ClockThứ Bảy, 22/07/2023 10:59

Về Huế mùa này

TTH - Mình sẽ được ăn món chi rứa em? Là câu chị hỏi trong điện thoại hôm qua. Em kể một hơi làm răng hết. Gần hai ngàn món ăn của Huế người ta đã liệt kê. Từ dân dã cho tới sơn hào hải vị, từ bình dân cho tới quý tộc thượng lưu, cung đình. Ẩm thực Huế đã là một đẳng cấp vượt trội. Em mời chị một vòng xe với mấy món nhỏ nhỏ thương thương, nếm trải hương vị ẩm thực mùa hè xứ Kinh kỳ chị nhé.

Cơm HếnNgắm Huế qua “Đi mô rứa?”

leftcenterrightdel
 

Bình minh từ phía bên tê sông Hương. Ngọn gió mát lành buổi sớm đưa chân xuôi về Đập Đá. Phía bờ Nam như còn ngái ngủ vì những con phố đi bộ nhộn nhịp khuya hôm qua thì nắng đã cài lược mấy nhịp Trường Tiền đổ qua chợ Đông Ba người mua kẻ bán. Đây đó những gánh bún bò, cơm hến, bánh canh từ miệt Thủy Dương, chợ Mai, chợ Nọ lúc thúc hối hả tỏa ra khắp các con hẻm nhỏ. Chạy xe qua Cồn Hến đi chị. Mình hít hà mấy nồi bắp mới luộc khói lên nghi ngút rồi sà vô quán bên đường kêu mấy tô cơm hến. Thương ai gà gáy đến đứng trưa tay cào, tay xách bãi bồi bến sông gánh về ngâm kỹ luộc chín tách vỏ. Thịt hến được xào nhỏ lửa với mỡ, hành, măng khô và thịt ba chỉ thái sợi. Vài lát gừng thơm cho vị nước dậy mùi. Và vũ hội của các loại rau thơm, rau răm, bạc hà, rau chuối, khế chua, xoài xanh trên tô cơm trắng săn hạt với ruốc, đậu phộng, mè rang, tóp mỡ và cả bánh tráng nướng... Còn thiếu vị chi nữa hè, chua cay mặn ngọt âm dương đủ cả. Mùi vị này là thương nhớ bao năm cho người xa xứ đó em. Chị xuýt xoa chảy nước mắt vừa cười vừa nói. Ăn món Huế ri xa Huế sao đành!

Mới biết Huế mình dễ thương chi lạ. Có những món ăn mới kêu tên dù trưa nắng 38 - 40 độ cũng dựng dậy mà đi.

Chiều chiều ngọn nắng hiu hiu cùng gió. Con đường hai bên bờ sông Hương rợp bóng cây xanh và hoa. Xứ mình gắt gao nắng gió, để trở thành “thành phố bốn mùa hoa” cũng là công sức của những người tha thiết với mảnh đất này. Hoa nở sáng công viên, dọc lối đi bộ, đan xen với những gốc cổ thụ trên các tuyến phố. Phượng đỏ nghiêng nghiêng đổ bóng dòng nước trong veo. Bánh bèo, nậm, lọc và hàng chục món cho bữa lỡ có khắp nơi trong phố. Từ Kim Long về những khu vườn Vỹ Dạ, bánh bày trong các tiệm ăn nườm nượp khách du lịch hay theo gánh bánh canh Nam Phổ về các con hẻm đầy gió và tiếng con nít vòi quà. Những dĩa bánh bèo xếp trong mẹt tre trong veo màu nước mắm tóp mỡ giòn rụm bột tôm chấy hấp dẫn; bánh cuốn rau thơm thịt nướng nức mũi theo làn gió; thêm ly nước chanh đá, mà là chanh Huế mới có vị chua thơm vừa quyện. Chị tủm tỉm cười ngắm mặt sông đổ xuôi từ bến chùa Thiên Mụ. Dòng nước màu ngọc in bóng vài vệt mây từ núi Phụng trôi về. Ôi Huế!

Mình về Thuận An đón trăng rằm trên biển, ngang phá Tam Giang, Cồn Tộc, Cồn Tè dùng bữa chiều với tôm mực gỏi rong, gỏi sứa hay em nấu tô canh tôm rau tập tàng mới hái sau vườn, dĩa thịt heo kèm dưa giá tôm chua và đĩa cá bống thệ kho rim nước mắm đường tiêu xay sệt sệt. Ừ về cơm nhà đi thay vì ra quán cơm niêu cũng y chang mùi vị mạ nấu ngày xưa. Phố mình chừ thèm món mỳ Ý, bánh mỳ sốt kem nấm hay tô bún mắm nêm, đọi bánh canh cua đều dễ kiếm. Nhà hàng món Tây dọc ngang đôi hàng phố lớn nhưng món Huế vẫn cuốn hút thực khách và cả dân bản địa bởi sự phong phú và riêng biệt “không nơi nào có được”. Chị xuýt xoa sau bữa cơm chiều và nhắc đến những con phố bán chè mà bấy lâu cả trong mơ người ta vẫn khó quên mùi vị. Hơn năm chục món chè, chị nhớ không? Chúng mình ghé quán mợ Tôn Đích thử món chè thịt quay hay vô chè Hẻm ăn chè thập cẩm?

Chúng tôi cầm trên tay mùi hương Huế trong ly chè sen. Từ Bến Thương Bạc ngó phía trăng lên lấp loáng mấy nhịp Trường Tiền. Cây cỏ uống nước sông Hương như thấm đẫm vị ngọt lành thơm tho đêm hạ. Về Huế mùa nào thức đó, những món ăn mang hồn cốt quê hương mãi là thương nhớ của người đi xa.

Bạch Diệp
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa nước nổi bên chân phá

Với những ai sống bên vùng chân phá Tam Giang, hẳn là năm nào cũng trải qua một vài đợt lũ lụt. Mùa lũ lụt tất nhiên sẽ hằn thêm nhiều lo âu về đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng, nhưng cũng là cơ hội để ngư dân tăng thu nhập, bởi mỗi mùa con nước lên sẽ mang theo nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Mùa nước nổi bên chân phá
Đầm Cầu Hai

“Rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai. Có thể nói đây như là một vật báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Huế. Đây cũng là nơi mà ai đã đến thì cũng không muốn về…” – Đó là những lời “có cánh” của trang elephant travel (Công ty Du lịch Con Voi) dành cho đầm Cầu Hai, một địa danh du lịch nổi tiếng thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách TP. Huế khoảng 40km.

Đầm Cầu Hai
Hoàng hôn trên phá Tam Giang

Hoàng hôn trên phá Tam Giang có gì thú vị? Bạn đặt câu hỏi khi tôi nói rằng vừa mới rời khỏi phá Tam Giang và đã có dịp ngắm hoàng hôn ở đó. Tôi muốn nói với bạn thật nhiều điều nhưng lạ thay phút chốc tôi lại chẳng biết phải nói từ đâu, từ khoảnh khắc nào. Bởi, nếu ai từng đến phá Tam Giang, tận hưởng từng phút giây mới có thể hiểu được nỗi lòng.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang
Sẽ có biểu diễn dù lượn tại ngày hội Sóng nước Tam Giang

Ngày 27/5, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội “Sóng nước Tam Giang” năm 2024 cho biết, lần đầu tiên địa phương tổ chức biểu diễn bộ môn dù lượn trên phá Tam Giang và trên các bãi biển địa phương để phục vụ người dân và du khách.

Sẽ có biểu diễn dù lượn tại ngày hội Sóng nước Tam Giang
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với những ca khúc về Huế

Có những nhạc sĩ mà tên tuổi gắn liền với những ca khúc đi cùng năm tháng, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là một trong số đó. Ông là nhạc sĩ được công chúng biết đến và yêu thích với những ca khúc quen thuộc: Tình ta biển bạc đồng xanh, Phố biển tình anh, Tiếng dạ tiếng thương, Tình người hương lúa, Huyền thoại trăng Nhật Lệ, Thành Huế chúng mình thương, Nhớ Ngự Bình… trong những thập kỷ qua.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với những ca khúc về Huế

TIN MỚI

Return to top