Thứ Sáu, 19/07/2013 05:23
(GMT+7)
Tiếp nhận sách cổ “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Orger
TTH.VN - Chiều 18/7, tại Nhà thông tin Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức lễ tiếp nhận cuốn sách Technique du peuple Annamite - Kỹ thuật của người An Nam của Henri Orger.
Với sự giúp đỡ của ông Nguyễn Văn Mễ (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh), Bảo tàng CVCĐ Huế (thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế) được ông bà Lê Thái - Bùi Thị Cẩm Hà (Pháp) hiến tặng cuốn sách cổ Kỹ thuật của người An Nam. Cuốn sách có kích thước 44cm x 63cm; bằng giấy dó, gồm 348 trang.
Kỹ thuật của người An Nam được in theo lối in tranh mộc bản, gồm 348 tờ, khổ lớn, ghi lại cảnh sinh hoạt, lao động hàng ngày của người Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ vào đầu thế kỷ XX. Công trình này được ông Henri Oger cùng một số họa sĩ, thợ khắc mộc bản, thợ in thực hiện từ năm 1908 đến năm 1909 tại Hà Thành.
Trong khoảng 20 tháng, Henri Oger cùng một số họa sĩ người Việt khảo sát nhiều nơi tại các vùng ngoại thành Hà Nội và khu vực 36 phố phường để vẽ hơn 4.200 hình vẽ với nhiều chủ đề khác nhau mà họ bắt gặp và ghi nhận qua các chuyến khảo sát của mình.
Hơn 4.200 hình vẽ tuy chưa được sắp xếp một cách hệ thống nhưng xâu chuỗi các chủ đề, chúng ta có những câu chuyện bằng hình ảnh kể về các kỹ thuật tuy đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều yếu tố văn hóa, tinh thần giàu bản sắc của người Việt. Đó là những câu chuyện về nghề truyền thống: nông nghiệp, làm giấy, điêu khắc và tạc tượng, chế biến món ăn, xây dựng, bói toán, may mặc, tô vẽ tranh và sơn, các phương pháp trị liệu dân gian, buôn bán… và cả nghề bán rong.
Vì hạn chế về mặt tài chính nên Henri Oger chỉ cho in được 60 bản tại một hiệu do chính mình làm chủ ở phố Hàng Gai. Sau thời Pháp thuộc, Kỹ thuật của người An Nam chỉ còn lưu lại tại Việt Nam 3 bản. Bản thứ nhất (không hoàn chỉnh) được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội. Bản thứ hai được bảo quản tương đối tốt tại Viện Khảo cổ (thời Việt Nam Cộng hòa), Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ngày nay và một bản khác tại Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại Hà Nội.
Bản sách được tiếp nhận và trưng bày lần này là một bản gốc hoàn chỉnh và có lẽ là bản thứ 4 có mặt ở Việt Nam hiện nay.
Đồng Văn