng thêm áp lực lạm phát và sự gián đoạn gây ra bởi đại dịch COVID-19.

Ông nói thêm: “Những biến động về giá hàng hóa và thị trường tài chính kể từ khi xung đột diễn ra cũng có thể khiến sự phục hồi của các nền kinh tế châu Á gặp một số rủi ro, mặc dù chúng tôi cho rằng tác động tổng thể ở châu Á sẽ nhỏ hơn so với các nền kinh tế OECD”.

Đến nay, tác động tức thời nhất đối với các nền kinh tế ASEAN là ở giá năng lượng và hàng hóa nông nghiệp. “Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý theo quan điểm của chúng tôi là mức tăng giá đột biến hiện tại không phản ánh sự thiếu hụt thực sự về nguồn cung”, ông Bertoldi cảnh báo.

Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đang gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến niềm tin, từ đó sẽ tác động tiêu cực đến tiêu dùng tư nhân và các quyết định đầu tư kinh doanh. Đồng thời, quan chức EC này cũng cho rằng những thách thức ngày càng tăng có thể làm gia tăng sự bất ổn về dòng vốn ở các nước ASEAN và các nước khác. Do đó, các chính phủ trong khu vực cần tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô và cơ cấu hiệu quả để bảo vệ nền kinh tế trong nước, đồng thời giảm thiểu tác động của những diễn biến này đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo báo cáo của OECD, đại dịch COVID-19 gây ra thiệt hại đáng kể cho các thị trường lao động ở các nước châu Á mới nổi.

“Sự suy thoái này đặc biệt nghiêm trọng ở Philippines và Việt Nam. Xét về từng lĩnh vực riêng lẻ trên khắp châu Á mới nổi, tác động đặc biệt nặng nề đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa…”, ông Kensuke Tanaka - tác giả báo cáo cho biết.

Mặc dù cảnh báo những tác động từ sự gián đoạn nguồn cung đến các ngành chủ chốt như chất bán dẫn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng ở một số quốc gia trong khu vực, nhưng thương mại quốc tế là động lực phục hồi chính của các nước châu Á trong năm 2021, và xuất khẩu hàng hóa ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ trong những tháng gần đây đã vượt quá mức trước đại dịch.

Theo OECD, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Indonesia dự kiến ​​đạt 5,2% trong năm 2022 và 5,1% vào năm 2023. Trong khi đó, sản lượng thực tế của Malaysia dự kiến ​​sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 6% trong năm nay và 5,5% vào năm 2023. OECD cho biết triển vọng của Malaysia có thể bị lu mờ bởi biến thể Omicron và mức độ gián đoạn ngày càng tăng đối với chuỗi cung ứng có thể làm chậm sự phục hồi trong ngắn hạn.

Đối với Philippines, nền kinh tế nước này được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á trong năm nay, ở mức 7%, trong khi tăng trưởng sản lượng có thể sẽ duy trì mạnh mẽ trong năm 2023 ở mức 6,1%.

GDP thực tế của Thái Lan được dự báo sẽ tăng 3,8% trong năm nay, trước khi tăng tốc lên 4,4% vào năm 2023. Đối với nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch này, đại dịch vẫn là một rủi ro lớn.

Tại Việt Nam, sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 đang tạo ra một “cơn gió ngược” đối với tăng trưởng kinh tế, bên cạnh sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài. Tuy vậy, OECD dự báo GDP thực tế của Việt Nam ​​sẽ tăng 6,5% trong năm nay và sau đó tăng 6,9% vào năm 2023.

Brunei, nơi ghi nhận mức tăng trưởng yếu trong phần lớn năm 2021, dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 3,5% vào năm 2022, và tăng trưởng 3% vào năm 2023. Singapore được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 4% trong năm 2022, trước khi giảm xuống mức 3% vào năm 2023.

Tố Quyên (Lược dịch từ Business Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á - Thái Bình Dương:
Các khoản vay dự kiến phục hồi vào năm 2025 sau 3 năm giảm

Khối lượng cho vay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đang chuẩn bị cho sự phục hồi vào năm 2025, nhờ hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) và môi trường lãi suất thuận lợi, sau khi giảm trong 3 năm liên tiếp.

Các khoản vay dự kiến phục hồi vào năm 2025 sau 3 năm giảm
Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu
Return to top