Thế giới

Nhóm G7 thúc đẩy cam kết hỗ trợ vắc-xin cho các nước nghèo hơn

ClockThứ Bảy, 20/02/2021 15:54
TTH.VN - Lãnh đạo các nước Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ đã nhóm họp trực tuyến vào thứ Sáu để thảo luận làm thế nào để đẩy nhanh hoạt động triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và nhiều chủ đề khác.

Châu Á: Phân phối vắc-xin không công bằng đe dọa quá trình phục hồi toàn cầuChính quyền Mỹ đặt mua thêm 200 triệu liều vắc-xin Covid-19

Chủ trì hội nghị trực tuyến Nhóm G7, Thủ tướng Anh Johnson cam kết sẽ hỗ trợ phần vắc-xin dư thừa của nước này cho chương trình COVAX. Ảnh minh họa: TTXVN

EU và Mỹ đều đã thông báo rằng họ đang tăng gấp đôi đóng góp tài chính ban đầu cho chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Liên minh 27 quốc gia châu Âu hiện đã đóng góp 1 tỷ euro và người đứng đầu Ủy ban Ursula von der Leyen nhấn mạnh trên Twitter rằng “chúng ta sẽ chỉ an toàn nếu cả thế giới được an toàn.” Trong khi đó, chính quyền tổng thống Joe Biden đã nâng khoản đóng góp của mình từ 2 tỷ USD lên 4 tỷ USD.

Trong khi đó, Đức tăng cam kết hỗ trợ thêm 1,5 tỷ USD. Ông Gerd Mueller, Bộ trưởng Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức cho biết trong một tuyên bố rằng “cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch là tổ chức một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. Điều này không được thất bại vì lý do kinh phí.”

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người chủ trì hội nghị truyền hình G7, đã xác nhận rằng Vương quốc Anh sẽ chia sẻ phần lớn vắc-xin Covid-19 dư thừa của mình cho quỹ vắc-xin COVAX. Vương quốc Anh cũng đã đóng góp 548 triệu bảng Anh (633 triệu euro) cho chương trình này.

Các cam kết mới được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh việc phân phối vắc-xin là “hoàn toàn không đồng đều”, trong đó có 10 quốc gia chiếm đến 3/4 tổng số lượng liều vắc-xin của thế giới.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi châu Âu và Mỹ phân bổ 3-5% nguồn vắc-xin hiện tại cho các nước đang phát triển. Ông gợi ý rằng phương Tây nên áp dụng hình thức ngoại giao vắc-xin mà Trung Quốc và Nga đã và đang triển khai ở châu Phi và vùng Balkan.

WHO đang hy vọng việc tăng cường đoàn kết quốc tế trong hoạt động tiêm chủng sẽ đảm bảo rằng nhân viên y tế và người cao tuổi ở tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ tiêm chủng trong vòng 100 ngày đầu năm. Trong khi đó, Liên minh toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng – GAVI đặt mục tiêu tiêm chủng cho 20% người dân ở 92 quốc gia đang phát triển và mới nổi vào cuối năm nay.

Anh Tuấn (Lược dịch từ Euronews)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghiệm thu 2 đề án hỗ trợ từ hoạt động khuyến công

Ngày 31/12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm) tổ chức nghiệm thu 2 đề án khuyến công từ nguồn vốn sự nghiệp cho hoạt động khuyến công tỉnh năm 2024 tại địa bàn huyện Quảng Điền.

Nghiệm thu 2 đề án hỗ trợ từ hoạt động khuyến công
Return to top