ClockThứ Sáu, 15/11/2024 11:06

“Tiếng trống học bài” ở Vinh Hưng

TTH - Đúng 19 giờ từ thứ 2 đến thứ 6, khi tiếng trống học bài từ loa truyền thanh vang lên, phụ huynh trong các gia đình ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc đã dừng ngay các hoạt động gây âm thanh lớn, để con em ngồi vào bàn học. Trong không gian yên tĩnh của làng quê, chỉ còn nghe rõ tiếng đọc bài vọng ra từ các căn nhà.

Cô Thủy ở Vinh Hưng

 Nghe “Tiếng trống học bài”, các em học sinh ở xã Vinh Hưng lại ngồi vào bàn học

7 giờ tối, khi đang còn loay hoay với một số công việc còn dở ở xã Vinh Hưng, tôi bất ngờ khi nghe tiếng loa truyền thanh phát lên lời nhắc nhở: “Xin mời các em học sinh hãy vào góc học tập của mình và học bài. Đề nghị các bậc phụ huynh dừng các hoạt động ồn ào để dành không gian yên tĩnh cho con em tập trung học tập…”. Cùng với lời nhắc, âm thanh hồi trống thúc giục có cảm giác như “mệnh lệnh” huy động học sinh khẩn trương, nghiêm túc. Chỉ trong giây lát, 2 đứa con trong một căn nhà tôi ghé lại đã ngồi vào bàn học. Bố mẹ em đang xem tivi cũng hạ nhỏ âm lượng, nói chuyện nhỏ đi.

Thầy giáo Đoàn Hoài Trung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vinh Hưng chia sẻ, chỉ mới mấy tháng đây thôi, kể từ khi phong trào “Tiếng trống học bài” được địa phương phát động và triển khai, các bậc phụ huynh và học sinh đã dần quen và đi vào nề nếp. Trước đây, có một bộ phận nhỏ phụ huynh chưa thực sự quan tâm chuyện học hành của con cái. Có trường hợp con học cứ học, cha vẫn hát karaoke. Từ khi có phong trào “Tiếng trống học bài” đã tác động rất lớn không chỉ vào ý thức tự giác học tập của học sinh mà phụ huynh cũng quan tâm, theo dõi việc học của các em. Họ hết sức tạo điều kiện cho con em học và lan tỏa ý thức này không chỉ trong thôn xóm, dòng họ mà cả khắp xã.

Vinh Hưng không phải là địa phương tiên phong triển khai phong trào này, nhưng lại đang là địa phương đưa phong trào đi vào thực chất và hiệu quả một cách nhanh chóng. Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng cho biết, phong trào “Tiếng trống học bài” được xã tham khảo, nghiên cứu từ một địa phương tại Hà Nội và đưa vào triển khai ngay từ đầu năm học 2024 - 2025. Tuy thời gian triển khai chỉ vài tháng, nhưng hiệu quả bước đầu đã thấy rất rõ. Gần như tuyệt đối từ 7 giờ tối, không còn chuyện hát hò, các hoạt động gây âm thanh lớn ảnh hưởng trong khung giờ học tập của học sinh. Các em cũng đi vào nề nếp, chủ động giờ học. Đây vừa là lời nhắc học sinh tự giác học bài, chuẩn bị sách vở ngày mai đến trường, vừa là lời nhắc phụ huynh quan tâm hơn chuyện học của con cái.

“Tiếng trống học bài” được triển khai đến khắp các địa phương trên toàn xã, thông qua hệ thống loa truyền thanh mà các thôn xóm đều có thể nghe rõ. Chị Trần Thị Kim Mộng, trú tại thôn Diêm Trường 1, xã Vinh Hưng cho biết: “Tôi thấy phong trào này rất hay và ý nghĩa. Trước hết, tiếng trống học bài như một lời nhắc để các con tôi chủ động việc học. Phong trào này cũng hình thành một thói quen và khung giờ sinh hoạt, học tập khoa học. Các con không còn ham chơi điện thoại, đến khuya mới ngồi vào bàn học mà cứ đến giờ là cầm sách vở ngồi vào bàn. Khi hoàn thành việc học, có thể ngủ sớm để ngày mai đến trường”.

Theo các học sinh ở xã Vinh Hưng, điểm hay từ phong trào này chính là việc trao lại không gian yên tĩnh để học sinh thuận lợi học tập. Em Phan Xuân Tấn, học sinh Trường THPT Vinh Lộc chia sẻ, trước đây, có những buổi tối khi ngồi vào bàn học, em chẳng thể nào tập trung khi tiếng loa kẹo kéo văng vẳng âm thanh hát hò, có nhà gây gổ hay ăn nhậu cười nói ồn ào. Khi địa phương triển khai phong trào “Tiếng trống học bài”, nhiều phiền toái đó đã gần như không còn. Điều đó mang lại sự yên tĩnh để em tập trung, dễ học, dễ nhớ hơn. Cũng chính từ phong trào này, em xây dựng được một thời gian biểu cố định để mình chủ động học tập.

Chia sẻ từ nhiều giáo viên tại các trường học ở xã Vinh Hưng cho rằng, còn cần thời gian mới đánh giá hết được những hiệu quả mà phong trào “Tiếng trống học bài” mang lại, nhưng có một điều rất dễ thấy là việc học bài cũ và soạn bài mới của các em có chuyển biến tích cực. Điều đó cũng là minh chứng cho thấy với sự vào cuộc của toàn xã hội, sự quan tâm của phụ huynh và ý thức của học sinh đã lan tỏa phong trào toàn dân xây dựng xã hội học tập từ chính hộ gia đình, khu dân cư, tạo điều kiện cho các em học sinh có môi trường học tập hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cô Thủy ở Vinh Hưng

Luôn đặt mình vào vị trí của giáo viên, phụ huynh và học sinh, cô Lê Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vinh Hưng 2 (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc) đã tạo được sự tin yêu, xây dựng môi trường giáo dục chất lượng.

Cô Thủy ở Vinh Hưng
Bến xe liên tỉnh Vinh Hưng hoạt động chưa hiệu quả

Xây dựng từ năm 2009 tại xã Vinh Hưng (Phú Lộc), lâu nay không ai nghĩ là bến xe vì ít khi thấy xe cộ ra vào, nhà cửa văn phòng điều hành thì cửa chốt then cài, sân bãi trống vắng, bên ngoài sân cỏ mọc nhếch nhác.

Bến xe liên tỉnh Vinh Hưng hoạt động chưa hiệu quả
Vinh Hưng hướng đến “xã thông minh”

Cùng với xã Quảng Thọ của huyện Quảng Điền, xã Vinh Hưng (Phú Lộc) được UBND tỉnh chọn xây dựng triển khai thí điểm mô hình “ Xã thông minh”.

Vinh Hưng hướng đến “xã thông minh”
Vinh Hưng cần huy động nguồn lực để thực hiện các nghị quyết

Ngày 23/2, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ có buổi làm việc với Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Lộc; các phòng, ban của huyện và Đảng ủy xã, UBND xã Vinh Hưng về thực hiện các Nghị quyết chuyên đề quan trọng của tỉnh ủy liên quan đến giảm nghèo bền vững; chuyển đổi số; xây dựng chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Vinh Hưng cần huy động nguồn lực để thực hiện các nghị quyết

TIN MỚI

Return to top