|
Người đàn ông giải nhiệt tại đài phun nước Barcaccia ở Rome trong đợt nắng nóng cực độ tại Italy. Ảnh: Reuters/NLD |
Theo C3S, dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 11 đã xác nhận năm 2024 hiện chắc chắn là năm nóng nhất trong lịch sử và là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900, đánh dấu sự leo thang hơn nữa của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Dữ liệu của C3S cũng cho thấy nhiệt độ bề mặt toàn cầu trung bình trong tháng 11 cao hơn 1,62 độ C so với giai đoạn trước khi đốt cháy hàng loạt nhiên liệu hóa thạch làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Với dữ liệu trong 11 tháng của năm 2024 hiện đã có, các nhà khoa học dự kiến nhiệt độ trung bình trong năm nay sẽ cao hơn mức tiền công nghiệp 1,6C, vượt qua kỷ lục được thiết lập vào năm 2023 là 1,48C.
Trong năm 2024, thời tiết khắc nghiệt đã quét khắp thế giới, với hạn hán nghiêm trọng ở Italy và Nam Mỹ, lũ lụt chết người ở Nepal, Sudan và châu Âu, đợt nắng nóng ở Mexico, Mali và Ả Rập Saudi khiến hàng nghìn người thiệt mạng, cùng các cơn bão thảm khốc đã tàn phá nước Mỹ và Philippines…
Các nghiên cứu khoa học đã xác nhận dấu vết của biến đổi khí hậu do con người gây ra trên tất cả các thảm họa này.
Tháng 11/2024 được xếp hạng là tháng 11 ấm thứ hai được ghi nhận sau tháng 11 năm ngoái.
“Chúng ta vẫn đang ở trong phạm vi gần mức cao kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu và điều đó có khả năng sẽ duy trì ít nhất trong vài tháng tới”, nhà nghiên cứu khí hậu Copernicus Julien Nicolas cho biết.
Khí thải carbon dioxide từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Do đó, cắt giảm khí thải xuống mức bằng 0 - như nhiều chính phủ đã cam kết thực hiện - sẽ ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, bất chấp những cam kết xanh này và cả cam kết toàn cầu được đưa ra vào cuối năm 2023 về việc “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”, lượng khí thải CO2 toàn cầu ước tính sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.
Các nhà khoa học cũng đang theo dõi xem liệu mô hình thời tiết La Nina - liên quan đến việc làm mát nhiệt độ bề mặt đại dương - có thể hình thành vào năm 2025 hay không. Nếu La Nina diễn ra, nhiệt độ toàn cầu có thể được làm mát trong thời gian ngắn, nhưng nó sẽ không thể ngăn chặn xu hướng ấm lên lâu dài do khí thải gây ra.
“Mặc dù năm 2025 có thể mát hơn một chút so với năm 2024 nếu sự kiện La Nina xảy ra, điều này không có nghĩa là nhiệt độ sẽ ‘an toàn’ hoặc ‘bình thường’… Chúng ta vẫn sẽ trải qua nhiệt độ cao, dẫn đến các đợt nắng nóng nguy hiểm, đối mặt với các đợt hạn hán, cháy rừng và bão nhiệt đới…”, ông Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Imperial College London cho biết.
Theo viện nghiên cứu của công ty bảo hiểm Swiss Re, thiệt hại kinh tế do thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng gia tăng. Swiss Re ước tính thiệt hại kinh tế do thời tiết khắc nghiệt trong năm 2024 đã tăng 6% lên 320 tỷ USD, cao hơn 25% so với mức trung bình trong 10 năm trước.
Bão Helene, bão Milton cùng những cơn mưa bão dữ dội khác ở Mỹ, cũng như lũ lụt ở châu Âu và UAE, đã gây ra nhiều tổn thất, trong đó nhiều khoản đã được bảo hiểm. Tuy nhiên, chưa đến 1/2 số tổn thất trên toàn thế giới được bảo hiểm chi trả vì những người nghèo không đủ khả năng trả phí bảo hiểm.
Swiss Re cho biết: "Tổn thất có khả năng tăng lên khi biến đổi khí hậu làm gia tăng các sự kiện thời tiết khắc nghiệt... Do đó, thích ứng là chìa khóa và các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như đê, đập và cửa cống, có hiệu quả về mặt chi phí cao hơn tới 10 lần so với việc xây dựng lại các khu vực đô thị hoá dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu".