ClockThứ Hai, 19/07/2010 17:58

Chè Thái trong tôi

TTH - “Chè Thái, gái Tuyên” là câu cửa miệng của nhiều người khi nói về hai vùng đất của trung du miền núi phía bắc. Tôi chưa có dịp đến Tuyên Quang để chứng thực vẻ đẹp của những cô gái ở đây nhưng chè ngon Thái Nguyên thì khá tường. Có lẽ, với tôi chè Thái trước tiên là kỷ niệm. Nó sống mãi trong tôi hình ảnh ga Huế đêm khuya với những ánh đèn dầu và không gian vắng lặng đến nao lòng. Xin được mở ngoặc, có lẽ, trong vốn từ của người Huế hiện nay, ít có từ nào lại được dùng một cách tương đồng, không hề phân biệt như “chè” và “trà”.

Đồi chè Thái Nguyên - ảnh minh họa từ internet
 
Dạo học phổ thông, nhóm bạn chơi thân của tôi có 5 người, cùng là học sinh chuyên ở nội trú. Năm 1982, tất cả thi vào đại học và nhanh chóng đều là sinh viên. Nhóm có Hiệp và Đào ứng thí, đậu vào một trường đại học ở Hà Nội. Thế là, mỗi năm 2 kỳ, dịp Tết và ngày hè, cả bọn cùng nhau có một đêm trắng ở sân ga. Chúng tôi uống trà để chờ đến giờ tàu đến và lại uống chè để đợi cho trời hửng sáng sau khi đã chia tay bạn. Cũng đã ngót nghét 30 năm rồi, ga Huế bao biến đổi nhưng những quán cóc có bán nước chè Thái Nguyên trên sân ga Huế thì hình như lại cứ như xưa. Vẫn là ánh đèn dầu. Vẫn mấy chiếc ghế nhỏ. Vẫn là bộ ấm tách cũ kỹ, loáng thoáng trong đêm. Công nghệ không chịu đổi thay mà lòng người hình như cũng chẳng muốn mất đi để mãi mãi còn lại trong thẳm sâu một kỷ niệm. Rồi nữa, tiếng mời chào của chị, của mẹ hôm nay mà tôi nghe sao quen quá, như dạo mấy chục năm về trước.
 
Tôi không còn nhớ để có thể tả lại, kể lại hương vị chè ngày đó. Chỉ biết rằng, với những cốc chè nhỏ trong đêm kia là những cu cậu con trai mới lớn như tôi đã có thể đi qua một đêm trắng, và rồi sáng mai bước vào lớp học mà chẳng còn một cảm giác ngái ngủ. Còn nói là không nhớ nỗi hương vị chè năm xưa, vậy nhưng, buổi sáng chủ nhật ngồi đàm đạo với thầy giáo già trong xóm, hấp ngụm nước chè xanh lại thấy quen quen, nhớ nhớ. Cái cảm giác mà nhiều người từng mô tả khi uống chè Thái lại chợt đến trong tôi. Đó là vị chát khi mới uống nhưng một lúc sau lại thấy ngọt nơi cổ họng... Tôi nghe như một lời nguyền.
 
Lại chuyện ông thầy giáo già mà tôi vừa mới nhắc. Tên ông là Anh, thầy giáo dạy toán Trường cao đẳng sư phạm Thừa Thiên Huế, về hưu đã hơn 10 năm nay. Cách nay chừng 5 năm, khi tôi mới chuyển đến ở xóm Trường Bia này, nơi có nhiều gia đình là giáo viên Trường Quốc Học Huế và Cao đẳng sư phạm Thừa Thiên Huế, một lần tôi nghe một anh bạn hàng xóm tên Thạch mách bảo: “Xóm ta có thầy giáo Anh dạy toán giỏi. Anh cố mà nhờ thầy giúp cho các cháu”. Tôi làm quen với thầy bắt đầu từ dạo đó. Thầy Anh gốc Hà Tĩnh, từng là học sinh giỏi toán toàn miền Bắc, là giáo viên dạy giỏi của tỉnh.
 
Ở cái tuổi đã ngoài 70, thầy Anh coi chừng không được khoẻ nhưng vui tính và nhiệt tình, thích bàn chuyện thế sự, thích bạn tâm giao. Trong thời buổi có nhiều thú vui vẻ như bây giờ, tiếp chuyện thầy Anh không dễ khi con người này thuốc lá không, rượu bia không, cà phê cũng không... Vậy nhưng chè móc câu thì thầy ừ. Chuyện vui, có lần thầy bổ bả sang nhà nhắc nhở chuyện học của đứa con gái tôi. Có vẻ như thầy đang giận. Ngồi chưa kịp nóng lưng, đã vội đon đả đứng dậy. Tôi phải nhiều lời nhưng thầy cũng cứ một mực cáo từ. Vừa lúc đó, vợ tôi bưng ấm chè móc câu nóng ra. Thầy ngần ngự, uống một tách, rồi lại hai, lại ba bốn...Chuyện kéo dài đến hết cả buổi sáng. Té ra, thầy nghiện trà. Vợ tôi biết chuyện nên từ ngày làm quen và thầy Anh cũng thường xuyên sang chơi thường chuẩn bị sẵn cho tôi một lạng. Rồi nữa, hôm đi công tác Thái Nguyên, tôi nhờ anh bạn mua một cân chè móc câu tặng biếu thầy. Ai ngờ, vừa nghe tôi thưa chuyện, thầy đã cười ầm lên: “Anh cứ bày chuyện. Lại đưa gỗ về rừng rồi”. Thấy tôi tỏ vẻ tưng hửng, thầy khoe: “Nhà tôi có cả một kho. Có cả đường dây cung ứng tận Thái Nguyên đó. Tôi sống nhờ chè Thái...”. Tôi nghe chuyện chỉ biết cười. Thì đúng, thầy Anh- hàng xóm của tôi không chỉ nghiện uống chè mà còn dưỡng sinh bằng chè móc câu!
 

Hái chè - ảnh internet
 
Lần đầu tiên ra Hà Nội, cách nay hơn 20 năm, tôi đi chuyến tàu chiều và đặt chân xuống sân ga Hàng Cỏ lúc hơn 4 giờ sáng. Trong lúc chưa biết làm gì, nhớ kỷ niệm dạo còn ở Huế, tôi đã chọn những quán nước trước sân ga chờ trời sáng. Cuối năm, trời lạnh gắt. Ánh sáng cũng nhập nhoà nên chẳng nhìn rõ sắc màu của chén nước nhưng trời ạ, không có gì có thể tả hết hương vị và cái cảm giác ấm áp đặc biệt mà tôi có được lúc đó. Tách trà nhỏ được rót ra từ một chiếc bình ủ ấm như có hơi người lan toả, có vị chan chát dễ chịu. Bà cụ bán nước xởi lởi và vui tính lại như một người quen lâu ngày gặp lại. Tôi đã khám phá, có những hiểu biết đầu tiên về Hà Nội ngay trên đất Thủ đô bắt đầu từ quán nước bên sân ga buổi sáng hôm đó. Chè ngon và lòng người khoáng đạt. Nó là sự hoà nhập một cách tự nhiên với sở nguyện của chính tôi, với đất trời vào buổi bình minh của ngày đông lạnh giá. Và tôi nhớ mãi cái ấn tượng đầu tiên đó. Tôi đã uống tách chè ngon nhất, đúng như sự mô tả của sách vở, không lẩn vào đâu được: có vị chát nhẹ khi mới uống nhưng sau khi uống xong thì thấy ngọt hậu lắng sâu trong vị giác.
 
Sau này, cất công tìm hiểu, tôi có được nhiều cách cắt nghĩa về sự thơm ngon đó. Vậy nhưng, thuyết phục tôi nhất là cách giải thích có liên quan đến khí hậu, tiết trời và nguồn nước. Đó là cách lý giải cho rằng vùng chè Thái Nguyên nằm trong vùng tiểu khí hậu đặc biệt hình thành nhờ núi Tam Đảo, Thằn Lằn chắn bớt cái nắng gắt ngày hè, đồng thời nguồn nước của sông Công và hồ núi Cốc ngấm qua các mạch ngầm đã tưới mát cho những vườn chè xanh tốt quanh năm. Lại nữa, chè Thái Nguyên có lượng tinh dầu và mùi hương đặc trưng riêng là do biên độ nhiệt độ giữa ngày-đêm cao hơn các vùng khác, khoảng chừng 7,9 độ C. Tôi không có khả năng kiểm chứng nhưng lại nghĩ và liên tưởng đến hình ảnh người mẹ sinh con phải trải qua chín tháng mười ngày với bao nỗi nhọc nhằn hành hạ, bởi sự mang nặng và đẻ đau. Chè Thái Nguyên thơm ngon, niềm tự hào của người dân Việt, là đặc sản văn hoá dân tộc gắn liền với không gian, tiết trời có sự khắc nghiệt mang đặc trưng lạ lùng của vùng miền núi phía Bắc.  
 
Sau Tết Canh Dần, tôi có dịp trở lại Thái Nguyên dự hội thảo báo Đảng các tỉnh phía Bắc. Buổi tối vừa xuống xe, sau bữa cơm khách muộn, các anh chị ở Báo Thái Nguyên đon đả mời khách quý từ phương xa tới dự buổi giao lưu văn hoá trà ngay tại Khách sạn Thái Nguyên, một trong những khách sạn lớn của địa phương. Thú thật, tôi hơi bị bất ngờ bởi sự sôi động và khán phòng là một không gian rộng lớn. Những chiếu trà được trải ra. Khách tụm bốn tụm năm được các cô gái đẹp mời trà nhẹ nhàng và duyên dáng. Phong cách phục vụ chứng thực bất giác khiến tôi nhớ lại những lần đi uống chè Ô Long cùng thầy giáo già dạy văn hồi còn học phổ thông và những người bạn tâm giao ở Trà Đình Vũ Di tận Thiên An, Huế. Khác chăng ở đây là không gian rộng lớn và cũng rộn ràng hơn những âm thanh. Dĩ nhiên, còn nữa là loại chè dùng. Nó không phải là thứ trà nhập ngoại đắt tiền mà là trà Thái Nguyên, trà Việt, là văn hoá Việt. Tôi nghe chuyện, mới đây thôi, ông Mông Đông Vũ, Giám đốc Trung tâm Hội nghị Văn hoá tỉnh Thái Nguyên quá mê trà nên đã cất công sưu tập và đến năm 2010 này đã có trong tay khoảng bảy tám chục bộ ấm chén, để rồi nghĩ ra ngày hội văn hoá trà mà tôi có dịp may mắn tham dự. Giao lưu xã hội phát triển, tôi nghĩ ngày hội đầy ấn tượng này là một nét hay, trước hết bổ sung, làm phong phú hơn phong cách và nghệ thuật uống trà của người Việt ta. Nó cần cho hội nhập. Khách du lịch đến Thái Nguyên nhớ đến chè móc câu, có thể không có điều kiện hoặc ngại ra các đường phố bụi bặm, thì đây là cách để Thái Nguyên giới thiệu đặc sản chè sang trọng và gần gũi của mình, phù hợp với một không gian rộng, có đông người tham gia.  
 
Chợt nhớ đến Phạm Đình Hổ hơn 200 năm trước trong tác phẩm để đời “Vũ trung tuỳ bút” (tạm dịch là “Tuỳ bút viết trong mưa”) từng có lời bàn: “Chè tàu thú vị ở chỗ tính nó sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè Tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục. Ấy, người xưa chuộng uống chè tàu là vì vậy. Từ các đời gần đây trở xuống, thưởng thức chè Tàu ngày càng tinh, vị chè nào khác, cách chế nào thì ngon, đều phân biệt kĩ lắm. Lò, siêu, ấm, chén, lại chế ra nhiều kiểu thích dụng”. Chế trà và uống trà là nghệ thuật. Chính sự đa dạng và phong phú trong pha chế và uống trà tạo nên sự hấp dẫn của loại nước thảo mộc này.
 

Mùa thu hoạch chè - ảnh minh họa từ internet
           
Ngay ở thành phố Thái Nguyên hiện đại bên con sông Cầu xinh đẹp gần đây hình thành một “không gian chè đêm” với trung tâm là Quảng trường 20-8. Cũng như hình ảnh tôi từng bắt gặp ở sân ga Huế và Hà Nội. Chẳng cần không gian sang trọng, không cần nhiều ánh sáng rực rỡ, chỉ bộ bàn ghế hay chiếc chiếu nhỏ cùng ngọn đèn dầu, vài ba bộ tách chén là có thể hình thành một hàng chè đêm. Điều thú vị và đặc biệt ấn tượng ở nơi được mệnh danh là kinh đô chè của xứ Việt là, những quán chè không đơn lẻ mà hàng nọ nối tiếp hàng kia kéo dài thành cả một phố chè đêm. Còn nữa, giữa trung tâm quảng trường là những chiếu chè san sát. Khách khoanh chân ngồi trên chiếu nhâm nhi chén trà nồng nàng hương vị Thái Nguyên và thả hồn vào không gian khoáng đạt. Thú vị và lạ lùng, những hàng chè đêm ở giữa trung tâm thành phố nhưng không ồn ào mà lại lặng lẽ cuốn hút và quyến rũ.
 
Tôi tạt vào một hàng chè đêm bên vỉa hè. Đã thấy có trong quán một nhóm thanh niên ăn mặc tân thời ngồi uống trà. Bên lề đường có cả chiếc xe taxi. Tranh thủ lúc đợi khách, lái xe uống một ngụm trà cho tỉnh người. Chủ quán là một thiếu phụ trẻ. Sau vài lời đon đả mời chào, chị đã tỏ ra hiểu ý khách. Một chút nước thật nóng tráng ấm chén. Một dúm chè vừa đủ. Chị từ từ rót nước vào ấm. Lần đầu vừa đủ ngập chè để tráng nước. Lần thứ hai mới nhã nhặn mời khách dùng chè. Thì ra chỉ vài lời xả giao chị đã tinh ý phát hiện ra tôi là người Huế. Vậy là tôi có thêm người bạn, một cô dâu Huế. Theo lời chị bảo thì chừng hơn mươi năm trước chị vào Huế làm công nhân và quen người chồng hiện nay, nhà ở gần ga Văn Xá. Khó khăn, chị nghỉ việc và sau đó đã thuyết phục chồng cùng về Thái Nguyên. Anh là thợ cửa bông sắt. Chị sống nhờ quán chè ven đường này. Có dịp chị lại vào Huế. Thỉnh thoảng, họ vẫn gửi quà vào cho ông bà và bà con anh em. Món quà quen thuộc là vài lạng chè Thái chính hiệu...
 
Tôi đã uống chén trà đêm không vội vàng như nhiều người thường khuyên. Bên chén trà thơm nồng và ngọn đèn dầu mờ tỏ, nghe lại câu chuyện của người thiếu phụ, bất chợt gợi lại trong tôi một thời chưa xa, đất nước khó khăn, nhà nhà dùng đèn dầu thay điện. Bên chén trà cùng những câu chuyện đời, chuyện nhà đã xích mọi người lại gần nhau hơn. Còn trước mặt tôi bây giờ là cảnh phố xá ngược xuôi của thành phố bên sông Cầu lúc về đêm...Nhớ lại hồi tối trong buổi giao lưu văn hoá trà, tôi cứ có một cảm giác lạ. Tôi như bị choáng ngợp bởi không gian lớn và bởi những cô con gái đẹp nhưng như vẫn cảm thấy như đang thiếu một cái gì đó. Tôi nhấp một ngụm chè. Lại như vang lên trong tôi như lời nguyền: Nước chè trong xanh, vị thơm sâu và đượm. Vị chát khi mới uống. Một lúc sau lại thấy ngọt nơi cổ họng. Chén trà ở hàng quán đơn sơ ngay trong lòng thành phố Thái Nguyên đêm nay đã chinh phục được lòng tôi. Thì ra, đó còn là sự gần gũi, không câu nệ và khách sáo; là sự bụi bặm của cuộc sống đời thường; là ký ức đã in sâu vào tiềm thức; là thói quen, là “gu” dùng đã ngấm vào ta mất rồi...  
 
 
Đình Nam
 
 
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn Việt Nam sau 20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó đến nay, Việt Nam đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (nhiệm kỳ 2006 - 2010 và 2022 - 2026). Điều này cho thấy những đóng góp của Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận; thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp, năng lực điều hành của nước ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.

Dấu ấn Việt Nam sau 20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

TIN MỚI

Return to top