ClockChủ Nhật, 13/12/2020 06:56

“Gánh gánh... gồng gồng” - cuốn hồi ký chạm đến trái tim

TTH - Nhà làm phim tài liệu Nguyễn Thị Xuân Phượng đã cho ra đời một tác phẩm chạm đến trái tim nhiều người thuộc nhiều thế hệ. Một cuốn hồi ký giàu chất văn học chứa đựng một cuộc đời đầy thăng trầm và biến động, có cả cay đắng và vinh quang của một người phụ nữ Huế đã đồng hành cùng kịch sử dân tộc kể từ ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Giao lưu với tác giả cuốn hồi ký “Gánh gánh gồng gồng”Gánh gánh... gồng gồng…

Cuốn hồi ký đã đưa thế hệ chúng tôi trở về những miền ký ức với đầy ắp kỷ niệm của một thời đạn bom, một thời hòa bình. Tác giả tái hiện lại một chặng đường dài của lịch sử dân tộc thông qua những câu chuyện kể về cuộc đời của mình, của những người thân trong gia đình và bằng hữu.

Mỗi câu chuyện được gắn với một sự kiện, một chủ trương chính sách, một người thật việc thật, trong đó có những nhân vật lịch sử, có những vị lãnh tụ, những cán bộ cao cấp, có rất nhiều người là nghệ sĩ nổi tiếng, là nhà khoa học, là danh nhân. Có cả những nghệ sĩ nổi tiếng, những nhà làm phim người nước ngoài đã đến Việt Nam trong chiến tranh mà tác giả là người cộng sự, rồi trở thành đồng nghiệp và dệt thành tình bạn xuyên biên giới với rất nhiều câu chuyện cảm động.

Không chỉ dừng lại ở giá trị tư liệu, sử liệu, “Gánh gánh… gồng gồng” còn là một tác phẩm giàu chất văn học. Không phải hội viên Hội Nhà văn, ở tuổi xế chiều mới viết hồi ký nhưng tác phẩm của bà đã được tặng giải thưởng văn xuôi năm 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam. Lễ trao giải mới diễn ra cách đây một tuần lễ.

Tôi không thích những nhà văn viết người tốt việc tốt. Vì đó là công việc của nhà báo. Nhưng tôi rất thích những trang viết về người thật việc thật của tác giả “Gánh gánh… gồng gồng”. Những câu chuyện chân thật không hề có sự nhào nặn hay cường điệu hóa nhưng rất sinh động, nhiều khi vượt xa trí tưởng tượng và hư cấu của nhà văn. “Gánh gánh… gồng gồng” là một cuốn sách đáng đọc.

Đọc để hiểu biết hơn về đất nước vất vả đau thương ở nhiều chiều kích khác nhau. Đọc để biết thêm, hiểu thêm về tình bạn vĩ đại, cảm động, về tình yêu quê hương và gia đình. Đọc để hiểu sâu sắc hơn về sự bao dung, về những những tấm lòng nhân hậu. Đọc để trải nghiệm và chia sẻ.

Thế hệ trẻ ngày nay, những người chưa đi qua chiến tranh, chưa nếm trải những khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp nên đọc cuốn sách này để biết ơn, để hiểu và yêu hơn đất nước của chúng ta. Đọc để “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/Mà thử hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.

Đọc “Gánh gánh… gồng gồng”, tôi gặp lại cuộc đời của nhiều thành viên trong gia đình mình đã rời Huế ra đi, tham gia kháng chiến từ tháng 2/1947 và ngày trở về sau ngày 30/4/1975.

Tôi gặp lại chính mình thời chiến tranh: những ngày đi sơ tán, học dưới hầm, nhà ở hạ xuống lòng đất gần 2 mét; những ngày đi mua gạo, xếp hàng mua thực phẩm; những ngày giáp hạt đói quay đói quắt…

Tôi gặp lại mình những ngày đầu tháng 4/1975 hành quân cấp tốc từ Nghệ An vào Sài Gòn. Tôi xuất phát trước tác giả Nguyễn Thị Xuân Phượng nhưng vào Sài Gòn chậm hơn bà một tuần lễ, là do hành quân trong đội hình lớn và do tính chất nhiệm vụ của đơn vị.

“Gánh gánh… gồng gồng” đã làm tôi thay đổi một quyết định có tính thời sự: Song song với cuộc đời làm báo, tôi đã in 11 cuốn sách, đang in cuốn thứ 12. Tôi đã nhờ cơ sở in làm giúp vài chục chiếc hộp để đựng đủ 12 cuốn và kết thúc việc làm sách ngang đây. Nhưng khi đọc xong cuốn hồi ký “Gánh gánh... gồng gồng”, tôi nghĩ quyết định này sẽ được hủy bỏ vì thấy xấu hổ với tác giả. Không lý gì mình lại bỏ cuộc khi mới chạm tuổi 70, trong khi bà Xuân Phượng ra sách, và sẽ tiếp tục viết sách ở tuổi ngoài 90.

Bài, ảnh: Thanh Tùng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phía trước là Nhân dân

Với phương châm “Giúp Nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim Bộ đội Cụ Hồ”, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh luôn là lực lượng nòng cốt, kề vai, sát cánh cùng người dân trong thiên tai, bão lũ.

Phía trước là Nhân dân
Lấy ý kiến chuyên gia về nội dung giáo trình đào tạo, tài liệu giảng dạy

Ngày 30/5, Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức chuỗi các hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về nội dung của 15 giáo trình đào tạo, tài liệu giảng dạy trình độ sơ cấp. Đây là hoạt động trong khuôn khổ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của Trường cao đẳng Du lịch Huế.

Lấy ý kiến chuyên gia về nội dung giáo trình đào tạo, tài liệu giảng dạy

TIN MỚI

Return to top