ClockThứ Sáu, 03/03/2017 08:44

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017: Đừng “ham” đăng ký nhiều nguyện vọng

Mùa tuyển sinh năm nay, lần đầu tiên Bộ GDĐT không giới hạn số nguyện vọng thí sinh mong muốn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ mình mong muốn. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục khuyên thí sinh không nên quá “dễ dãi” trong việc đăng ký xét tuyển.

Bối rối vì... quá nhiều cơ hội

Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017, để đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi tối thiểu 4 bài thi với 6 môn, bao gồm văn, toán, ngoại ngữ và tổ hợp môn khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc tổ hợp môn khoa học xã hội (sử, địa, công dân). Bộ GDĐT cũng cho phép thí sinh có quyền thi cả 2 tổ hợp môn  để tăng cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Thanh Hùng

Nguyên tắc xét tuyển đầu tiên là các em nên chọn ngành trước, sau đó mới tìm hiểu xem khoa, ngành đó có ở trường nào, dùng tổ hợp môn thi nào để xét tuyển. Các em cần cân nhắc, so sánh xem cũng ngành đó các năm trước lấy điểm chuẩn bao nhiêu, có phù hợp với năng lực của mình không rồi mới chọn”.

Ông Nguyễn Quốc Cường

Ngay sau khi có quy chế thi, các trường ĐH, CĐ trong cả nước cũng công bố phương án tuyển sinh của trường với nhiều điểm khác biệt. Cụ thể, ngoài các khối thi truyền thống (A, B, C, D, A1, D1...) năm nay “mọc” thêm rất nhiều khối thi mới dựa trên tổ hợp môn thi theo quy định của Bộ GDĐT. Thậm chí, nhiều trường còn dùng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho cùng 1 ngành nhằm thu hút được nhiều thí sinh có điểm cao.

Với sự ra đời của rất nhiều tổ hợp xét tuyển mới, theo tính toán của các chuyên gia giáo dục, nếu thí sinh chỉ thi 4 bài thi với 6 môn thì thí sinh đó sẽ có 14 tổ hợp môn thi có thể dùng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, tức là có tối thiểu 14 cơ hội trúng tuyển. Nếu thí sinh làm cả 5 bài thi với 9 môn thi thì tổ hợp dùng để xét tuyển sẽ là... không đếm xuể.

Em Đỗ Đức Tùng Lâm, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết, các trường xét tuyển nhiều tổ hợp môn thi mới có thêm nhiều cơ hội cho thí sinh, tuy nhiên việc tìm kiếm và lựa chọn khối thi phù hợp cũng khiến cho em bị choáng ngợp. “Riêng việc nhìn các tổ hợp môn thi trên website của các trường, xem ngành nào sử dụng tổ hợp môn thi nào, rồi tra tổ hợp đó gồm những môn gì cũng hoa mắt, chóng mặt rồi” – Lâm cho biết.

Em Nguyễn Văn Cường  – học sinh  Trường THPT Ninh Giang (Hải Dương) thì cho biết, em đã theo đuổi ban C từ năm lớp 10, nhưng mới đây, nhiều trường lại không dùng khối C truyền thống nữa. “Em có ý định thi An ninh nhưng giờ trường lại tuyển khối C3 (văn, toán, sử), môn toán em không tự tin lắm nên chắc phải đổi tổ hợp môn thi dùng các môn  văn, sử, địa, tiếng Anh, giáo dục công dân. Tuy vậy, tìm kiếm các tổ hợp môn thi này thì khó được ngành mình yêu thích” – Cường chia sẻ.

Chọn ngành mình yêu thích, chắc trúng

Đó là lời khuyên của các chuyên gia tư vấn tuyển sinh trong bối cảnh thí sinh có quá nhiều cơ hội nhưng chẳng biết nên chọn gì.

PGS-TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT), điều đầu tiên khi đặt bút làm hồ sơ xét tuyển, thí sinh phải lưu ý chỉ đăng ký khi bản thân chắc chắn nếu trúng tuyển ngành đó mình sẽ học chứ không đăng ký cho xong.

Theo ông Nghĩa, có 3 nhóm ngành/trường mà thí sinh có khả năng trúng tuyển cao mà các em phải cân nhắc. “Cụ thể, những trường mình rất thích và điểm các năm trước chỉ cao hơn một chút so với năng lực của mình thể hiện qua điểm các bài thi thử; nhóm thứ 2 là nhóm gần như là phù hợp hoàn toàn với khả năng của mình; nhóm thứ 3 là nhóm các trường có điểm chuẩn thường thấp hơn một chút so với năng lực của mình. Đây là 3 nhóm trường khả năng đỗ cao thí sinh phải phân tích và đánh giá được” – ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, khi đã xác định được 3 nhóm trường/ngành này rồi thì khi đăng ký nguyện vọng nên ưu tiên trường, ngành mà mình yêu thích trước, sau đó mới là nhóm trường, ngành dễ đỗ.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Cường -  Phó Trưởng ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh, mặc dù có nhiều cơ hội nhưng thí sinh không nên “ham” xét tuyển nhiều tổ hợp môn thi dẫn đến phân tán tư tưởng rồi chọn nhầm vào ngành mà mình không yêu thích, không muốn gắn bó sau này.

“Nếu đã chọn được ngành yêu thích thì việc học ngành đó ở trường này hay trường kia không khác nhau là mấy vì chương trình đào tạo cũng tương tự. Điều quan trọng là khả năng tiếp thu, vận dụng của mình trong quá trình học và sau khi ra trường” – ông Cường nói. Cũng theo ông Cường, nếu sau khi biết kết quả, điểm của tổ hợp môn thi không như dự kiến ban đầu cao hơn cũng nên căn cứ vào việc chọn ngành yêu thích để xét tuyển chứ đừng vì mục tiêu đỗ mà xét tuyển vào ngành bất kỳ.

Theo Dân việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

Việc chưa đồng bộ thông tin về địa giới hành chính trong đăng ký kinh doanh với dữ liệu thuế từ Tổng cục Thuế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện đăng ký thay đổi địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh.

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp
Đại biểu HĐND tỉnh và huyện Phong Điền tiếp xúc cử tri

Sáng 14/11, Tổ đại biểu số 1- HĐND tỉnh và Tổ đại biểu số 7- HĐND huyện Phong Điền có buổi tiếp xúc cử tri của các xã Phong Hiền, Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Thu và thị trấn Phong Điền, trước kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII và HĐND huyện khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đại biểu HĐND tỉnh và huyện Phong Điền tiếp xúc cử tri

TIN MỚI

Return to top