ClockThứ Tư, 19/02/2020 14:48

Thiếu “bàn tay” điều tiết, quản lý giá cả trong dịch Covid-19

Theo chuyên gia, việc găm hàng, tích trữ, bán giá cao gấp 4-5 lần là bất bình thường, cần quyết liệt xử lý các hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá.

Nhiều quốc gia hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 do COVID-19Chuyên gia quốc tế họp tại Trung Quốc bàn cách ứng phó dịch COVID-19IMF: COVID-19 có thể gây thiệt hại cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020

Giá các mặt hàng phòng, chống dịch tăng bất thường

Những ngày qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhu cầu về trang thiết bị y tế như khẩu trang y tế, nước sát trùng, nước rửa tay khô… tăng mạnh. Thị trường chứng kiến cảnh khan hiếm các mặt hàng này, từ đó đẩy giá bán lên mức cao gấp 4-5 lần bình thường. Thậm chí tại Hà Nội, sau khi bị lực lượng chức năng xử phạt và yêu cầu cam kết không tăng giá bán, nhiều cơ sở kinh doanh đã ngừng cung cấp mặt hàng này.

Khẩu trang tăng giá 4-5 lần do nhu cầu phòng, chống dịch của người dân tăng cao. (Ảnh minh họa: KT)

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, giá cả phản ánh quy luật cung - cầu của thị trường. Khi nguồn cung không thay đổi mà nhu cầu tăng đột biến sẽ dẫn đến việc giá cả tăng lên. Tuy nhiên, việc tăng giá 4-5 lần, thậm chí hàng chục lần hay việc người dân xếp hàng hàng tiếng đồng hồ để mua khẩu trang là không đáng có.

“Nguồn cung hạn chế, thương nhân hoàn toàn có thể tăng giá, nhưng phải tăng ở mức độ hợp lý dựa trên các yếu tố cấu thành và bối cảnh. Việc tăng giá gấp 4-5 lần bình thường là bất hợp lý. Hiện giá cả các mặt hàng vật tư y tế này về cơ bản đã bình ổn nhưng vẫn còn chậm. Vẫn rất cần “bàn tay” điều tiết của các cơ quan chức năng để bình ổn giá, kéo giá giảm xuống ở mức hợp lý với người tiêu dùng”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Quyết liệt xử lý các hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá

Chia sẻ trên Zing, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm quyết liệt để xử lý những cơ sở tăng giá bất hợp lý. Ông cũng lưu ý phải rất khéo léo xử lý các trường hợp tăng giá, bởi nó có thể dẫn đến một thị trường ngầm, nơi đó có những diễn biến phức tạp và khó quản lý hơn. Ví dụ việc nhiều cửa hiệu kinh doanh treo biển không bán khẩu trang nhưng vấn xuất hiện những người bán “rong” ở ngoài vỉa hè với giá cao, gần khu vực đó. Cơ quan chức năng lại rất khó để xử lý việc buôn bán như vậy.

Để có thể bình ổn giá, ổn định tâm lý người dân, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước hết, cần kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý. Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế.

Đối với các hàng hóa được mua sắm bằng tiền từ nguồn ngân sách, hàng hóa dự trữ quốc gia, hàng hóa, dịch vụ phục vụ công ích cần được kiểm tra tính xác thực, tính đầy đủ và chính xác. Với những hàng hóa, dịch vụ công ích có thể đấu thầu, cần tổ chức đấu thầu mua sắm để đảm bảo tính cạnh tranh, tính hiệu quả và công bằng.

“Trong giai đoạn hiện nay, hơn hết, Nhà nước cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước định giá, tránh lạm phát kỳ vọng, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả của một số mặt hàng và mặt bằng giá cả của nền kinh tế”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Mặc dù CPI tháng 1/2020 tăng cao đã được dự báo trước và hiện vẫn trong các kịch bản điều hành nhưng vẫn gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành giá trong quý I cũng như cả năm 2020.

Theo nhận định của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2020 sẽ gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Nếu không quyết liệt trong khâu tổ chức thực hiện các giải pháp đã được đặt ra trong kịch bản điều hành giá từ đầu năm thì CPI bình quân năm 2020 sẽ vượt mức 4%.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về đánh giá tác động của dịch, đồng thời kiến nghị các địa phương nên đưa các mặt hàng chống dịch vào diện kê khai giá và kiểm soát yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn giá cả thị trường.

Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp để kiểm soát mặt bằng giá tại địa phương. Trường hợp cần thiết căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế, địa phương nên đưa các mặt hàng chống dịch vào diện kê khai giá và kiểm soát yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn giá cả thị trường.

Đối với nhóm mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, cơ quan quản lý giá sẽ giám sát chặt chẽ để đảm bảo ngăn chặn việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top