ClockThứ Hai, 14/01/2019 13:45

Nuôi thủy sản xen ghép ở rú Chá

TTH - Nuôi thủy sản xen ghép quanh rừng ngập mặn (RNM) là mô hình mới vừa được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh thí điểm thành công tại rú Chá, thuộc xã Hương Phong (TX. Hương Trà).

Thí điểm mô hình thủy sản an toànHỗ trợ sinh kế cho cư dân đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Tôm sau khi thu hoạch

Thành công bước đầu

RNM rú Chá là rừng nguyên sinh tự nhiên duy nhất tại Thừa Thiên Huế với 90% là cây chá bản địa với diện tích gần 5ha. Từ năm 2012 đến nay, được sự hỗ trợ của các dự án, ngành kiểm lâm đã tiến hành triển khai trồng RNM quanh khu vực rú Chá với các loại cây như bần, đước, dừa nước… 

Để giải quyết hài hòa các xung đột lợi ích trong phát triển, bảo vệ RNM, việc tạo ra sinh kế cho người dân là yêu cầu tất yếu. Trong đó, phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) xen ghép nhiều đối tượng như tôm, cua, cá là phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đầu năm 2018, TTKN tỉnh triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua và cá đối tại RNM rú Chá.

Ông Đặng Duy Đấu ở xã Hương Phong, một trong những hộ nuôi thủy sản xen ghép ở rú Chá nói: “Mô hình nuôi thủy sản xen ghép quanh khu RNM rú Chá là khá mới, song các yếu tố tự nhiên, kỹ thuật cũng không khác mấy so với các mô hình nuôi thông thường, từ mật độ thả giống đến kỹ thuật chăm sóc, nguồn thức ăn…”.

Quá trình nuôi cho thấy, sau 4-6 tháng tỷ lệ sống tôm sú sống ước 58,3%, kích cỡ 36 con/kg, năng suất ước đạt 321kg/ha; tỷ lệ cua sống ước 60%, kích cỡ 255g/con, năng suất ước đạt 153kg/ha và cá đối ước tỷ lệ sống 60%, kích cỡ 307g/con, năng suất ước đạt 212kg/ha.

Để mô hình được nhân rộng

Chủ tịch UBND xã Hương Phong Trần Viết Én khẳng định, mô hình nuôi thủy sản xen ghép phù hợp với môi trường tại khu RNM rú Chá. Mô hình nuôi xen ghép thí điểm của TTKN tỉnh vừa thành công mở ra cơ hội mới cho người dân xã Hương Phong trong phát triển NTTS trên vùng đầm phá Tam Giang. Chính quyền địa phương đang tiến hành chọn lựa hộ có điều kiện, năng lực, vận động người dân tham gia NTTS quanh khu vực RNM nhằm phát triển kinh tế, ổn định sinh kế và tham gia bảo vệ rừng.

Giám đốc TTKN tỉnh Châu Ngọc Phi đánh giá, mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua và cá đối tại RNM rú Chá bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua mô hình đã giải quyết được xung đột giữa phát triển trồng RNM với sinh kế người dân vốn phụ thuộc vào việc khai thác tại các vùng nước tự nhiên đầm phá; từ đó giúp hạn chế các hoạt động khai thác hủy diệt môi trường, phát triển trồng RNM trong tương lai.

Nuôi thủy sản xen ghép quanh khu vực RNM không khó, tuy nhiên người dân cần nắm vững các yêu cầu kỹ thuật cơ bản trong quá trình nuôi. Vùng nuôi được xác định nằm quanh khu vực có trồng RNM, đảm bảo độ mặn, nhiệt độ, hàm lượng ô xi, PH và diện tích vùng nuôi tốt nhất là 1-2 ha. Trong vùng nuôi có đầy đủ các hệ thống mương sâu 1-1,2m để tôm, cua, cá trú ẩn. Việc thay nguồn nước hoàn toàn dựa vào yếu tố thủy triều tự nhiên.

Nguồn giống nuôi tại RNM cần lựa chọn tương đối khắt khe, phải khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không bị xây xát (tróc vảy), nhìn bên ngoài màu sắc tươi sáng, không bị dị hình, dị tật. Thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, không nên thả giống khi trời mưa hoặc gió mùa đông bắc. Trước khi thả phải ngâm các túi đựng giống trong ao từ 10 -15 phút để cân bằng nhiệt độ, sau đó mở túi cho nước vào từ từ rồi thả cá giống ra ao nuôi. Riêng đối với cua, tiến hành cho ít nước vào phủ lớp cát trong khay cua, để khoảng 5 -10 phút, sau đó nghiêng khay và rải cua khắp ao; không nên thả tập trung một điểm, nhằm hạn chế cua ăn lẫn nhau khi lột xác.

Đối với cá đối sử dụng thức ăn viên nổi công nghiệp; cua, tôm sú sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm trên 30%. Người nuôi có thể tận dụng thêm nguồn cá tạp và phế phụ phẩm nông nghiệp để chế biến thức ăn cho các đối tượng nuôi. Chỉ cho thức ăn bổ sung một phần nhu cầu cho thủy sản, còn lại các đối tượng nuôi sẽ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong RNM.

Theo TTKN tỉnh, quá trình nuôi phải thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới, cọc tre để sửa chữa kịp thời các sự cố hư hỏng, tránh bị thất thoát thủy sản; phải bón vôi theo đúng định kỳ, trọng lượng theo quy định. Mực nước trong các mương luôn có độ sâu từ 1 - 1,2m. Người nuôi không được chặt phá hoặc có các hành động khác làm ảnh hưởng đến RNM.

Sau 3 - 4 tháng nuôi tôm đạt kích cỡ 45 con/kg, cua đạt kích cỡ 4 con/kg thì tiến hành thu tỉa. Cá đối sau thời gian từ 5 - 6 tháng nuôi đạt kích cỡ thương phẩm 3 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Quá trình thu tỉa có thể tiến hành thả bù thêm giống để có sản phẩm quanh năm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thước đo cho giá trị rừng ven biển

Không cung cấp gỗ như rừng trồng sản xuất, nhưng giá trị mà rừng ven biển; trong đó có rừng ngập mặn mang lại khó có thể kể hết. Đặc biệt, khi Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Thước đo cho giá trị rừng ven biển
Vụ san ủi 0,72ha rừng ngập mặn ở Quảng Phước:
Buộc đơn vị thi công đền bù thiệt hại gần 160 triệu đồng

Ngày 4/4, thông tin từ UBND huyện Quảng Điền cho biết, đã có kết quả điều tra, xác minh ban đầu vụ san ủi gây thiệt hại 0,72ha cây trồng rừng ngập mặn tại Hà Đồ, xã Quảng Phước (Quảng Điền).

Buộc đơn vị thi công đền bù thiệt hại gần 160 triệu đồng
Huế đạt hai giải của “Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022”

Chiều tối 1/4, tại cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy), Sở Du lịch phối hợp TX. Hương Thủy và Báo Sài Gòn tiếp thị tổ chức lễ công bố kết quả “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022” và phát động bình chọn “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2023”.

Huế đạt hai giải của “Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022”

TIN MỚI

Return to top