Thế giới

IMF: COVID-19 có thể gây thiệt hại cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020

ClockThứ Hai, 17/02/2020 07:10
TTH.VN - Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 16/2 cho biết, đại dịch do virus corona gây ra (dịch COVID-19) có thể gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Tuy nhiên, một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và nhanh chóng có khả năng xảy ra.

Du lịch Đông Nam Á chịu tổn thất lớn do COVID-19“Tin giả” có thể làm dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơnCập nhật: Thêm 140 ca tử vong do Covid-19, tổng số ca nhiễm là 66.899

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

"Có thể có một sự cắt giảm mà chúng tôi vẫn hy vọng sẽ nằm trong khoảng 0,1-0,2 phần trăm", Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva phát biểu tại Diễn đàn Phụ nữ Toàn cầu ở Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).

Bà Kristalina Georgieva cho biết, tác động đầy đủ của dịch bệnh hiện đang lây lan và đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.600 người sẽ phụ thuộc vào mức độ kiểm soát dịch bệnh nhanh như thế nào.

"Tôi khuyên mọi người không nên đi đến kết luận sớm. Vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn", Giám đốc Điều hành IMF nói thêm.

Trong bản cập nhật đối với Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố hồi tháng 1 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 xuống 0,1 điểm phần trăm, giữ mức 3,3%, sau mức tăng trưởng 2,9% của năm ngoái, mức thấp nhất trong một thập kỷ.

Bà Kristalina Georgieva cho rằng, "còn quá sớm" để đánh giá toàn bộ tác động của dịch bệnh; song cũng lưu ý, dịch bệnh này đã ảnh hưởng đến các ngành như du lịch và giao thông vận tải.

"Vẫn còn quá sớm để nhận định, bởi chúng ta chưa biết rõ bản chất của loại virus này là gì. Chúng ta không biết Trung Quốc sẽ có thể khống chế nó nhanh như thế nào. Chúng ta không biết liệu nó sẽ lây lan sang phần còn lại của thế giới hay không", theo bà Kristalina Georgieva.

Nếu dịch bệnh được ngăn chặn nhanh chóng, có thể sẽ có sự sụt giảm mạnh và sự hồi phục rất nhanh sau đó, người đứng đầu IMF nói thêm.

So với tác động của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003, bà Kristalina Georgieva cho biết, nền kinh tế Trung Quốc khi đó chỉ chiếm 8% nền kinh tế toàn cầu. Bây giờ, con số này là 19%.

Bà Kristalina Georgieva nói rằng, thỏa thuận thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai của thế giới, đã làm giảm tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, thế giới nên quan ngại về sự "tăng trưởng chậm chạp", bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn. "Chúng ta hiện đang bị mắc kẹt với tăng trưởng năng suất thấp, tăng trưởng kinh tế thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp", Giám đốc Điều hành IMF lưu ý.

Lê Thảo (Lược dịch từ Devdiscourse)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF: Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”

Các nhà kinh tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, các nền kinh tế châu Á đủ sức chống chịu với biến động và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua các thách thức một cách bình tĩnh, trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro nội bộ khác nhau bên cạnh việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng.

IMF Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”
Return to top