ClockChủ Nhật, 28/08/2022 09:28

Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế-ngân sách nhà nước là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của ngành Tài chính trong phát triển kinh tế-xã hội. Ðiều này càng trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Hạ tầng cơ sở chưa thúc đẩy động lực của kinh tếKiến tạo mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh điển hình, chung tay phát triển quốc gia sốThích ứng trong thu hút đầu tư

Chính sách tài khóa đã và đang hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Trước những thách thức và diễn biến khó lường về kinh tế, chính trị thế giới, những nhiệm vụ đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam, ngành Tài chính đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tài khóa, bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế, nhất là cân đối ngân sách và thị trường tài chính phát triển lành mạnh bền vững, cũng như góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội.

Sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bám sát chỉ đạo của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đánh giá tình hình thực tiễn và nghiên cứu kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ Tài chính chủ động rà soát hệ thống pháp luật và đề xuất triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Theo đó, Bộ Tài chính đã thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn đối với một số sắc thuế, khoản thu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện các chính sách thu ngân sách nhà nước, hỗ trợ phục hồi thúc đẩy nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó, đã thực hiện giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% đồng thời với các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí đã ban hành cuối năm 2021 vẫn còn hiệu lực thi hành trong năm 2022 như: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 50% lệ phí trước bạ; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí và điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Ðáng lưu ý, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, tạo sức ép lớn đối với lạm phát trong nước, từ đầu năm tới nay, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp bình ổn giá, kịp thời trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh giảm tới mức sàn thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu.

Không chỉ vậy, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng cũng được điều chỉnh giảm từ mức thuế suất 20% xuống 10%... cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác được ban hành như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Ðánh giá chung, có thể khẳng định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đến nay đạt kết quả tốt giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Ước tính các chính sách đã ban hành giảm, giãn thuế, phí các doanh nghiệp và người dân trong năm 2022 là 231 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn đến hết tháng 7 ước khoảng 89.200 tỷ đồng. Trong đó: số tiền gia hạn khoảng 43 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 46.200 tỷ đồng (bao gồm cả 6.300 tỷ đồng thực hiện các chính sách đã ban hành và thực hiện từ năm 2021 nhưng có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022).

Các giải pháp hỗ trợ nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, hoạt động quản lý chi ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính thực hiện theo phương châm tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả; tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung, ưu tiên nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội 347 nghìn tỷ đồng, trong đó 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống xã hội của người dân.

Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất phương án cắt giảm những chương trình, dự án không giải ngân được, bố trí cho chương trình dự án khác nhanh chóng phát huy hiệu quả.

Ðồng thời, tăng chi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế; đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; 6.600 tỷ đồng đầu tư cho các đường cao tốc…

Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương cũng chủ động bố trí kinh phí, lồng ghép chính sách, nhiệm vụ và tổ chức triển khai thực hiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tất cả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngoài ra, công tác quản lý đầu tư công được quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tạo động lực cho phát triển. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 28/6/2022 về việc phân bổ, cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm tập trung, ưu tiên nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách.

Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt

Những đóng góp tích cực trong điều hành chính sách tài khóa của Bộ Tài chính đã góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP sáu tháng đạt 6,42%.

Bộ đã chủ động tính toán, dự báo, xây dựng các kịch bản, phối hợp với các Bộ quản lý ngành báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá các biện pháp điều hành, bình ổn giá để kiểm soát lạm phát mục tiêu cũng như các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, lạm phát được kiểm soát ở mức 2,54% trong bảy tháng; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, đạt 16,1%; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thị trường tài chính phát triển minh bạch, lành mạnh là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả của nền kinh tế,...

Về các định hướng nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu tài chính-ngân sách nhà nước trong thời gian tới, toàn ngành Tài chính quyết tâm bám sát thực tế kinh tế xã hội, luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động vượt qua khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.

Toàn ngành nhận thức rõ: Bên cạnh những thuận lợi, triển vọng tăng trưởng kinh tế nước ta trong những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức từ bên ngoài và cả bên trong. Ðà phục hồi kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại, chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng, đẩy giá xăng dầu, lương thực và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao…

Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn cho nên chịu tác động, ảnh hưởng mạnh từ những biến động bên ngoài; áp lực kiểm soát lạm phát gia tăng; hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số lĩnh vực còn khó khăn. Do đó, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng, quyết định tới mục tiêu ổn định, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ Tài chính sẽ tập trung chủ động theo dõi sát tình hình trong nước và thế giới, nhất là diễn biến giá cả, lạm phát, để tham mưu kịp thời cho Chính phủ ứng phó linh hoạt với các biến động vĩ mô cũng như các biến động trong lĩnh vực tài chính-ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tích cực triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các giải pháp tài khóa nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của các gói hỗ trợ kích thích kinh tế, cải thiện sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Ðiều hành chính sách tài khóa linh hoạt, quản lý tốt các khoản thu, nhất là thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, chống chuyển giá, trốn thuế thu từ bất động sản; đẩy mạnh áp dụng và phân tích dữ liệu từ hóa đơn điện tử để quản lý tốt nguồn thu ngân sách.

Tiếp tục thực hiện chính sách chi tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, hạn chế chi chuyển nguồn; chủ động rà soát, sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên; rà soát, cân đối nguồn lực cho chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân ổn định sau đại dịch Covid-19. Ðẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Toàn ngành chủ động cân đối và kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ nợ công, cơ cấu nợ công theo hướng bền vững; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung-cầu thị trường; phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022, bảo đảm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI trong phạm vi 4%. Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường, quản lý phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm theo hướng minh bạch, bền vững...

Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định và giảm mặt bằng lãi suất, chi phí vốn,… góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ của ngành rất lớn và nặng nề, nhưng Bộ Tài chính luôn tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, của Ðảng, Nhà nước; sự quan tâm, phối hợp, chia sẻ của các bộ, ngành trung ương, nhất là của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể cán bộ, công chức toàn ngành, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa truyền thống đoàn kết, sáng tạo; nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2022 ở mức cao nhất, tạo tiền đề thuận lợi cho việc phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo nhandan.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Các nền kinh tế ASEAN+3 duy trì tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn

Trong bản cập nhật hàng quý mới nhất về Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 vừa được công bố ngày 3/10, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo khu vực này - gồm các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2024 và mức tăng trưởng này sẽ tăng lên 4,4% vào năm 2025. Theo AMRO, sự phục hồi liên tục trong thương mại và du lịch nước ngoài, cùng với nhu cầu trong nước mạnh mẽ, sẽ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của khu vực.

Các nền kinh tế ASEAN+3 duy trì tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn

TIN MỚI

Return to top