ClockThứ Ba, 24/09/2024 10:59

Tử địa Mỏ Tàu - Kỳ 2: Trận đánh then chốt

TTH - Chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu kết thúc thắng lợi. “Ta đã tiêu diệt và bắt sống 1.800 tên, diệt gọn 2 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 9 tiểu đoàn khác… thu hẹp vùng chiếm đóng của địch, phá vỡ một mảng lớn hệ thống phòng ngự của chúng ở phía tây - nam Huế”. ( trích Thừa Thiên Huế kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 1999).

Tử địa Mỏ Tàu - Kỳ 1: Dũng cảm, thay đổi tác chiến phá vỡ tuyến phòng ngự địch

Sau chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu, Quân Giải phóng (QGP) đã tạo nên thế và lực mới. Và chính từ mặt trận tây nam Huế, QGP đã táo bạo đánh tan phòng tuyến của đối phương, mở đầu và kết thúc thắng lợi chiến dịch có ý nghĩa chiến lược Huế - Đà Nẵng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào tháng 4/1975.

 Bị mất Mỏ Tàu và các vị trí xung yếu nằm trên tuyến phòng thủ tây - nam Huế, đối phương nỗ lực tái chiếm các vị trí đã lọt vào tay QGP.

Sau hơn 3 tuần giao tranh ác liệt, mãi đến cuối tháng 10/1974, Sư đoàn I QĐSG mới chiếm lại được  Mỏ Tàu và núi Bông.

Lúc đó đang là mùa mưa, việc tiếp tế lương thực cũng như vũ khí gặp nhiều trở ngại, nhưng các đơn vị của Trung đoàn 6 và Trung đoàn 271 Quân khu Trị Thiên (thay Sư đoàn 324 Quân đoàn II ) vẫn kiên cường bám trụ phối hợp với Huyện đội Hương Thủy... liên tiếp đánh trả các đợt phản kích của đối phương.

Huyện đội trưởng Hương Thủy Lê Hữu Tòng nhớ lại, khi cuộc chiến giằng co, tôi và Trung đội trưởng Trinh sát của C3 Hương Thủy Lương Đình Triển (quê Giáp Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) tìm cách lên đỉnh Mỏ Tàu khảo sát. Trên đường, chúng tôi  thấy anh em của Trung đoàn 6 hy sinh nhiều quá, có người khi chết trên lưng còn nguyên cả gùi cơm nắm không kịp chuyển đến cho đồng đội… Đến bây giờ tôi nhớ như in những giọt nước mắt của Đại đội trưởng Phạm Ngọc Tuấn (quê Hải Phòng) khi anh ôm tôi và khóc ở khu vực động Giếng, dưới chân núi Mỏ Tàu. Đó là tháng 10/1974. Lúc này Đại đội 3 (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6) của anh Phạm Ngọc Tuấn phối hợp với C1, C3 Huyện đội Hương Thủy chúng tôi đánh địch ở quanh khu vực Mỏ Tàu. Có một sự thật là khi chiến đấu binh sĩ mình ít tổn thất, nhưng lại thương vong nhiều do bị trúng pháo của đối phương!

Bị QGP liên tục tấn công nên ngày 24/11/1974, Tư lệnh Sư đoàn I QĐSG Nguyễn Văn Điềm cho phép lực lượng của Trung đoàn 3 rút khỏi núi Bông để tập trung phòng thủ Mỏ Tàu; trong khi đó Tư lệnh Quân khu I Ngô Quang Trưởng được ủy quyền đã điều Liên đoàn 15 Biệt động quân ở bắc sông Bồ vào tây - nam Huế tham chiến, hình thành thế phòng thủ mới.

Chốt giữ Mỏ Tàu ở thời điểm này có 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 54 và 1 tiểu đoàn của Liên đoàn 15 Biệt động quân.

Đến đầu tháng 12/1974 Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 quay trở lại (thay Trung đoàn 6) phối hợp với lực lượng của Trung đoàn 271 Quân khu Trị Thiên  trực tiếp đối đầu với lực lượng thiện chiến của QĐSG có máy bay và  trọng  pháo yểm trợ.

Ở mặt trận tây - nam Huế, nhiều trận đánh đẫm máu và bất phân thắng bại đã diễn ra, nhưng quân sử hầu như không đề cập đến, đặc biệt là tử địa Mỏ Tàu - nơi QĐSG huy động sức mạnh hỏa lực bằng mọi giá cố giữ cho bằng được.

Hè năm nay tôi đã trở lại Mỏ Tàu. Ngót nửa thế kỷ trôi qua, vùng chiến địa xưa không còn dấu tích nhưng xương cốt hoặc những nấm mồ hoang thỉnh thoảng lại phát lộ trong các hốc đá, hẻm núi hoặc trên ngọn đồi không tên dày đặc hố bom, hố pháo... Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Võ Nguyên Quảng nhớ lại, khi còn làm Chủ tịch UBND huyện Hương Phú ông đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm chiến khu Dương Hòa và Đại tướng đã nhận xét về Mỏ Tàu như sau: “Đây là cao điểm không lớn, nhưng địa thế quân sự thì rất quan trọng về chiến lược”.

Thuật những điều vừa trải qua, bất ngờ tôi được nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn nhắc lại lời của cố Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng: “Đánh Mỏ Tàu anh em E 271 hy sinh nhiều lắm, số sống sót phần lớn ù tai vì  bị chấn động bởi tiếng bom, tiếng pháo”!

Trung đoàn 271 (E 271) mà cố Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng nhắc đến là đơn vị chủ lực trực  thuộc Quân khu Trị Thiên.

Hè 1974, từ Quảng Trị, E 271 được điều vào mặt trận tây - nam Huế và chiến đấu ở đây cho đến khi kết thúc chiến tranh. Trung đoàn vinh dự khi có tới 3 vị được phong Trung tướng: Lê Văn Hân, Nguyễn Nam Điền, Lê Văn Long và 4 vị được phong Thiếu tướng: Cao Lương Bằng, Nguyễn Xuân Sang, Nguyễn Đình Minh, Phạm Đắc Dương.

Sơ lược lịch sử Trung đoàn 271 chỉ cho biết: “Tiểu đoàn 9 chốt giữ các cao điểm: Đồi Hải, Đồi Giếng, O Cúc, O Dễ, Mỏ Tàu. Nơi đây đã diễn ra những trận đánh phản kích, tập kích ác liệt!” và nhấn mạnh “ Lúc đến đồi còn xanh nhưng vài tháng sau đã biến thành đồi đỏ chủ yếu vì bom và các loại đạn pháo đội xuống”!...

Ông Bùi Ngọc Soa (hiện sống ở Kỳ Xuân, Kỳ Anh - Hà Tĩnh) năm 1974 là Trung đội phó thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 khẳng định đơn vị ông chiếm được Mỏ Tàu mấy ngày, nhưng sau đó bị binh sĩ của Trung đoàn 54 và Liên đoàn Biệt động quân chiếm lại. Ông Soa xác định “Đánh ở Mỏ Tàu, K7 (tức Tiểu đoàn 7) hy sinh nhiều nhưng thật tình mình không biết là bao nhiêu, song số anh em sống sót còn rất ít!”.

(Còn nữa)

Kỳ 3: Mỏ Tàu xứng đáng là di tích lịch sử cách mạng

Phạm Hữu Thu
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhớ về trận đánh căn cứ thôn 8

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tá Phạm Văn Hóa (nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu IV, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Huế) đã nhiều lần vào sinh ra tử. Điều ông không bao giờ quên là sự hy sinh cao cả của một chiến sĩ y tá đơn vị khi chưa đầy 19 tuổi - trong một trận đánh ác liệt vào đầu năm 1969 tại căn cứ thôn 8, Cửa Việt (Quảng Trị) - nơi có "Hàng rào điện tử Mắc Namara" để bảo vệ đồng đội.

Nhớ về trận đánh căn cứ thôn 8
Ý thức là yếu tố then chốt

An toàn giao thông (ATGT) là mong muốn không chỉ của mỗi người tham gia giao thông mà còn là nỗi trăn trở

Ý thức là yếu tố then chốt

TIN MỚI

Return to top