Thế giới

Ấn Độ bác bỏ đề xuất hòa bình của Pakistan ở Kashmir

ClockThứ Sáu, 02/10/2015 15:14
TTH.VN - Reuters hôm nay (2/10) đưa tin, Ấn Độ chính thức lên tiếng bác bỏ đề xuất hòa bình do Pakistan đưa ra đối với khu vực tranh chấp Kashmir, đồng thời kêu gọi một cuộc hội đàm chống khủng bố giữa các quan chức hai nước.

Trước đó, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã đưa ra đề xuất hòa bình đối với Kashmir trong Khóa họp thường niên của Liên Hợp Quốc (LHQ). Đề xuất kêu gọi 2 nước có vũ khí hạt nhân nên chính thức hóa một lệnh ngừng bắn ở Kashmir và thực hiện các bước để phi quân sự hóa tại khu vực này.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj phát biểu trong phiên họp lần thứ 70 của Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ). Ảnh: Reuters 

Tuy nhiên, Ấn Độ lập tức bác bỏ đề xuất trên, đồng thời cáo buộc Pakistan là quốc gia  dung dưỡng và bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố, là nạn nhân của chính sách hỗ trợ khủng bố của mình.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj nói với Đại hội đồng LHQ rằng, “Ấn Độ vẫn mở cửa đối thoại, nhưng đàm phán và khủng bố không thể đi cùng nhau. Chúng tôi không cần đến 4 điểm, chúng tôi chỉ cần một: hãy từ bỏ chủ nghĩa khủng bố và ngồi xuống nói chuyện với nhau".

Bà Swaraj cho biết thêm, các cuộc đàm phán giữa cố vấn an ninh hai nước về mọi vấn đề liên quan đến khủng bố, cũng như một cuộc họp sớm của các quan chức quân sự cấp cao nhằm giải quyết tình hình căng thẳng trên biên giới cần được tổ chức.

Được biết, cuộc đàm phán giữa các cố vấn an ninh quốc gia từ Ấn Độ và Pakistan đã bị hủy bỏ ngay trước khi được bắt đầu hồi tháng 8 vừa qua, làm sụp đổ hy vọng giải quyết tình trạng bạo lực mà nhiều người lo sợ có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột hạt nhân.

Trong các cuộc đàm phán, Ấn Độ chỉ đã muốn thảo luận về vấn đề liên quan đến khủng bố. Thế nhưng, Pakistan muốn tìm kiếm một chương trình nghị sự rộng lớn hơn, bao gồm cả tình trạng căng thẳng ở Kashmir.

Theo tờ báo Ấn Độ Indianexpress, đề xuất 4 điểm của Thủ tướng Pakistan đưa ra trước LHQ bao gồm: đề nghị hai nước chính thức hóa và tôn trọng thỏa thuận được ký năm 2003 về việc ngừng bắn hoàn toàn ở Ranh giới kiểm soát (LoC) tại khu vực tranh chấp Kashmir; không viện cớ sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong bất kỳ tình huống nào; tiến hành các bước phi quân sự hóa Kashmir; và rút quân vô điều kiện khỏi khu vực chiến trường đẫm máu nhất là Siachen Glacier.

Lê Thảo (lược dịch Reuters & Indianexpress)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top