ClockThứ Sáu, 08/03/2024 07:09

Nữ giáo sư đạt giải thưởng Kovalevskaia

TTH - GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế, người đã có nhiều đóng góp cho khoa học hơn 28 năm qua, vừa nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2023.

Đại học Huế có nhà khoa học nữ nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2023Thừa Thiên Huế đạt 5 giải tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 Trao 29 giải thưởng Cuộc thi “Hoàng mai Huế - Tuyệt tác mùa Xuân”Nữ sinh Huế đạt giải kiến trúc Loa ThànhCông bố thể lệ Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ VIITP. Huế nhận giải thưởng Thành phố Du lịch Sạch ASEAN

GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa tham gia buổi gặp của Thủ tướng Chính phủ và các nhà giáo tiêu biểu năm 2023 

Nhiều nghiên cứu tác động tích cực đến đời sống

Ngày 26/2/2024, tin vui cho Đại học Huế nói chung và Trường đại học Nông Lâm nói riêng khi GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế vinh dự nhận được quyết định về Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023. Kovalevskaia là giải thưởng quốc tế, dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên – một lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức.

Giải thưởng là minh chứng cho những đóng góp không ngừng nghỉ của giáo sư trong hơn 28 năm cống hiến cho khoa học. Hơn 28 năm qua, nữ giáo sư đã công bố 148 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế; trong đó, có 19 bài trên tạp chí ISI/Scopus. Với 92 bài là tác giả chính, bao gồm 12 bài báo ISI/Scopus, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa đã khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Nữ giáo sư đã chủ trì nhiều công trình, đề tài có tính ứng dụng cao. Cô có 6 hợp đồng tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ; 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích về quy trình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và quy trình sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh.

Hướng nghiên cứu chính mà GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa theo đuổi là quản lý tổng hợp đất và dinh dưỡng cây trồng bền vững. Trong đó, lĩnh vực tập trung là nghiên cứu độ phì nhiêu của đất và xây dựng quy trình sản xuất, sử dụng phân bón cho cây trồng ở miền Trung. Đây là hướng nghiên cứu có khả năng ứng dụng tại miền Trung Việt Nam, đã được đưa vào sử dụng trong thực tế.  Đồng thời, tập trung vào ứng dụng biện pháp phi hóa học để giảm sử dụng phân bón hóa học, giải quyết vấn đề an toàn nông sản và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất cây trồng.

Nhớ lại chặng đường 28 năm miệt mài nghiên cứu khoa học, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa chia sẻ, đề tài tâm đắc nhất của cô là nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và phế phụ phẩm nông nghiệp. Với đề tài này đã được áp dụng rất hiệu quả vào đời sống, đặc biệt là đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nông nghiệp, tạo ra nguồn phân hữu cơ có chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Chính vì thế, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa đã được trao 9 giải thưởng cấp quốc gia và cấp tỉnh dành cho các công trình nghiên cứu. Nhận được nhiều danh hiệu thi đua khen thưởng như chiến sĩ thi đua cấp Bộ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nghiên cứu khoa học cần đam mê và kiên trì

Không chỉ nổi bật về nghiên cứu khoa học, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa đã hướng dẫn tận tâm, truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Chuyển giao khoa học công nghệ và thương mại hóa sản phẩm cho các nữ giảng viên. Nhiều học trò của cô trở thành những nhà khoa học có tính kế cận. Cô luôn mong muốn đưa các giảng viên trẻ trong khoa và trường có các cơ hội nghiên cứu khoa học tốt nhất, liên tục cố gắng chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn, giúp sản xuất cây trồng tốt hơn, bảo vệ môi trường sinh thái.

Suốt chặng đường công tác của mình, nữ giáo sư còn miệt mài tham gia tập huấn cho nhiều nông dân nữ tại các địa phương miền Trung, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến lĩnh vực chuyên môn phụ trách. Qua đó, đóng góp công sức vào phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững tại các địa phương.

Theo GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa, để nghiên cứu khoa học trước hết cần có sự đam mê, nhiệt huyệt, kiên trì theo đuổi mục tiêu. Ngoài ra cần có sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cũng như sự hỗ trợ từ cơ quan, đơn vị công tác và chính sách của Nhà nước. Học tập, nghiên cứu khoa học là cả một quá trình dài, các giảng viên trẻ và sinh viên hãy luôn đặt ra mục tiêu "có đi thì sẽ có đến", hãy kiên trì chinh phục ước mơ hoài bão của mình thì sẽ thành công. Ngoài ra, để nghiên cứu khoa học thành công thì phải có được sự cộng tác của các nhà khoa học và các đồng nghiệp.

PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế đánh giá, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa là tấm gương về sự nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu khoa học cho các thế hệ giảng viên, sinh viên Khoa Nông học nói riêng cũng như Trường đại học Nông Lâm nói chung. Cô luôn nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học, góp phần vào sự phát triển của Khoa Nông học và của trường.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế đánh giá, thời gian qua, Đại học Huế có nhiều nhà khoa học nữ đạt được những giải thưởng quốc tế uy tín. Đây là minh chứng cho chất lượng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Đại học Huế; trong đó, có những nhà khoa học nữ như GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa. Đây không chỉ là niềm vui riêng của nữ giáo sư, mà cả Đại học Huế trong tiến trình khẳng định vị thế để xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia.

Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà toán học Nga Sophia Kovalevskaia bắt đầu trao tại Việt Nam vào năm 1985. Đây là giải thưởng được trao thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người phụ nữ đoạt giải thưởng Kovalevskaia

Tôi tìm gặp PGS. TS. Đinh Thị Bích Lân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nghệ sinh học (Đại học Huế) khi biết chị là một trong hai phụ nữ trên toàn quốc đoạt giải thưởng Kovalevskaia năm 2017.

Người phụ nữ đoạt giải thưởng Kovalevskaia

TIN MỚI

Return to top