ClockThứ Năm, 16/12/2021 07:00

“Săn” nấm mối

TTH - Trong màn mưa lất phất và gió núi lạnh buốt, bóng đêm đen đặc phủ kín những ngọn đồi bỗng giật mình bởi những ánh đèn pin loang loáng và cả tiếng nói chuyện lao xao vọng lại giữa lớp lớp cây rừng. Năm nay nấm mọc nhiều, nên núi đồi dường như cũng thức cùng bước chân nhộn nhịp của những người lên non săn nấm.

Nấm mối chế biến được nhiều món ngon

Đi đêm tìm nấm

1 giờ sáng, chị Phan Thị Diệu (38 tuổi, ngụ xã Hương Thọ,TP Huế) đã trở dậy. Khoác lên người tấm áo mưa, cầm theo chiếc liềm, con dao, chiếc đèn pin, chị vội chạy xe ra khỏi nhà. Ngay đầu ngõ, chị Nhung hàng xóm đã đứng đợi. Cả hai bắt đầu hành trình len lỏi khắp các nương rẫy, núi đồi cách nhà hàng km để tìm nấm mối.

Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Xe máy nổ lốp ngay con dốc dưới đồi cao su. Cả hai bỏ lại xe bên đường rồi cuốc bộ lên đồi cao su. Đêm tối mịt mùng, mưa và gió tạt vào mặt lạnh buốt nhưng chỉ cần nghĩ đến những khoang nấm lúp xúp mình sẽ gặp được, bước chân họ lại băng băng về phía trước. Xa xa phía bên kia các ngọn đồi, có thể thấy ánh đèn pin loang loáng. Vào mùa nấm mối, dân săn nấm dường như chẳng ai muốn ngủ. Mọi người đổ xô vào núi giữa đêm tìm nấm như trẩy hội. “Mê nấm quá, nên mất ngủ mấy đêm liền”, chị Diệu nói. Đang vượt con dốc đầy bùn, chị dừng lại. Trong không khí ẩm ướt bay lên mùi hương thoang thoảng. Có nấm. Cả hai lia đèn pin, tay cầm liềm phát những lùm cây dại. Dưới ánh đèn pin, những tai nấm như phát sáng vừa đội đất lên. Chị Nhung ngồi xuống, cẩn thận lấy dao nạy thật sâu gốc nấm, trong khi chị Diệu tiếp tục chiếu đèn xung quanh. Vì đi chung, nên cả hai từ tốn đào tận gốc, không cần phải vội vã tranh nhau. Sau khoảng thời gian lội khắp các ngọn đồi, đến 7 giờ sáng, chị Diệu và chị Nhung trở về nhà với 3 ký nấm búp. Bạn hàng được thông báo trước đã chờ sẵn ở nhà. 1 ký nấm được bán với giá 450 nghìn đồng. Cứ đến mùa nấm mối, chị Diệu và nhiều người dân ở địa phương đều “tăng gia sản xuất” bằng việc lên rẫy tìm nấm, có khi kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Cạnh nhà chị Diệu, chị Trần Thị Lành hơn 7 giờ sáng mới thủng thẳng chạy xe lên rẫy. “Khoang nấm của mình. Không ai biết. Nên không cần phải lặn lội đêm hôm”, chị Lành nói. Tuy vậy, có lúc vẫn “chậm chân”. Như hôm trước, định nhổ khoang bên rẫy này xong sẽ băng đồi sang rẫy  bên kia để nhổ. Nhưng lúc đến, đã bị người khác nhổ mất. “Khoang đó nấm nhiều, vậy là hụt ăn 4 ký nấm”, chị Lành nói trong tiếc nuối. Cả hai khoang nấm đều được chị “nhắm” từ chiều hôm trước khi mới vừa nhú chút xíu trên mặt đất. Chị Lành thường đi tìm nấm một mình, bởi toàn là những khoang nấm “ruột” năm nào cũng nhổ. Vậy nhưng khi lên các rừng cao su, người tìm đông như hội, có người biết chị giỏi tìm, vậy là đi theo. Những ngày này, mỗi bận đi nấm, chị Lành thường nhổ được vài ký, kiếm hơn triệu mỗi ngày. Hôm may mắn, có khi bán được hai ba triệu tiền nấm.

Lắm món ngon

Chị Lành cho biết, nấm mối chỉ mọc rộ lên một thời gian ngắn vào tầm tháng 11, tháng 12 âm lịch, khi người dân đang bắt đầu vãi mạ và cấy lúa. Mỗi đợt chỉ kéo dài hơn chục ngày. Nấm mối khó kiếm, lại có vị ngon ngọt tự nhiên nên giá luôn đắt đỏ. So với nhiều năm trước, năm nay nấm mối có giá cao hơn nhiều. Dù giá đắt đỏ, nhưng nấm vừa hái về đến nhà, đã có bạn hàng đến tận cửa chờ mua.

Bà Võ Thị Việt đang ngồi cạo mấy tai nấm vừa “bòn” được trước nhà, chuẩn bị cho món chả trứng vừa xuýt xoa tiếc nuối. Năm nào khoang nấm ngay trước nhà bà cũng “hỏng ăn”. Chiều hôm trước thấy nấm mới nhú lên chút xíu, định chờ đến khuya mới ra nhổ để nấm cao thêm chút xíu, không ngờ cả khoang nấm bị nhổ mất. Kiếm vài tai nấm còn sót lại, đủ để làm một đĩa nấm đổ chả trứng béo ngậy đãi cả nhà.

Chị Diệu kể, khoang nấm ngay trước nhà chị vừa nhú lên từ chiều. Chị đậy đằng kỹ lưỡng để sáng mai nhổ sớm. Đêm nằm trong nhà, nghe tiếng chó sủa rổn rảng bên ngoài là ngủ không yên, cứ sợ người ta nhổ mất. Vậy là 12 giờ đêm, chị trở dậy ra nhổ nấm. Chị Diệu cho biết, nấm mối mọc nhiều ở các rẫy, vườn cao su, nơi có nhiều ổ mối. Trong vườn nhà hay dọc biền sông nếu có mối, nấm vẫn mọc nhưng không nhiều bằng trên núi.

Năm nay nấm mọc nhiều, có hôm anh Trần Văn Minh (phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy) tìm được 14, 15 ký nấm. Những hôm gặp nhiều nấm, hầu như đều là nấm nở nên chẳng được mấy tiền. Trong khi nấm búp giao động từ 400 – 500 nghìn 1 ký, thì nấm nở chỉ có giá từ 100 – 300 nghìn. Anh Linh hầu hết bán nấm qua mạng xã hội facebook. Chỉ cần vừa “up” lên là đã có người quen vào đặt hàng hết sạch.

Mê món xôi nấm mối, nên năm nào đến mùa nấm, chị Trần Thị Thu Thanh (phường An Cựu, TP Huế) cũng mua về nấu xôi đãi cả nhà. Nấm mối hầu như được ưa thích nhất vẫn là món xôi. Nấm sau khi làm sạch chỉ cần xào lên với chút muối, tiêu, hành là được. Nấm mối có vị ngọt thanh, vừa có vị beo béo, khi ăn có vị giòn nên không cần nêm nhiều gia vì để tránh làm mất cái vị ngọt tự nhiên. Xôi sau khi hông chín thì trộn với nấm đã xào, thêm chút rau răm để tăng hương vị. Nấm mối nấu xôi, nấu cháo, đổ chả trứng, hay làm nhân bánh lọc, bánh khoái… món nào cũng ngon. Nếu không chế biến cầu kỳ, thì chỉ cần xào lên với lốt hoặc nấu canh rau đều bắt vị như cách chị Lành vẫn chế biến mỗi ngày trong căn bếp nhỏ của mình. Mùa nấm đến, ngày nào bếp nhà chị Lành cũng quanh quẩn món nấm.

“Nấm nở quá hoặc bị dập, bị gãy nên đành phải để lại ăn. Ngày nào bữa cơm cũng có món nấm, ngon mấy cũng ngán”, chị Lành, người được dân địa phương xem là “tay săn nấm” kỳ cựu ở chia sẻ. Trong khi đó, chị Thanh lại nói trong tiếc nuối: “Năm nay giá nấm đắt quá. Đang mùa dịch, chi tiêu hạn chế nên… đành nhịn”. Giá thành quá đắt đỏ, nên mặc dù ngoài kia đang được mùa nấm, nhưng bếp nhà chị Thanh năm nay đành lỗi hẹn món xôi nấm béo ngậy thơm ngút ngàn.

Bài, ảnh: Ngọc Linh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản cho vụ Tết

Nông sản, đặc sản vùng cao A Lưới đang vào thời điểm hoạt động rộn ràng phục vụ đơn hàng và nhu cầu người tiêu dùng. Đây là mùa sản xuất được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu cao, đồng thời quảng bá các mặt hàng đến với nhiều thị trường.

Đặc sản cho vụ Tết
Phát triển kinh tế từ cây đặc sản

Bằng sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi, chị Đặng Thị Trai Dung (sinh năm 1963), tổ dân phố Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế đã phát triển kinh tế gia đình nhờ vào trồng cây đặc sản thanh trà, bưởi của địa phương. Chị cũng rất nhiệt tình tham gia công tác hội và các phòng trào của địa phương.

Phát triển kinh tế từ cây đặc sản
Cơm nhà lam Huế

Huế có hàng trăm ngôi chùa. Vậy nên, vấn đề ẩm thực nhà chùa hay gọi nôm na là cơm nhà lam xứ Huế có rất nhiều chuyện thú vị. Cứ nghĩ đến cảnh mỗi khi mặt trời đứng bóng, các thầy chùa, ni sư ngồi vào bàn ăn gọi là Ngọ trai, đó đã là một cách thức ẩm thực khác hẳn với người thường...

Cơm nhà lam Huế

TIN MỚI

Return to top