ClockThứ Năm, 08/06/2017 06:01

Đơn vị trồng rừng chịu toàn bộ kinh phí khắc phục

TTH - Nhiều ha rừng dương (phi lao) ven biển Thuận An (Phú Vang) thuộc dự án Đầu tư phát triển rừng ven biển và đầm phá tỉnh, chỉ mới triển khai trồng trong thời gian gần đây đã chết la liệt.

Khoảng 60% diện tích dương trồng ven biển (trên tổng diện tích 9,7 ha) bị chết khô tại thị trấn Thuận An

60% diện tích rừng trồng chết do thời tiết

Đầu năm 2017, dự án Đầu tư phát triển rừng ven biển và đầm phá tỉnh (gọi tắt dự án) triển khai trồng 9,7 ha rừng tại 4 tổ dân phố (TDP) Hải Bình, An Hải, Minh Hải, Hải Thành (thị trấn Thuận An). Dự án do Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm chủ đầu tư, đơn vị thực hiện trồng rừng là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Thuận An (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh). Do ảnh hưởng thời tiết bất thường, 60% diện tích rừng dương mới trồng vài tháng nói trên đã chết la liệt.

Có mặt tại TDP Hải Bình, nơi tập trung số diện tích rừng dương chết nhiều nhất (khoảng 3ha), ghi nhận của chúng tôi, trên chiều dài khoảng 1km, bề ngang 50m từ khu dân cư ra sát mép biển, la liệt cây dương con đã khô quắt nhiều tháng trước đó, nhiều cây đổ vùi trong cát. Một số diện tích còn lại chết rải rác.

Tìm hiểu quá trình phát triển rừng dương ven biển Thuận An, nhiều hộ dân cho biết, không riêng gì rừng của dự án, trước đây người dân trồng cây dương con nhiều lần bị chết. “Biển hồi xưa nằm ở xa, bây giờ biển xâm thực vô gần, cây dương con trồng lên nhiễm hơi mặn liên tục, gió mùa giật nhiều, thời tiết thất thường nên khó sống được”, ông Trần Diệp, một hộ dân ở TDP Hải Bình nhận định.

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An thông tin, toàn thị trấn có 77,2 ha rừng phòng hộ ven biển, được trồng, bảo vệ qua nhiều năm và từ các nguồn kinh phi khác nhau. Trong đó, rừng già (trồng 15-20 năm) khoảng 34,6ha, diện tích còn lại 42,6 mới trồng những năm gần đây. Liên quan đến dự án do đơn vị trồng rừng là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Thuận An đã trồng 25 ha năm 2016 phần lớn số diện tích trồng mới này phát triển tốt, đến nay nhiều cây đã ngang ngực người, triển vọng phát huy được chức năng chống gió bão, cát bay cát nhảy. Riêng diện tích trồng năm 2017, ghi nhận của địa phương vẫn có khá nhiều rừng dương bị chết, tập trung ở TDP Hải Bình, Hải Tiến. Nguyên nhân do khi trồng là mùa đông nhưng sau đó gặp thời tiết không thuận lợi, một số hộ chăn nuôi bò, dê thả rong phá rừng cây. “Địa phương đã yêu cầu 15 hộ dân chăn nuôi bò, dê trên địa bàn ký cam kết không chăn thả rong bò dê, nếu chăn thả phải có người trông giữ và đã xử lý hành chính 6 trường hợp vi phạm”, ông Đủ nói.    

Sẽ triển khai trồng lại

Dự án có tổng kinh phí 100 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2020. Những năm qua, dự án đã triển khai quản lý và bảo vệ rừng 5.000 ha; trồng mới và chăm sóc rừng 557 ha (gồm rừng trên cát 298 ha, rừng ngập mặn 164 ha, rừng ngập nước ngọt 113 ha), trên địa bàn 5 huyện, thị xã ven biển và đầm phá: Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Hương Trà, Phú Lộc.

Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, dự án triển khai nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; bảo vệ, trồng mới, phục hồi các hệ sinh thái ven biển và đầm phá tỉnh, hạn chế cát bay, cát nhảy, xói lở, xâm nhập mặn và bảo đảm an toàn cho vùng dân cư ven biển, đầm phá.

Số diện tích rừng dương (25ha) trồng năm 2016 ở khu vực gần đồn biên phòng và cửa lạch phát triển tốt, phát huy được chức năng chống gió bão, cát bay cát nhảy. “Riêng số diện tích rừng dương trồng năm 2017 bị chết, chủ đầu tư đã nắm được sự việc và đã chỉ đạo lực lượng đi kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân để có kế hoạch trồng dặm trở lại vào mùa đông, khi thời tiết thuận lợi”, ông Dũng khẳng định.

Theo ông Dũng, kiểm tra cho thấy có 60% diện tích rừng dương ven biển Thuận An (trong tổng số 9,7ha) bị chết, không phục hồi lại được. Nguyên nhân do đầu năm 2017 khi triển khai trồng rừng dương thời tiết diễn biến bất thường. “Cây dương vốn không thể trồng rễ bầu, khi trồng gặp lúc gió mùa giật mạnh gốc, khô hanh và biển xâm thực dẫn đến nhiều cây bị chết”, ông Dũng nói.

Về nghi vấn chất lượng nguồn giống, ông Dũng khẳng định giống được lấy từ vườn ươm đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp chứng chỉ nên yên tâm về nguồn gốc, chất lượng. Ông Dũng cho biết thêm, chủ đầu tư đã có hợp đồng với Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Thuận An về việc trồng rừng ở bờ biển thị trấn Thuận An với thời hạn 5 năm. Khi cây phát triển thành rừng mới nghiệm thu, thanh lý và chi trả tiền cho đơn vị trồng rừng. Do vậy, số diện tích rừng dương bị chết sẽ do đơn vị trồng bỏ kinh phí khắc phục toàn bộ.

Hà Nguyên

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trồng rừng ngập mặn ứng phó thiên tai

Với việc thực hiện trồng mới 22 ha rừng ngập mặn tại xã Hương Phong (TP. Huế) đã góp phần tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển.

Trồng rừng ngập mặn ứng phó thiên tai
Đối khớp ba loại rừng, đất lâm nghiệp còn khó khăn

Đối khớp ba loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) và ba loại đất lâm nghiệp (đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đối khớp ba loại rừng, đất lâm nghiệp còn khó khăn
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh

TIN MỚI

Return to top