Thế giới

'‘Thử thách bất tỉnh" trên TikTok khiến ít nhất 20 trẻ em thiệt mạng

ClockThứ Sáu, 02/12/2022 15:35
Ít nhất 20 trẻ em đã thiệt mạng do ngạt thở trong lúc thực hiện “Thử thách bất tỉnh” trên TikTok trong 18 tháng qua.

TikTok đang đe dọa vị thế thống trị của YouTube

Nylah Anderson (10 tuổi) thiệt mạng ở ngoại ô thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ) khi thực hiện thử thách bất tỉnh - Ảnh: BLOOMBERG

"Thử thách bất tỉnh" (blackout challenge) phổ biến trên nền tảng mạng xã hội TikTok, khuyến khích người chơi tự bóp cổ mình bằng các vật dụng trong nhà cho đến khi bất tỉnh và quay lại cảnh khi họ tỉnh lại.

Theo Hãng tin Bloomberg, ít nhất 15 trong số những đứa trẻ đã chết khi quay thử thách này ở độ tuổi dưới 12. Khoảng 5 trong số các nạn nhân ở độ tuổi 13 hoặc 14.

"Thử thách bất tỉnh" là phiên bản hiện đại của thử thách ngạt thở đã có nhiều năm nay và khác ở một điểm là thử thách này tự do hướng tới trẻ em thông qua nền tảng mạng xã hội.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, thử thách ngạt thở đã giết chết 82 trẻ vị thành niên khi xuất hiện lần đầu vào năm 2008.

TikTok và công ty mẹ ByteDance đang bị các bậc cha mẹ khởi kiện tập thể vì cho rằng con cái họ chết do thử thách nói trên.

Tháng 2/2021, một bé gái 9 tuổi ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ), đã chết ngạt sau khi quấn đồ dùng trong nhà quanh cổ trong lúc cố gắng thực hiện thử thách bất tỉnh.

Antonella Sicomero, bé gái 10 tuổi ở Palermo (Ý), được phát hiện chết trong tư thế treo cổ. Cha mẹ bé cho biết con gái mình đã thiệt mạng khi tham gia thử thách "cực đoan" trên TikTok.

Sau cái chết của Sicomero, văn phòng công tố Palermo đã mở cuộc điều tra. Cơ quan chức năng Ý không tìm thấy bằng chứng cho thấy thuật toán của ứng dụng video ngắn đề xuất video có thử thách bất tỉnh cho Sicomero.

Cơ quan chức năng sau đó yêu cầu TikTok kiểm tra lại độ tuổi của tất cả người dùng Ý và chặn mọi quyền truy cập của người dùng dưới 13 tuổi.

Sau đợt rà soát này, hơn nửa triệu tài khoản TikTok ở Ý đã bị xóa vì người dùng tự tuyên bố bản thân trên 13 tuổi. Trong trường hợp của bé gái Sicomero ở Palermo, cơ quan chức năng sau khi xem các video mà cô bé đã xem, khẳng định cô bé cũng tự nhận mình trên 13 tuổi khi tạo tài khoản TikTok.

Dù vậy, những vụ việc thương tâm chưa dừng lại.

Tháng 12-2021, Nylah Anderson (10 tuổi) đã thiệt mạng ở ngoại ô thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ). Mẹ của Anderson đã tìm thấy các đoạn video trên điện thoại di động, quay cảnh cô bé và người anh họ đang thực hiện thử thách ngạt thở.

Một sĩ quan cảnh sát đã viết trong bản báo cáo về vụ việc rằng người anh họ của cô bé Anderson nói đó là thử thách siết cổ mà hai đứa trẻ thấy trên TikTok và YouTube.

Mẹ của bé Anderson sau đó đã kiện TikTok, cho rằng "chắc chắn công ty biết thử thách bất tỉnh chết người đang lan rộng trên ứng dụng và thuật toán của họ đề xuất video này cho trẻ em, bao gồm những đứa trẻ đã chết".

Tuy nhiên, các vụ kiện TikTok và ByteDance ở Mỹ đã đi vào ngõ cụt vì tòa án cho rằng công ty có quyền miễn trừ theo điều 230 trong đạo luật Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act). Đạo luật này đảm bảo các công ty công nghệ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung được xuất bản trên nền tảng của họ.

Một cuộc khảo sát gần đây của Cơ quan Tiêu chuẩn quảng cáo (ASA) của Vương quốc Anh cho thấy hơn 1,6 triệu tài khoản mạng xã hội do trẻ em sở hữu đều khai sai độ tuổi.

Gần 93% thanh niên trong độ tuổi 11-17 cho biết họ có tài khoản Facebook, Instagram, Snapchat, TikTok, Twitch, Twitter hoặc YouTube. 24% trong số đó khai báo sai tuổi khi đăng ký tài khoản.

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) có thể khiến họ mất đi lợi thế trong việc phát triển các kỹ năng đọc, viết và kỹ năng phân tích quan trọng trong tương lai.

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Ngày Trẻ em thế giới (20/11):
UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em

Sự thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, và quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng có nguy cơ tạo ra một tương lai ảm đạm cho trẻ em vào giữa thế kỷ 21, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo trong một báo cáo thường niên, được công bố vào Ngày Trẻ em thế giới (20/11).

UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em
Return to top