ClockThứ Năm, 01/09/2022 19:56

Ngày sau, cồn Hến…

TTH.VN - Cồn Hến là một cù lao nhỏ nằm bên tả Kinh thành Huế, về cuối hạ nguồn sông Hương, được nối với thế giới bên ngoài bằng cây cầu Phú Lưu. Nhắc đến cồn Hến là nhắc đến cơm hến, chè bắp- món ăn dân dã mà trứ danh không thể bỏ qua đối với nhiều người…

Chèo thuyền sup nhặt rác quanh cồn HếnPhong tỏa khu vực cồn Hến, nhiều gánh cơm hến hụt hàng, nghỉ bán“Hè này đi Huế”“Gánh lửa” vào thành phốSương khói mờ nhân ảnh…Phong tỏa khu vực cồn Hến, nhiều gánh cơm hến hụt hàng, nghỉ bán

Cồn Hến- nhìn từ phía hạ lưu

Cuốn hút nhưng…xập xệ

Suốt tuần tất bật theo công việc, hôm nay thứ bảy được nghỉ, cả nhà tôi rủ nhau đi ăn sáng cho nó tăng cường sự gắn bó đoàn kết.

“Cơm hến đi!”- bà xã tôi đề xuất. Tưởng gì, món ấy dễ. Ra ngõ có liền, giá cả lại vô cùng rẻ. Nhưng như thế thì nó thường quá, cả nhà quyết phải về tận cồn Hến, cho nó chất. Lại cũng là dịp để tham quan thư giãn. Vậy là lên đường. Băng Đập Đá, xuôi về đường Nguyễn Sinh Cung chừng cây số, gặp đường Ưng Bình, quẹo trái cái là cầu Phú Lưu, qua khỏi cầu là đất cồn Hến. Cứ tưởng chỉ có nhà mình là… điên điên, ăn tô cơm hến mà phải chạy về tận xứ cồn. Không dè, thiên hạ nhiều người cũng kéo về đông vui rộn ràng quá thể.

Rẽ vào con hẻm đầu tiên bên trái, suốt dọc đường rất nhiều quán cơm hến, chè bắp. Tha hồ chọn. Thằng nhóc nhà tôi rành… công nghệ ăn uống. Trước khi di, hóa ra cu cậu đã lên mạng search quán, cho nên nó bảo cứ H.Đ mà tới. Vào quán, thấy đã có hơn chục khách. Và ngay sau gia đình tôi, tiếp tục có mấy nhóm bạn trẻ cũng vừa cập đến. Khách vào cùng lúc, nên gọi xong phải chờ, không hề khó chịu mà còn cảm thấy vui. Vui là vì nhịp sống đã trở lại bình thường sau 2 năm dịch dã, vui vì thấy bà con làm ăn được, và vì cồn Hến tưởng dân dã thế mà vẫn được du khách hào hứng tìm về… Khách vào mỗi lúc mỗi đông, thêm 1 chiếc taxi dừng lại, một thanh niên nhảy xuống chạy vào dặn chủ quán chuẩn bị 30 chỗ ngồi, 11 giờ trưa khách sẽ tới. Hình như anh này là hướng dẫn viên của một tour nào đó thì phải. Và qua cách làm việc giữa anh với chủ quán, cho thấy, anh là mối ruột, đã đưa khách đến đây rất nhiều lần rồi.

Cơm hến, chè bắp xứ cồn luôn có sức hấp dẫn, gọi mời...

Nhóm bạn trẻ nói giọng bắc ngồi bàn kế bên vừa ăn vừa nhìn quanh và nho nhỏ hỏi nhau, bán buôn thế này mà sao không đầu tư sửa sang hàng quán, nhà cửa cho đàng hoàng chút nhỉ, xập xệ quá, hơi uổng. Sự ngạc nhiên của họ cũng là của không ít khách khi về với cồn Hến. Mà ngạc nhiên cũng phải, suốt cả con hẻm dài rộn ràng thực khách, chỉ duy nhất có ngôi nhà chỗ quán cơm hến mang tên Tím Huế là vừa được xây sửa đẹp đẽ khang trang, còn lại nhà nào cũng cũ kỹ, thậm chí tạm bợ …

Nỗi khổ xuyên thế kỷ

Người ta đâu biết, đó cũng là nỗi lòng, nỗi khổ của người dân xứ cồn mấy chục năm qua. Nguyên do là từ lâu rồi, cồn Hến lọt vô “danh mục” các tọa độ sẽ được giải tỏa để dành đất cho dự án. Nhưng bao giờ giải tỏa, và dự án nào sẽ triển khai, bao giờ thì triển khai… thì với người dân xứ cồn cứ thấy u u minh minh, chẳng biết thế nào mà lần.

Nhiều năm trước, cũng vì sự bức bối ấy, chúng tôi đã về cồn Hến trò chuyện với người dân và trực tiếp làm việc với đồng chí Bí thư chi bộ 6B, lúc ấy là ông Phạm Văn Bôn, có nhà ở ngay đầu cầu Phú Lưu. Đề cập đến câu chuyện quy hoạch, giải tỏa tại cồn Hến, ông Bôn đã trải lòng: “Chi bộ đây cũng chỉ nghe, không thấy văn bản chi cụ thể.”. Theo lời ông Bôn, cách thời điểm làm việc với chúng tôi chừng 5 năm, đã có đơn vị về đo vẽ, nói là để phục vụ “giải toả”, nhưng mãi vẫn không thấy động tĩnh gì. Tuy nhiên, ảnh hưởng của động thái trên đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân trong khu vực thì rất rõ. Không ai dám đầu tư mua bán kinh doanh. Muốn bán nhà bán đất cũng chịu, không ai dám mua. Kể cả vay ngân hàng cũng vướng, bởi không có cán bộ thẩm định nào dám bảo đảm để cho vay.

Tại một số cuộc tiếp xúc cử tri, dân hỏi, trên cũng chỉ trả lời chung chung chứ không có gì cụ thể. Cả cán bộ và người dân đều bồn chồn không yên. Trước khi chia tay, Bí thư Phạm Văn Bôn muốn qua tờ báo của Đảng bộ tỉnh đề đạt nguyện vọng: “Dân cồn Hến chúng tôi rất mong mọi chuyện được công khai, minh bạch chứ đừng mơ mơ hồ hồ như hiện nay”. Thực trạng và nguyện vọng đó được chúng tôi chuyển tải trong bài viết cách đây chừng chục năm, nhưng không có thông tin phản hồi, và dân xứ cồn thì rất nhiều người vẫn chưa thực sự rõ sẽ đi hay ở, đi đâu, bao giờ đi…

Quy hoạch "treo" nhiều năm khiến nhà cửa của dân cư xứ cồn rất khó khăn trong xây dựng, cải tạo, thế chấp, mua bán...

Việc ngôi nhà nơi có quán cơm hến Tím Huế được đầu tư khang trang với hệ thống cửa nẻo, cầu thang đều bằng gỗ đắt tiền khiến không ít người ngạc nhiên cho là… hơi liều. Bởi nếu giải tỏa thì sao, ai người ta đền bù?!! Tôi cũng hơi lấy làm lạ nên dẫu không đói vẫn tạt vào kêu tô cơm hến, nhân đó lân la bắt chuyện cô chủ quán. Hóa ra cô này chỉ là người bà con, còn chủ nhà thì hiện đang định cư ở nước ngoài. Nhà cửa xuống cấp, chủ nhà gửi tiền về bảo sửa và cho cô đến ở, vừa giữ nhà vừa kinh doanh. Có lẽ lâu quá không thấy gì, họ cứ sửa sang cho đàng hoàng mà ăn ở, thờ tự đã. Tới đâu tính đó. Trong khu dân cư cồn Hến, cũng có một số ít nhà sửa chữa, nâng tầng để tránh lụt, nhưng cũng đều theo kiểu… làm liều, cam kết chấp nhận không “kết cấu” vào giá đền bù nếu bị giải tỏa. Quy hoạch tổng thể, rồi quy hoạch chi tiết để xây dựng khu du lịch đẳng cấp, câu chuyện kéo dài từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay khiến gần ngàn hộ dân nơi đây sống như “đeo đá” trong lòng. Vừa rồi báo chí thông tin, sắp tới tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch cồn Hến theo hướng giữ lại phần lớn dân cư, kết hợp cải tạo, chỉnh trang trong khu vực… Dân xứ cồn nghe, phần bán tín bán nghi, phần khấp khởi hy vọng…

Lối thoát và sự đổi đời đang mở?

Cầu Phú Lưu nối qua cồn Hến

Gặp kiến trúc sư (KTS) Hồ Viết Vinh trong một buổi cà phê tại sân vườn khách sạn Senna Huế (Senna Hue hotel), số 7 Nguyễn Tri Phương-Huế nhân sinh nhật lần thứ 85 của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Biết anh Vinh là con rể của chủ nhân buổi sinh nhật, cũng đã từng gặp anh một đôi lần, nhưng chưa có dịp để làm quen,  trò chuyện. Senna Hue hotel –nơi chúng tôi đang ngồi uống cà phê hóa ra là do Hồ Viết Vinh thiết kế. Đó là một công trình đẹp, sang trọng và trang nhã. Trong câu chuyện với tôi, chợt nhiên KTS Hồ Viết Vinh đề cập đến cồn Hến. Ý tưởng và suy nghĩ của anh thực sự làm tôi bất ngờ và bị cuốn hút bởi một “lối mở” thật thú vị và đầy thuyết phục cho vùng đất được mệnh danh là “con rồng xanh” của Kinh thành Huế.

Nhà thờ Tổ nghề Hến, lễ cúng tổ được tổ chức vào các ngày 24 và 25-6 Âm lịch hàng năm

Hồ Viết Vinh không nghiêng về phương án làm khu du lịch cao cấp như tỉnh từng dự kiến. Bởi như thế là Huế tự tạo ra một không gian “đóng” đối với cộng đồng. Hơn nữa, di dời, giải tỏa cả ngàn hộ với gần nửa vạn dân là bài toán không hề dễ dàng. Trong góc nhìn của Hồ Viết Vinh, anh cho rằng cồn Hến với cộng đồng dân cư nơi đó với văn hóa, tập quán, nghề truyền thống… là một nguồn “nguyên liệu” rất riêng và rất quý của Huế. Vậy thì tại sao phải “phá bỏ” nó? Thay vào đó, hãy giữ lại để “tu bổ, sắp xếp, làm đẹp” lên, biến nó thành một điểm du lịch cộng đồng độc đáo, đẳng cấp cho Huế thì sẽ tốt hơn nhiều.

KTS Hồ Viết Vinh phác họa một diện mạo của cồn Hến tương lai. Ở đó, nhà cửa của người dân được tạo điều kiện để thiết kế, xây dựng, cải tạo lại đẹp đẽ, vững chắc. Các ngôi nhà đều nên nâng tầng để người dân sinh sống, trú tránh vào những ngày ngập lụt; tầng dưới phục vụ mua bán, dịch vụ, sinh hoạt bình thường vào mùa tạnh ráo và những ngày nước sông không dâng. Sẽ rất nên có một con đường dạo ven sông khép một vòng quanh cồn. Song song đó, các con hẻm dẫn vào các cụm dân cư sẽ được nâng cấp, mở rộng phù hợp. Cồn Hến cũng sẽ được nối với thôn Vỹ Dạ bằng cây cầu Phú Lưu mới, đẹp và vững chắc hơn. Đồng thời, một chiếc cầu khác cũng sẽ nối kết cồn Hến với khu phố cổ Gia Hội phía bên kia. Cây cầu này trong ý tưởng của Hồ Viết Vinh phải là một cây cầu thật dễ thương, không chỉ đơn thuần đóng vai trò lưu thông mà còn là một điểm ngắm sông Hương tuyệt vời, trên cầu còn được thiết kế một sân khấu đảm bảo tính thẩm mỹ, không gian và tính an toàn phục vụ trình diễn nghệ thuật... Mới chỉ phát thảo như thế thôi, đã thấy cồn Hến hấp dẫn, mời gọi đến nhường nào.

Chùa Pháp Hải tọa lạc ở cồn Hến- ngôi chùa gắn liền với tên tuổi vị danh tăng xứ Huế: Hòa thượng Thích Đức Tâm

Đề cập đến ý tưởng trước đây về xây dựng khu du lịch cao cấp ở cồn Hến, có người đã nhận xét, vừa như là “dự báo” về tiền đồ dự án, rằng sẽ không có nhà đầu tư nào đủ sức để mà giải tỏa, tái định cư cho gần ngàn hộ dân của cồn Hến cả. Cuộc trò chuyện với KTS Hồ Viết Vinh khiến tôi lại nghĩ, có thể vẫn sẽ có nhà đầu tư đủ tiềm lực để thực hiện dự án. Song, sẽ không có ai và không có tiền bạc nào đủ khả năng tạo lập được một cộng đồng dân cư đông đảo và gần như là độc nhất trên một cù lao xinh đẹp nổi giữa sông Hương. Cộng đồng dân cư ấy có lịch sử lập làng đã hơn 200 năm, có bề dày văn hóa, tập quán riêng; có nghề cào hến, trồng bắp và tạo nên 2 món chè bắp, cơm hến nổi tiếng gần xa. Vậy thì hà cớ gì phải đánh đổi mà không giữ lấy? Giữ lại và xây dựng cồn Hến thành một điểm du lịch cộng đồng  sẽ là “lối thoát”, là cơ hội để dân cồn Hến đổi đời. Và Huế không chỉ có thêm một “điểm đến” cồn Hến đầy tự tin mà song hành đó còn có cả một không gian Vĩ Dạ- cồn Hến- Gia Hội được mở ra với thật nhiều hứa hẹn.

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em

Chiều 27/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Tổ chức Blue Dragon International (Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh) tổ chức hội nghị trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, triển khai các hoạt động hỗ trợ cho trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và công tác phòng, chống mua bán người giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Hà Giang. Tham dự có bà Skye - Đồng Giám đốc Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh và lãnh đạo một số ban, ngành của hai tỉnh: Thừa Thiên Huế và Hà Giang. ​

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em
Giảm thiểu trẻ em di cư tự do bị lạm dụng sức lao động

Sáng 12/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị khởi động dự án “An toàn và lành mạnh: Ngăn chặn tình trạng trẻ em và thanh thiếu niên di cư tự do đi làm ăn xa và bị lạm dụng sức lao động và người bị mua bán tại tỉnh Thừa Thiên Huế” giai đoạn 2024 – 2028.

Giảm thiểu trẻ em di cư tự do bị lạm dụng sức lao động
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Giấc mơ “bếp ăn Việt Nam”

Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều món ăn được vinh danh nhất trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” với các món: Bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay, cơm hấp lá sen chay.

Giấc mơ “bếp ăn Việt Nam”

TIN MỚI

Return to top