ClockThứ Bảy, 10/02/2018 14:06

Bánh tết đi xa

TTH - Tết Nguyên đán Mậu Tuất, 30 tấn bánh chưng kết hợp giữa bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng Chuồn và công nghệ đóng gói hút chân không của Cơ sở thực phẩm Tâm Huế đã có mặt tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.

An Truyền, làng hiếu họcĂn bánh xèo ở chợ làng ChuồnMón ngon nhớ mãi

Đại gia đình ông Đoàn Khỏe đang tất bật gói bánh chưng, bánh tét phục vụ thị trường tết

Tết sớm

Làng Chuồn, xã Phú An (Phú Vang) lưu truyền nghề gói bánh chưng, bánh tét từ hàng trăm năm nay. Theo các bậc bô lão trong làng, bánh tét làng Chuồn nổi tiếng thơm ngon không chỉ nhờ vào nguyên liệu, mà chính là kỹ thuật gói công phu kết hợp giữa cách chọn lá, um nhụy đến kỹ thuật gói và khâu đun lửa. Sản phẩm bánh làng Chuồn luôn giữ được màu xanh của lá, mùi thơm của nhụy, độ dẻo của nếp.

Tại nhà anh Đoàn Khỏe, người có thâm niên hơn 40 năm, gần 15 thợ làm bánh đang tất bật với công việc gói bánh, bẻ đầu, buộc lạt để tạo ra những chiếc bánh chưng, bánh tét thơm ngon. Bên bếp lửa hồng, 1 ngàn chiếc bánh lần lượt ra lò, cung ứng cho thị trường. Thông qua Cơ sở thực phẩm Tâm Huế ở phường Thủy Dương (Hương Thủy), năm nay gia đình nhận gói 30 tấn bánh cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc.

Thơm ngon hương vị bánh làng Chuồn

Ông Đoàn Khỏe cho biết, người Huế ai cũng gói được bánh chưng, bánh tét, nhưng để tạo ra chiếc bánh ngon, để lâu ngày không hỏng, cần khâu chọn nếp, nêm nhụy và cách nấu. Nếp gói bánh phải dùng loại nếp thơm, nếp “tiến vua” đặc sản của làng Chuồn; nhụy kết hợp giữa đậu xanh và thịt ba chỉ; lá thì chọn duy nhất lá chuối sứ nhập từ Đà Nẵng và Quảng Nam. Đối với bánh chưng, phải dùng khuôn kẽm để gói và nấu cả khuôn để giữ nếp bánh không nhàu.

“Một bí quyết để bánh lâu hỏng, hạn sử dụng hơn 1 tháng đó là thời gian từ khi vút nếp đến khi cho bánh vào nồi không quá 2 giờ và phải đun lửa đều, lửa to trên 12 tiếng. Chỉ cần ngắt nhịp lửa thì vài ngày sau bánh sẽ bị hiện tượng “sống lại” ngay”, ông Khỏe tiết lộ.

Phủ sóng toàn quốc

Từ sự kết hợp nhịp nhàng giữa các nghệ nhân làng Chuồn và Cơ sở thực phẩm Tâm Huế, 3 năm nay gần 100 tấn bánh các loại đã phủ sóng toàn quốc, có mặt ở kênh phân phối lớn như Big C, Co.opMart và chuỗi cửa hàng thực phẩm trong cả nước, mang hương vị tết Huế đến với mọi nhà.

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Tâm Huế đã ký hợp đồng với hệ thống Siêu thị Big C Việt Nam và Liên minh HTX Sài Gòn Co.opMart cung ứng khoảng 20 tấn bánh, số còn lại sẽ cung cấp cho các cửa hàng, chợ truyền thống trong và ngoài tỉnh.

“Chưa bao giờ một mùa tết, trong vòng 15 ngày mà cả gia đình gói 30 tấn bánh các loại. Đây thực sự là niềm động viên rất lớn góp phần giúp người dân giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của cha ông. Bánh làng Chuồn càng nổi tiếng, được nhiều người lựa chọn thì dân làng càng phấn khởi và tự tin vào sản phẩm mình làm ra”, ông Đoàn Việt, người có thâm niên hơn 50 năm gắn bó với nghề làm bánh chia sẻ.

Theo Giám đốc Siêu thị Co.opMart Huế Lê Thanh Tú, các loại bánh chưng, bánh tét làng Chuồn nổi tiếng xưa nay, song lâu nay không thể đưa vào siêu thị phân phối do sản xuất theo quy mô hộ gia đình nên các hộ dân không đăng ký nhãn hiệu, không đưa đi kiểm nghiệm nên không đáp ứng các tiêu chí khi đưa vào siêu thị.

Từ năm 2016, sau khi Cơ sở thực phẩm Tâm Huế liên kết giữa sản xuất và phân phối, cơ sở đưa đi kiểm nghiệm và cung ứng tại hệ thống siêu thị Co.opMart toàn quốc, trong đó có siêu thị Huế. Hiện, sức tiêu thụ sản phẩm khá tốt và đơn vị đang tiếp tục ký hợp đồng dự trữ để đảm bảo đủ số lượng bánh làng Chuồn phục vụ khách hàng.

Chủ cơ sở thực phẩm Tâm Huế- bà Phạm Thị Khánh Tâm chia sẻ, là đơn vị có thâm niên trên 15 năm chế biến các sản phẩm đặc sản Huế, từ năm 2016 cơ sở liên kết với người dân làng Chuồn tạo ra sản phẩm bánh đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng gói bằng công nghệ hút chân không mang thương hiệu Tâm Huế phục vụ thị trường. Để có đủ 30 tấn bánh phục vụ thị trường tết, cơ sở đã dự trữ nếp, đậu xanh, lá chuối sứ và vận chuyển liên tục đi các tỉnh, thành phố. So với Tết Nguyên đán 2017, năm nay giá bánh vẫn giữ bình ổn, song số lượng sản xuất tăng trên 30% do nhu cầu tiêu thụ bánh ngày càng nhiều.

Theo bà Tâm, bánh đưa ra thị trường ngoài chất lượng ngon, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm thì cần phải đẹp và “ưa nhìn”. Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng chất lượng, cơ sở luôn nghiên cứu để thiết kế mẫu mã sao cho đẹp mắt, đồng thời giám sát quá trình gói bánh, luộc bánh...để bánh luôn giữ được màu xanh tươi và ngon.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bình yên nơi làng An Truyền

Người Huế có niềm vui nho nhỏ tụ tập gia đình, họ hàng vào dịp cuối tuần, thể hiện được nét đẹp văn hóa thấm đẫm tình thân. Làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) vừa gần với trung tâm thành phố vừa gìn giữ được chất “làng quê yên bình”, không khí của phá Tam Giang trong lành là chọn lựa phù hợp cho một ngày nắng đẹp.

Bình yên nơi làng An Truyền
Ngọt ngào mứt, bánh “nhà làm”

Cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cành mai vàng thì kiểu mứt, bánh “nhà làm” cũng là một trong những lựa chọn của nhiều gia đình, như cách để giữ gìn phong vị của tết cổ truyền.

Ngọt ngào mứt, bánh “nhà làm”
Bánh tét, bánh chưng & văn hóa làng nghề

Khá bất ngờ và thú vị khi hay tin vào cuối tuần qua, lễ đón bằng công nhận nghề bánh tét, bánh chưng Phú Dương do UBND tỉnh trao tặng đã được tổ chức trọng thể.

Bánh tét, bánh chưng  văn hóa làng nghề

TIN MỚI

Return to top