ClockThứ Năm, 04/05/2023 13:00

Nhớ chiếc ti vi đen trắng

TTH - Có lẽ, trong ký ức của chúng ta, hình ảnh chiếc ti vi đen trắng và những lần rủ nhau đi “xem ké” nhà hàng xóm sẽ mãi là kỷ niệm không bao giờ quên.

Hương cauTô cháo gạo lứt của ngoại

leftcenterrightdel
 Chiếc ti vi đen trắng luôn là ký ức đẹp về một thời đã qua

Hôm nay, có dịp đến nhà Đạt, người bạn làm cùng cơ quan để ăn mừng tân gia. Bước vào ngôi nhà mới đầy khang trang của vợ chồng bạn, thấy không gian bài trí cho ngôi nhà có chút gì đó rất thời thượng, rất cổ kính, sạch đẹp. Nhưng ấn tượng với tôi có lẽ là căn phòng được bố trí phía bên hông nhà, nơi anh dành riêng để trưng bày những đồ vật xưa như: Chiếc ti vi đen trắng cuối những năm 80, chiếc radio, bộ bàn ghế gỗ đã đổi màu, hay chiếc bình thủy đã ngả màu hoen ố... Những hình ảnh đó làm cho tôi nhớ lại một thời tuổi thơ đi “xem ké” ti vi hàng xóm.

Ngày đó, giữa những căn nhà gạch tô trét đơn sơ, nhà ông Lành ở xóm tôi nổi bật hơn cả. Không phải vì nhà xây dựng hoành tráng mà vì nhà ông có một chiếc ti vi đen trắng, được cô con gái đi du học bên Nga gửi về.

Tôi vẫn còn nhớ như in, đó là chiếc Samsung Deluxe đen trắng màn hình lồi, 14 inch. Ti vi gồm 1 nút chuyển kênh và 3 nút vặn bật, tắt, tăng giảm âm thanh. Phía sau ti vi cũng có 3 nút vặn tương tự và 1 dây ăng-ten. Thời điểm bấy giờ, chiếc ti vi được xem như là một tài sản có giá trị khiến ai cũng phải mơ ước.

 

Ngày ông Lành đem chiếc ti vi đen trắng đó về nhà, cả xóm nhốn nháo kéo nhau đến xem. Ai cũng xin ông được sờ vào chiếc ti vi ấy với niềm mong ước sẽ có ngày cũng mua được chiếc ti vi như thế.

Từ ngày có chiếc ti vi, nhà ông Lành rộn ràng hơn hẳn, lúc nào cũng chật kín người. Có những hôm còn không có chỗ mà ngồi, nhiều người đi muộn phải đứng xem qua cửa sổ.

Thi thoảng có cơn gió nhẹ lướt qua làm cho màn hình bị nhiễu sóng, cậu con trai ông Lành lại leo lên trần nhà chỉnh lại cây ăng-ten. Phía dưới là những âm thanh quen thuộc của ông Lành vang lên: “Xoay qua phải chút nữa. Quá rồi, trả lại xíu, qua trái, nữa, nữa. Được rồi. Được rồi”.

Cuộc sống của người dân ngày ấy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Họ chủ yếu nghe những thông tin thời sự, thời tiết qua chiếc radio, nên trong xóm nhà ai sắm được chiếc ti vi đen trắng là cả xóm đều mừng.

Hàng ngày, cứ đúng 7h tối là lũ trẻ trong xóm như tôi lại í ới kéo nhau sang nhà ông Lành để xem chương trình “Bông hoa nhỏ” - chương trình mà hầu hết trẻ con ngày ấy đều yêu thích. Dù thời lượng phát sóng chỉ có 30 phút ngắn ngủi, nhưng hôm nào ăn cơm muộn, bố mẹ không cho đi là thấy bứt rứt không yên. Vậy nên, chiều nào tôi cũng phụ giúp mẹ nấu ăn để cùng lũ bạn đi coi cho thật sớm, để giành được chỗ ngồi đẹp.

Hồi đó, chương trình phát sóng chưa đa dạng như bây giờ, nhưng như thế cũng đã thỏa mãn với rất nhiều người. Cứ mỗi lần xem xong ra về là những câu chuyện, tiếng bàn tán về cái kết của nhân vật trong phim, rồi ghét ông này, bà kia...

Hay như có những hôm xem bóng đá Việt Nam thi đấu. Trời mùa hè thì nóng chảy mồ hôi nhễ nhại nhưng tiếng vỗ tay cổ vũ, hò hét vẫn rầm rầm vang cả xóm làng. Nhiều khi, trận đấu đang hấp dẫn gay cấn, thì đâu đó vang lên tiếng gọi chồng, gọi con về ăn cơm, về cho heo ăn... Mấy người vợ còn trạo nhau, không thấy chồng đâu thì cứ qua nhà ông Lành mà tìm, giờ này chỉ có qua đó thôi. Nghĩ lại cũng vui và buồn cười...

Ngày nay, điều kiện và cuộc sống phát triển hơn nhiều, những chiếc ti vi thông minh, hiện đại được cập nhật hàng ngày. Mỗi gia đình sở hữu một chiếc ti vi màn ảnh lớn, công nghệ tiên tiến là chuyện bình thường. Chương trình phát sóng thì ngày càng phong phú về thể loại, đa dạng về nội dung... Thế nhưng, hình ảnh chiếc ti vi đen trắng ngày nào vẫn luôn hiện hữu trong ký ức của tôi, cũng như những đứa trẻ ngày ấy.

Bài, ảnh: NGỌC AN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngôi nhà chung của tuổi thơ

Nhà Thiếu nhi Huế đã và đang là một địa chỉ thân quen của thiếu nhi. 50 năm qua, nơi đây đã thu hút hơn 150.000 lượt thiếu nhi tham gia học tập và vui chơi.

Ngôi nhà chung của tuổi thơ
Thức quà ký ức

Có một người bạn trẻ của tôi ở Hà Nội nói rằng, em đi chợ mà thấy mấy loại bánh truyền thống là mua ngay, không chỉ mua để ăn đâu, mà như mua một kỷ niệm cho mình...

Thức quà ký ức
Tắm sông

“Mùa hè mà nhảy bùm xuống sông, vẫy vùng, bơi lội thì còn chi bằng!” - Tôi nhận được câu trả lời của bạn sau khi chuyển cho bạn xem những bức ảnh chụp cảnh buổi sáng chúng tôi bơi trên sông Hương, đoạn phía dưới chùa Thiên Mụ.

Tắm sông
Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ

Hồi tôi còn bé, bánh kẹo không được phong phú như bây giờ, chỉ có các loại kẹo truyền thống quê hương, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo gương, kẹo đậu phộng, kẹo trứng chim, kẹo kéo… Ngày đó, mệ tôi đi chợ về thường mang theo một gói kẹo cau nhỏ nhắn với chiếc nhãn đơn sơ in hình phong cảnh Huế.

Kẹo cau, món ăn của tuổi thơ
Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Chí Bình vẫn nhớ như in “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”.

Người lính công binh và ký ức Điện Biên Phủ

TIN MỚI

Return to top