ClockThứ Bảy, 11/01/2020 07:00

Chủ động đầu vụ đông xuân

TTH - Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng thủy văn, khả năng trên địa bàn sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cuối vụ đông xuân năm 2019-2020 và vụ hè thu năm 2020.

Dự báo sẽ thiếu hụt nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2019 – 2020Chật vật nước tưới vụ hè thu

Nông dân (Quảng Thái) chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân

Nhiều mối lo 

Vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh gieo cấy 28.667 ha lúa. Hiện, các xứ đồng sử dụng giống lúa dài ngày đã cơ bản hoàn thành việc gieo sạ. Những diện tích lúa sử dụng các giống lúa ngắn ngày, người dân đang làm đất và xuống giống đại trà. Các giống đưa vào gieo cấy chủ yếu HT1, TH5, Iri352, BT7, Khang dân... đảm bảo theo cơ cấu của ngành nông nghiệp với 100% sử dụng giống lúa xác nhận. Trong đó, các giống chất lượng cao như TH5, Iri352, BT7 và các giống mới chất lượng cao như HN6, KH1,... đã qua khảo nghiệm mang lại hiệu quả cao cũng được đưa vào sản xuất đại trà.

Theo tình hình thực tế, mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60-100% dung tích thiết kế, riêng hồ Phú Bài 2 đạt 30,5% dung tích thiết kế. Các hồ thủy điện cũng đạt mức thấp, hồ Tả Trạch 75,3%; Hương Điền 53,7%; Bình Điền đạt 20,5% dung tích thiết kế.

Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng thủy văn, khả năng trên địa bàn sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cuối vụ đông xuân năm 2019-2020 và vụ hè thu năm 2020. Trong đó, diện tích dự kiến thiếu nước khoảng 2.200 ha tập trung ở các vùng cuối kênh, vùng cát ven biển, vùng gò đồi. Riêng diện tích hoa màu, lạc sắn khả năng bị hạn tập trung ở các vùng như cây lạc ở Phong Sơn, Phong Xuân (Phong Điền); Hương Văn, Hương Vân, Hương Xuân (Hương Trà).

Cùng với nguy cơ thiếu nước, nông dân toàn tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn khác, trong đó chuột gây hại trên diện rộng cũng đang ảnh hưởng gieo sạ đầu vụ. Bà Phạm Thị Vân (ở Điền Hải, Phong Điền) cho biết, gia đình mới sạ được 2 sào ruộng nhưng vừa sạ chuột đã phá hại khá nhiều nên nguy cơ phải sạ lại khá cao.

Chuyển đổi cơ cấu

Với dự báo hạn nặng xảy ra trong vụ đông xuân, các địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông xuân 324 ha. Trong đó, đất lúa 1 vụ khoảng 182 ha, đất lúa 2 vụ 142 ha sang trồng các loại rau đậu, sen, nuôi trồng thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà thông tin, vụ đông xuân này thị xã chuyển đổi 70 ha trồng lúa nguy cơ bị hạn sang trồng các cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản. Tăng cường sử dụng các giống lúa tốt, chất lượng kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng. Cùng với đó, địa phương sẽ tiến hành nạo vét các tuyến hói, kênh mương từ các cống vào kênh mương nội đồng, đầu mối trạm bơm tưới và máy bơm dầu lẻ. Tu bổ kênh mương, nhất là các tuyến kênh bê tông nội đồng đã hư hỏng nặng của các HTX, khảo sát lập phương án lắp đặt trạm bơm tăng cường để tạo nguồn tưới khi hạn nặng xảy ra…Dự kiến nguồn kinh phí chống hạn sẽ ở mức 7 tỷ đồng.

Cùng với chống hạn, các địa phương cũng ra quân diệt chuột kết hợp Ngày Chủ nhật xanh trên phạm vi toàn tỉnh  (ngày 5/1), mang lại hiệu quả khả quan. Tại cánh đồng của HTX Thắng Lợi (xã Quảng Lợi, Quảng Điền), hơn 1.200 xã viên, thanh niên ra quân diệt chuột trên các xứ đồng.

Dù đã ngoài 70 tuổi, ông Nguyễn Hách, đội 4 (xã Quảng Lợi) vẫn tham gia diệt chuột cùng nhiều bà con trong xã. Ngoài thực hiện bỏ thuốc dọc các tuyến đê bao nội đồng, ông còn thực hiện đặt bẫy, đào bắt thủ công.

“Theo kế hoạch, HTX sẽ tiến hành 5 đợt ra quân diệt chuột. Từ nay đến ngày 10/1, HTX sẽ tổ chức 3 đợt ra quân diệt chuột bằng biện pháp thủ công (đào hang, đặt bẫy). Sau khi lúa gieo sạ sẽ triển khai thêm 2 đợt bằng biện pháp bỏ thuốc sinh học. Trong ngày ra quân này, HTX đã diệt hàng vạn con chuột”, ông Hà Tân, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Thắng Lợi thông tin.

Các địa phương trên toàn tỉnh cũng đồng loạt ra quân diệt chuột để bảo vệ mùa màng trong ngày 5/1. Ngoài nguồn kinh phí hoạt động nông nghiệp, các địa phương đều trích kinh phí dự phòng, các HTX và cả người dân tự bỏ kinh phí mua thuốc sinh học diệt chuột trên phạm vi rộng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, xác định vụ đông xuân sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, UBND huyện tập trung khắc phục theo phương châm 4 tại chỗ. Huy động nhân lực, vật lực tổ chức nhiều đợt ra quân diệt chuột. Từ đầu vụ, địa phương đã trích kinh phí mua và cấp 267,5 kg thuốc Racumin cho các địa phương. Các HTX cũng chủ động trích kinh phí mua đuôi chuột và thuốc sinh học diệt chuột. Đồng thời, kết hợp Ngày Chủ nhật xanh, huyện cũng tổ chức ra quân vớt bèo, khơi thông dòng chảy, tu sửa kênh mương thủy lợi, nạo vét ao hồ chứa nước đảm bảo cung ứng nước cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, nếu diện tích nào dự báo thiếu nước, không thể chuyển đổi phải chấp nhận bỏ hoang không khai thác nhằm hạn chế thiệt hại không đáng có. Các HTX, nông dân thực hiện phương châm sử dụng tiết kiệm nước, tưới luân phiên, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tiết kiệm nước, có khung lịch thời vụ hợp lý. Một số khu vực có diện tích đất đủ điều kiện, thuận lợi để gieo sạ thì nên sớm gieo xạ với cơ cấu giống ngắn ngày. Đối với cây lạc, các địa phương cần chỉ đạo, khuyến khích người dân gieo trồng càng sớm càng tốt để hạn chế thiệt hại vào cuối vụ.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành sầu riêng Thái Lan thất thu vì nắng nóng gay gắt

Được mệnh danh là “vua trái cây”, sầu riêng với mùi vị đặc trưng từ lâu đã là một trong những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng và sinh lợi nhất của Thái Lan. Tuy nhiên, một đợt nắng nóng khủng khiếp đang bao trùm Đông Nam Á đã khiến sản lượng sần riêng giảm trong khi chi phí lại tăng vọt, khiến những nông dân trồng sầu riêng và thương nhân ở Thái Lan ngày càng lo ngại khi hiện tượng nóng lên toàn cầu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành này.

Ngành sầu riêng Thái Lan thất thu vì nắng nóng gay gắt
Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Hơn 24 triệu người đối mặt với nạn đói và thiếu nước ở miền Nam châu Phi

Tổ chức chống đói nghèo Oxfam mới đây cảnh báo rằng, hơn 24 triệu người ở miền Nam châu Phi phải đối mặt với nạn đói, suy dinh dưỡng và khan hiếm nước do hạn hán và lũ lụt, trong khi các chuyên gia cho rằng, tình hình có nguy cơ leo thang thành “tình trạng nhân đạo không thể tưởng tượng được”.

Hơn 24 triệu người đối mặt với nạn đói và thiếu nước ở miền Nam châu Phi

TIN MỚI

Return to top