ClockChủ Nhật, 22/10/2023 07:50

Trước sân trồng một gốc hồng

TTH - Trồng ngắm - chơi - ăn, hồng là loại cây ở tầng cao trong khu vườn Huế. Không mang nặng giá trị kinh tế, những cây hồng cổ mang giá trị văn hóa tinh thần và gắn bó với đời sống nhiều gia đình truyền thống miền Hương Ngự.

Quýt mùa đông...

Hái tỉa hồng trứng ngâm ủ 

Một buổi sáng tháng 10, nơi góc chợ Kim Long, nhiều người xúm quanh hai rổ hồng Huế chừng hơn chục cân. Người bán tầm 70 tuổi rao to: “Mua đi mấy o, hồng ngâm nhà tui đó. Cây 70 năm tuổi, cao lắm. Mỗi lần hái phải nhờ thằng cháu dưới phố lên trèo. Nhà tui tính chặt cái cây ni vì sợ mưa bão dễ gãy”. Những người xung quanh tiếc rẻ: “Răng lại chặt? Trồng khó, chặt đi thì mấy hồi. Đời cây bằng đời người rồi, giữ đi kẻo uổng”. Mệ bán hồng vừa lấy khăn lau quả cho bóng vừa phân bua: “Nhà toàn người già, chừ chặt cũng phải thuê người chơ mô dễ. Tui nghĩ cũng tiếc lắm vì hắn (cây) có trước khi tui sinh ra. Chắc để tui về tính lại”…

Đó chỉ là một trong vài người bán hồng mà tôi gặp ở chợ. Tới mùa thu, muốn ăn hồng Huế tôi tìm đến Kim Long, trong nhiều ngôi nhà vườn, phủ đệ còn có những bóng hồng cổ nương náu bên mái rêu phong. Nếu “hên”, gặp mấy mệ nách rổ tre thong dong từ nhà đi ra và sẽ được mua liền tay kèm theo câu chuyện gốc tích cây hồng ở mỗi vườn nhà. Cô bạn mê đồ vườn của tôi hay đùa mấy mệ bán hồng là “QR code” chạy bằng cơm, không cần quét mã, khách cũng được nghe mô tả sinh động tuổi đời, chất lượng quả và quy trình ngâm ủ hồng.

Cây hồng thường có mặt trong những nhà vườn, phủ đệ ở Huế bên cạnh cây măng cụt, vải, thanh trà… Hồng được trồng phần lớn là hồng trứng, hồng không hạt và một số ít là hồng vuông, có cây xấp xỉ trăm tuổi. Hồng trồng không tốn nhiều công chăm sóc, lượng quả tùy thuộc vào thời tiết. Vào ngày rằm, trong vô số trái cây vùng miền bày bán, hồng Huế vẫn có sức hấp dẫn riêng.

Chợ Kim Long có mệ Hai chuyên bán hồng Huế. Nhà mệ ở phường Hương Long (TP. Huế) có gần chục gốc hồng, lối vào nhà có vô vàn cành hồng quả vàng ươm la đà trong nắng. Độ này, ai muốn ăn hồng thì tìm tới hàng mệ. Mệ kể ngâm ủ hồng cực lắm, nhiều công đoạn và phải đảm bảo sạch, an toàn để người mua yên tâm, bởi thương hiệu “hồng mệ Hai” đã có tiếng ở ngôi chợ này. Trên cái thùng nhựa, mệ lót lá chuối xanh mướt rồi xếp hồng lên cao từng lớp. Hồng trứng quả đỏ ong nhỏ như trứng gà so láng bóng, cầm lên khẽ khàng kẻo không là nứt vỏ. Hồng không hạt, quả thuôn dài, màu hồng sậm hoặc vàng đậm, phía trên có 4 tai nhỏ, bổ quả ra bên trong có 8 cánh hoa thị. Ấy là tôi tạm kể ra đặc điểm nhận dạng qua nhiều năm ăn hồng ở chỗ mệ Hai, chứ tìm trong sách vở tuyệt nhiên không thấy nói về loại hồng Huế chi cả. Quả hồng Huế nhỏ nên nhẹ cân, mua chừng hai cân là bốn, năm chục quả về ăn rỉ rả cả tuần.

Nơi phủ thờ công chúa Ngọc Sơn ở đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Huế), gốc hồng cổ tỏa bóng trước non bộ là nhân vật nổi bật nhất đệ trạch này vào mùa thu. Cây hồng trứng không cao song tán rộng, quả chi chít. Tầm tháng 10, quả chuyển màu vàng, đỏ; cây tựa như chiếc dù khổng lồ giăng mắc vô số đèn lồng nhỏ tỏa màu ấm áp cho căn nhà cổ. Mỗi lần có kỵ giỗ, bà Nguyễn Thị Sương hái tỉa hồng, ủ chín, dâng cúng tổ tiên tỏ lòng thơm thảo. “Con cháu về chơi thường rủ nhau hái quả. Đây cũng là cây cho trái nhiều nhất trong vườn nhà này. Có vài người đến xin chiết cành về trồng, ông nhà tôi cũng muốn nhân giống nó để lan tỏa loài cây quý của Huế”, bà Sương kể.

Trước đây, người Huế gọi tên cây hồng là “cây hường”. Lý giải cho cái tên “hường”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhận định, do tên húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, dân gian mới gọi tránh từ “hồng” sang “hường”. Một dòng tộc họ “Hồng” theo đó phải đổi họ nhằm tránh phạm húy. Vườn Ý thảo của ông Nguyễn Xuân Hoa cũng trồng hai gốc hồng ở lối vào. Vì nhớ cây hồng nơi nhà cũ của mạ, ông mới tìm cây giống mang về vườn nhà ươm trồng, giữ lại ký ức đẹp đẽ tuổi thơ.

Vườn người Huế hầu hết là vườn tạp, mỗi thứ một ít, đáp ứng nhu cầu gia đình và tạo cảnh quan cơ bản. Sân trước để ông chủ thưởng ngoạn với hoa trái; vườn sau để bà chủ lo cho bữa ăn gia đình. Cây hồng vừa có dáng thế đẹp, vừa tô điểm cho ngôi nhà nên nó thường ở vị trí trang trọng phía trước. Tầm tháng 9-10, trên một cây hồng có ba sắc màu quả: xanh, vàng, đỏ. Tháng 11-12, tiết trời sang đông, cành hồng trút lá tạo thế “cổ lão” bonsai kiên cường dầm mình trong mưa rét. Tháng 1-2, cành khô bung nở hoa, cánh tàn rải thảm xuống hiên nhà. Thế mới hiểu hồng là loại cây cảnh “ngắm-ăn-chơi” khá đặc biệt của những “mệ Huế”.

Với hồng Huế, ngay cả khi chín đỏ, quả hái xuống không ăn được ngay mà phải chờ chín tới. Ăn hồng còn tập tính kiên nhẫn, bởi nếu vội sẽ không thưởng thức được vị ngon của loại trái cây đa đoan này. Người Huế ăn hồng mà thấm cái triết lý ngọt ngào sau hành trình ngâm ủ trầm mình qua nước lạnh, vôi nóng gian nan.

Theo nhiều người, cây hồng ở xứ này được di thực vào tựa như những trái cây ngon cung tiến Đại Nội ngày xưa rồi lan truyền ra dân gian. Trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có nêu hàng trăm loại sản vật quý tiến cống song không thấy ghi tỉnh nào tiến cúng hồng, duy chỉ quy định Thừa Thiên và Gia Định mua mứt hồng đưa vào cung. Trong ký ức của ông Nguyễn Xuân Hoa, ngày tết, mứt hồng cực kỳ quý hiếm chỉ nhà có điều kiện mới mua nổi. “Nó tựa táo khô song vẫn ươm mật ngọt ngào, dẻo thơm. Người ta ép cho trái hồng dẹp lại, bên ngoài có lớp phấn trắng phủ. Mạ tôi cắt quả mứt hồng này thành tám đến mười miếng, chia mỗi đứa một chút, tôi cứ cất mãi không dám ăn”.

Người Huế ngày xưa rất quý cây hồng, đặc biệt là hồng không hạt. Nó quý là bởi không thể dùng hạt để gieo mà phải chiết cành nhân giống. Tương truyền, giống hồng này do đại thi hào Nguyễn Du mang vào tặng cho gia đình vị quan lại - chủ một khu vườn nổi tiếng xứ Huế. Gốc hồng này đến nay vẫn cho quả, hương vị thơm ngon như ngày nào và rất được gia chủ yêu quý, giữ gìn.

Có vị trí trang trọng trong căn nhà, tô điểm không gian sống, cây hồng góp phần làm phong phú giá trị đời sống tinh thần của người Huế. Theo thời gian, số lượng hồng ít dần vì mưa bão và giống thoái hóa. Những cây hồng lão vì thế, ngày càng hiếm hoi. Giờ đây, trong một vài căn nhà vườn nội thành và miệt Kim Long, Hương Hồ, chiều chiều vẫn còn cảnh gia đình rộn ràng ngắm hồng, ủ hồng, hồi hộp chờ hồng chín. Tiếng người già lẫn tiếng con trẻ ríu ran trong khoảng sân khiến người ta liên tưởng đến một bức tranh hạnh phúc sum vầy. Trên cao, hồng đang thắp nắng kéo lại tiết trời ẩm ương sụt sịt tháng 10. Dưới sân, người uống trà, ăn bánh, lau quả ủ trong túi kín, dặn lòng kiên nhẫn: “Vội vàng ăn nhãn tháng 5. Ung dung ngồi đợi hồng ngâm tháng 10”.

Bài, ảnh: T. Ninh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản cho vụ Tết

Nông sản, đặc sản vùng cao A Lưới đang vào thời điểm hoạt động rộn ràng phục vụ đơn hàng và nhu cầu người tiêu dùng. Đây là mùa sản xuất được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu cao, đồng thời quảng bá các mặt hàng đến với nhiều thị trường.

Đặc sản cho vụ Tết
Phát triển kinh tế từ cây đặc sản

Bằng sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi, chị Đặng Thị Trai Dung (sinh năm 1963), tổ dân phố Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế đã phát triển kinh tế gia đình nhờ vào trồng cây đặc sản thanh trà, bưởi của địa phương. Chị cũng rất nhiệt tình tham gia công tác hội và các phòng trào của địa phương.

Phát triển kinh tế từ cây đặc sản
“Góc Huế” tại AEON MALL

Trung tâm thương mại AEON MALL Huế đã tạo nên sức hút lớn trong những ngày đầu mở cửa đón khách, khi lượng khách đến đây tham quan, mua sắm rất sôi động. Cùng với các thương hiệu nổi tiếng, không gian văn hóa địa phương (Local Corner) tạo dấu ấn rất riêng không chỉ cho trung tâm thương mại này, mà còn là điểm nhấn thể hiện sự đồng hành của chính quyền và các sở, ban, ngành trong hành trình đưa sản phẩm Huế đến gần với các chuỗi cung ứng lớn.

“Góc Huế” tại AEON MALL
Mùa trái chín

Sau những cơn dông ngột ngạt hơi nóng của đất và cỏ mục, tiết trời chuyển thu như chỉ sau một đêm về sáng. Nghe trong tiếng vạc kêu khuya kéo theo làn sương mỏng về bên sông. Những khu vườn như vàng lên theo từng gân lá. Bình minh rộng mở. Không gian dìu dịu màu nắng và mùi hương hoa cỏ, trái chín. Mặt nước sông Hương nhuộm sắc trời thiên thanh. Phố quanh quanh, làng tiếp nối cho đến tận đường viền của ngọn núi Phụng mơ hồ một màu tím trong mây nhạt.

Mùa trái chín
“Săn” cá bống suối

Hôm đến xã Hồng Thủy xa xôi của huyện biên giới A Lưới, tôi gặp hình ảnh dưới dòng suối uốn lượn giữa núi rừng, người phụ nữ Pa Cô đang mải miết “săn” cá bống. Mồ hôi ướt lưng chiếc áo cũ, dệt bằng vải zèng truyền thống, nhỏ giọt trên đôi má hồng rực lên dưới nắng. Nụ cười cũng rạng rỡ như nắng và mộc mạc, hiền lành như lá rừng. “Bức tranh” thật đẹp khiến chúng tôi không thể nào không “chốt” cái hẹn ngược suối.

“Săn” cá bống suối

TIN MỚI

Return to top