ClockThứ Sáu, 08/05/2020 06:35

Không để lãng phí hồ tôm

TTH - Nếu có biện pháp kỹ thuật hợp lý, tôm nuôi trên cát ven biển vụ hè không chỉ mang lại hiệu quả, mà còn tránh để lãng phí ao hồ.

Thay đổi tư duy để nuôi tôm an toànNuôi tôm vụ hè: Sản lượng thấp, nhiều hộ thua lỗ

Kiểm tra tôm và sục khí tạo ô xi

Cơ hội

Vào hè, thời tiết oi bức là lúc nhiều người dân Ngũ Điền phơi hồ chờ thời tiết thuận lợi mới vào vụ nuôi tôm mới. Tuy nhiên, với anh Trương Hoàng ở xã Phong Hải (Phong Điền), nuôi tôm trên cát vụ hè được xem là thách thức nhưng cũng là cơ hội có thể mang lại hiệu quả.

Sau hơn 10 năm “bén duyên” với nghề nuôi tôm trên cát, trong khi nhiều hộ thất bại, hoặc phơi hồ vì nắng nóng, lo sợ dịch bệnh thì phần lớn các vụ nuôi tôm mùa hè của Hoàng lại có lãi, chí ít cũng hòa vốn.

Theo Hoàng, cơ hội nuôi tôm vụ hè trước hết là hộ nuôi không nhiều, số lượng sản phẩm có hạn nên thường dễ bán, giá tôm thường cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với vụ khác trong năm.

Nuôi tôm vụ hè cơ bản giống với các vụ nuôi khác trong năm, nhưng theo Hoàng, các điều kiện kỹ thuật đòi hỏi “cao hơn một chút”. Yêu cầu người nuôi phải “chăm chút con tôm” từng giờ, từng ngày để có biện pháp xử lý những dấu hiệu bất thường. Mấu chốt của vụ hè được xác định là thời tiết nắng nóng làm nhiệt độ nước trong ao nuôi cao hơn mức cho phép, tôm nuôi chậm sinh trưởng, sức đề kháng kém dễ dẫn đến các loại dịch bệnh.

Người nuôi phải có biện pháp xử lý điều hòa nhiệt độ nguồn nước, cùng với các biện pháp kỹ thuật hợp lý để tôm phát triển bình thường, tránh dịch bệnh. Ngoài thay nước, bổ sung nước theo định kỳ, quá trình theo dõi thấy nhiệt độ nước trong ao quá cao, vượt mức bình thường buộc phải thay nước đột xuất, kịp thời. Trong khi thay nước phải kiểm soát các yếu tố môi trường nước để có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp, đảm bảo tôm phát triển tốt.

Một yếu tố lợi thế đối với nuôi tôm trên cát ven biển là có thể thả nuôi mật độ dày, nhưng với vụ hè yêu cầu bắt buộc phải thả nuôi mật độ thưa chỉ bằng một nửa so với các vụ khác. Theo Hoàng, mùa nắng nóng, nguồn nước trong ao thường thiếu ô xy nên phải giãn mật độ nuôi nhằm đảm bảo tôm phát triển. Mật độ nuôi thấp thì lượng giống ít lại, lượng thức ăn giảm nên giảm chi phí đầu tư, nếu rủi ro bị dịch bệnh sẽ hạn chế thua lỗ.

Các vụ nuôi khác trong năm, với diện tích ao hồ 3.000m2 thường chi phí đầu tư 500-600 triệu đồng/vụ, trong khi với diện tích này vụ hè chi phí chỉ bằng một nửa. Hoàng khoe: “Từ khi vào nghề nuôi tôm đến nay có sáu vụ hè, trong đó ba vụ có lãi, một vụ lỗ, còn lại hòa vốn. Các vụ lãi từ 200-300 triệu đồng/vụ ”.

Được phép nuôi vụ hè

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sử thông tin, nuôi tôm trên cát vụ hè lâu nay trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Phong Hải cũng như Ngũ Điền, bởi cứ nuôi là thua lỗ, may ra chỉ hòa vốn. Hai yếu tố cơ bản dẫn đến thua lỗ là do thiếu kinh nghiệm và thời tiết nắng nóng diễn biến phức tạp dẫn đến tôm nuôi chậm sinh trưởng, dịch bệnh.

Những năm gần đây, địa phương không khuyến khích người dân nuôi tôm trên cát vụ hè, nhưng các hộ vẫn được phép nuôi nếu đảm bảo các điều kiện kỹ thuật hợp lý, chấp hành đúng quy định của cơ quan chức năng. Trước khi vào vụ, chính quyền địa phương cử cán bộ kiểm tra điều kiện ao hồ, hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật nuôi tôm mùa nắng nóng, yêu cầu chấp hành quy định bảo vệ môi trường, quy hoạch…Đến nay, tại xã Phong Hải có hàng chục hộ đã thả nuôi vụ hè, tôm đang phát triển tốt.

Theo TS. Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông lâm - Đại học Huế, công nghệ nuôi tôm trên cát của người dân hiện nay chưa “đủ trình” để nuôi mỗi năm 3 vụ. Tuy nhiên, người dân có thể nuôi tôm vụ hè với điều kiện tích lũy nhiều kinh nghiệm, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, quy định xử lý, bảo vệ môi trường của cơ quan chức năng. Các hộ nuôi phải nắm vững các quy trình kỹ thuật “làm mát” nguồn nước trong ao trong suốt mùa nắng nóng.

Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, người dân hoàn toàn được phép nuôi tôm vụ hè nhằm không lãng phí ao hồ; tuy nhiên phải đảm bảo áp dụng, chấp hành tốt các quy trình kỹ thuật nuôi tôm mùa nắng nóng. Ngoài sự chủ động ứng phó thời tiết, dịch bệnh của người dân, cán bộ thủy sản thường xuyên có mặt tại các địa phương, các hộ nuôi để hướng dẫn các biện pháp nuôi trồng hợp lý, nhất là khâu bảo vệ môi trường, phòng trừ dịch bệnh...

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo chuyển biến trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Chiều 31/12, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) cấp tỉnh năm 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Tạo chuyển biến trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Mãn kinh không đợi tuổi: Các biện pháp bảo vệ sức khỏe phụ nữ

Mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên trong đời sống của phụ nữ, đánh dấu sự kết thúc của khả năng sinh sản. Tuy nhiên, quá trình này có thể bắt đầu sớm hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người, thường xảy ra trong khoảng 40-50 tuổi. Mãn kinh sớm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà còn tác động đến nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của phụ nữ. Bài viết này sẽ khám phá tác động đa chiều của mãn kinh đến sức khỏe phụ nữ. Tìm hiểu ngay nhé!

Mãn kinh không đợi tuổi Các biện pháp bảo vệ sức khỏe phụ nữ
Thí điểm biện pháp xử lý vật chứng và tài sản trong vụ án tham nhũng

Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự vừa được Quốc hội thông qua quy định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Thí điểm biện pháp xử lý vật chứng và tài sản trong vụ án tham nhũng

TIN MỚI

Return to top