ClockThứ Sáu, 24/11/2023 06:54

Sẽ không có cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau

TTH - Dự án Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở II đặt tại Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã vừa chính thức khánh thành giai đoạn 1 vào giữa tháng 11 để đi vào hoạt động với mục tiêu hướng tới chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, cứu toàn bộ cá thể gấu còn đang bị nuôi nhốt và đưa chúng về nơi này.

Khánh thành giai đoạn 1 Trung tâm Cứu hộ gấu Việt NamTrung tâm Cứu hộ Gấu ở Bạch Mã tiếp nhận thêm cá thể gấuNhà cho gấu giữa Bạch Mã

Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở II được xây dựng đáp ứng công suất cứu hộ lên đến 300 cá thể 

“Đây thực sự là một ngày rất đáng nhớ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên cấm nuôi nhốt gấu, và hôm nay Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết và khả năng lãnh đạo sáng suốt của mình nhằm đóng cửa tất cả các trại gấu và giúp cứu hộ hết số gấu còn đang bị nuôi nhốt trên cả nước”, bà Jill Robinson MBE - Sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) đã vui mừng thông báo như thế khi dự khánh thành giai đoạn 1 Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở II ở VQG Bạch Mã.

Vừa chăm sóc, vừa lồng ghép hoạt động du lịch

Được tiến hành từ năm 2022, dự án này có kinh phí không hoàn lại hơn 242 tỷ đồng được vận hành bởi AAF. Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở II được xây dựng đáp ứng công suất cứu hộ lên đến 300 cá thể. Ở thời điểm hiện tại dự án đã xây dựng hoàn thiện các khu cơ sở vật chất, bệnh viện, khu cách ly tạm thời và hai nhà gấu đôi với bốn khu bán tự nhiên. Dự án này ra đời trong bối cảnh Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở I tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đang vận hành hết công suất.

Ở thời điểm hiện tại, trung tâm đã đón nhận được 3 cá thể gấu đầu tiên để chăm sóc, cứu hộ. Các cá thể gấu này được về với môi trường sống bán tự nhiên, với không gian rộng rãi, thoáng mát và xanh tươi hơn. Theo các chuyên gia, gấu được giao lưu, tương tác xã hội tốt hơn và đặc biệt là được chăm sóc, yêu mến bởi đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Vì thế họ tin chắc rằng, chúng sẽ hạnh phúc hơn nhiều so với lúc ở một mình trong những chiếc lồng hoặc khung cũi chật hẹp trước đây.

Các cơ quan chuyên môn cũng nhận định, việc dự án đi vào vận hành sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu cơ sở chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã do người dân tự nguyện trao trả, do tịch thu hoặc xử lý các vụ án, vụ việc vi phạm. Song song với công tác chuyên môn cứu hộ và chăm sóc các cá thể gấu, các hoạt động của dự án sẽ được lồng ghép vào hoạt động du lịch sinh thái của VQG Bạch Mã, là điểm đến hấp dẫn đối với khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế. Từ đó, cũng tạo thêm sinh kế và việc làm cho nguồn nhân lực địa phương.

Nữ diễn viên điện ảnh Hollywood người Mỹ gốc Việt Maggie Q - đại sứ thiện chí của AAF đã không khỏi xúc động khi chứng kiến Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở II đặt tại VQG Bạch Mã chính thức đi vào vận hành. Maggie Q tin chắc rằng, trung tâm sẽ thay đổi mãi mãi cuộc sống của những cá thể gấu. “Tôi hy vọng rằng, Trung tâm Cứu hộ gấu Bạch Mã sẽ không chỉ là một trung tâm mà còn là mái nhà hạnh phúc cho hàng trăm cá thể gấu vẫn đang bị giam cầm ngoài kia, những sinh vật đã và đang phải chịu đựng rất nhiều sự đau đớn. Ở đây, những sinh vật đẹp đẽ ấy sẽ tìm thấy niềm an ủi, tình yêu, và sự tự do để chữa lành và khám phá lại bản năng tự nhiên của mình”, Maggie Q nói với giọng đầy cảm xúc.

Tiến tới chấm dứt nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gấu

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho rằng, bên cạnh đáp ứng tiêu chuẩn cứu hộ khoảng 300 cá thể gấu, sự ra đời Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở II đặt tại VQG Bạch Mã còn hướng tới việc đào tạo được một đội ngũ nhân viên có khả năng chăm sóc, điều trị gấu và vận hành trung tâm đạt chuẩn. Bên cạnh đó, hướng đến giáo dục, tuyên truyền bảo tồn loài gấu, chấm dứt việc nuôi gấu bởi các cơ sở nuôi gấu tư nhân và tiến tới chấm dứt nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gấu trong cộng đồng.

“Các quần thể gấu và vùng sống của chúng ngoài tự nhiên sẽ được phục hồi và tăng lên cũng như các loài nguy cấp khác trong khu vực sẽ được khôi phục. Dự án này cũng mong đợi sẽ thu hút được cộng đồng địa phương tham gia tích cực vào công tác bảo tồn, cứu hộ gấu và bảo tồn thiên nhiên nói chung”, ông Thiện hy vọng. 

Cũng theo đại diện AAF, cùng với cứu hộ, chăm sóc, về phương diện tìm kiếm giải pháp giảm nhu cầu tiêu thụ mật gấu, dự án kế thừa các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức đang được triển khai, phối hợp cùng các thầy thuốc đông y Việt Nam giới thiệu và phổ biến các cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu, xây dựng vườn thảo dược trưng bày các cây thuốc thay thế mật gấu.

Về phương diện giáo dục sẽ nâng cao nhận thức bảo vệ gấu, triển khai các chương trình tuyên truyền tới các trường học để giúp học sinh hiểu rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ loài gấu nói riêng và các loài động vật nói chung. Dự án Cứu hộ Gấu Việt Nam tại VQG Bạch Mã cũng chào đón các em học sinh và khách tham quan tìm hiểu về thực trạng của loài gấu cũng như thăm các cá thể gấu vui đùa trong khu bán tự nhiên, vì mục tiêu cứu hộ toàn bộ các cá thể gấu trong các trại nuôi nhốt tại Việt Nam.

Dự án Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam Cơ sở II được thực hiện theo mô hình phía Việt Nam tự quản lý, vận hành trung tâm với sự tư vấn, hướng dẫn, giám sát của các chuyên gia của AAF. Điều này sẽ đảm bảo được điều kiện chăm sóc, điều trị thú y cho loài gấu tốt nhất và trung tâm sẽ đạt được chứng chỉ quốc tế về đạt chuẩn cơ sở hạ tầng, quy trình và kỹ thuật chăm sóc, cứu chữa loài gấu.

Sau khi dự án kết thúc, các cán bộ của trung tâm sẽ có đủ trình độ, kinh nghiệm và năng lực để tiếp tục duy trì trung tâm lâu dài. Ngoài ra, AAF cam kết tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trung tâm thêm 5 năm sau khi dự án kết thúc. Cam kết này đảm bảo trung tâm có đủ nguồn nhân lực để tiếp tục duy trì và chuẩn bị mọi điều kiện kỹ thuật đảm bảo cho việc bàn giao dự án cho phía Việt Nam.

Bài, ảnh: NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều cách làm để “Không ai bị bỏ lại phía sau”

Huy động đa dạng nguồn lực và tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ khó khăn theo phương châm “trao cần câu hơn xâu cá”, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Nhiều cách làm để “Không ai bị bỏ lại phía sau”
Phía sau những chương trình yêu thương

Phía sau những chương trình ý nghĩa “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Đồng hành cùng người chiến sĩ biên cương”, “Ngôi nhà xanh-tiếp sức đến trường”…, có rất nhiều việc làm tâm huyết của Trung úy Nguyễn Văn Dực, trợ lý công tác quần chúng Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh. Dực là một trong 10 gương mặt trẻ của BĐBP toàn quốc được tuyên dương năm 2018.

Phía sau những chương trình yêu thương

TIN MỚI

Return to top