ClockThứ Ba, 29/03/2022 14:10

Điện ảnh cần chính sách đột phá để thành ngành ‘công nghiệp’

Phát biểu thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sáng 29/3 tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều ý kiến đã đề nghị quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đối với hoạt động điện ảnh cần có chính sách đột phá hơn để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh.

Thông qua Pháp lệnh về đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộcNhững chủ đề bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu ÂuTổ chức hội nghị thảo luận về 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Góp ý về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách đề nghị cần có các chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh nên quy định tại một điều. 

Một số ý kiến đề nghị cần quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh cần có chính sách đột phá để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số chính sách cụ thể. 

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, trong dự thảo Luật trình lần này khi xem tất cả các điều khoản vẫn chưa thấy thể hiện rõ nét về vấn đề này. Trong dự thảo luật ngoại trừ Khoản 1, Điều 5 có quy định là “Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế”, nhưng phần còn lại chủ yếu là cho các lĩnh vực về phát triển điện ảnh.

“Tôi tìm trong các điều khoản chưa thấy sự gắn kết và mối tương quan giữa điện ảnh và phát triển kinh tế”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nêu ý kiến.

Nhiều đại biểu cho rằng trong dự thảo chưa làm rõ những vấn đề này, từ kinh nghiệm áp dụng pháp luật trong thực tiễn thì việc quy định chung chung như vậy “rất khó để đi vào cuộc sống” và đề nghị Ban soạn thảo cần phải quan tâm vấn đề này để có cách áp dụng trong thực tiễn.

Dẫn việc dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định, sản xuất phim, thực hiện kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam đầu tư theo đặt hàng cơ bản có nhiều điểm sáng.

Tuy nhiên, hầu hết các bộ phim thu hút được sự quan tâm của công chúng, những bộ phim kinh điển, những bộ phim có nhiều tiếng vang thì thường bắt đầu từ những kịch bản hay mới có sản xuất tốt. Nên chất lượng kịch bản được nhiều người quan tâm.

“Tuy nhiên đến bao giờ chúng ta mới giải quyết được bài toán thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry đặt câu hỏi.

Tiếp thu ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng quy định nguyên tắc về đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; rà soát và chỉnh lý, bổ sung thêm một số chính sách theo ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan; gộp điều 5 và điều 6, quy định chung chính sách về điện ảnh và công nghiệp điện ảnh trong điều 5 của dự thảo Luật; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách Nhà nước và hiệu quả, linh hoạt trong triển khai thực hiện; đồng thời lược bỏ một số quy định trùng lặp về công tác quản lý nhà nước đã được quy định ở Điều 45 Luật này. 

Cũng tại hội nghị, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường quay hiện đại gắn với du lịch, giải trí. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng: Việc xây dựng trường quay hiện đại cung cấp dịch vụ sản xuất phim rất quan trọng, cần kinh phí lớn, tuy nhiên, trong tình hình hiện nay rất khó thu hút, huy động nguồn lực xã hội. 

Để bảo đảm khai thác tối đa hiệu quả đầu tư các trường quay, cần có cơ chế gắn kết trường quay với các hoạt động du lịch, giải trí. Do vậy, quy định như dự thảo Luật cho phép Nhà nước có thể đầu tư, hoặc hỗ trợ xây dựng trường quay. 

Có ý kiến đề nghị cụ thể hóa các chính sách Nhà nước ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai. Một số ý kiến đề nghị có chính sách giảm giá, miễn thuế hoặc ưu đãi đối với đối tác nhập khẩu phim Việt Nam, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy việc quy định rõ ưu đãi đối với phát triển điện ảnh sẽ tạo thuận lợi để bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nhằm thống nhất chủ trương, chính sách phát triển điện ảnh. 

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc quy định cụ thể các chính sách ưu đãi là chưa phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời chưa đúng với tinh thần “hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các quy định về thuế và chính sách miễn, giảm, 3 giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế”. Do đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tiếp thu các ý kiến đại biểu nêu.

Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh (Điều 8), có ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định về các hình thức đầu tư hẹp hơn pháp luật về đầu tư.

Có ý kiến đề nghị làm rõ việc quy định phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% khi hợp tác đầu tư với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Có ý kiến đề nghị làm rõ 51% vốn điều lệ là thuộc vốn điều lệ của tổ chức kinh tế hay vốn điều lệ đối với 1 bộ phim. Có ý kiến cho rằng phần góp vốn của nhà đầu tư nên cao hơn 51% vốn điều lệ để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. 

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật đầu tư. Vốn điều lệ quy định trong dự thảo Luật là vốn điều lệ của tổ chức kinh tế. Tỷ lệ đầu tư trong lĩnh vực điện ảnh tuân thủ các cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành dịch vụ vừa đáp ứng nhu cầu giải trí vừa là công cụ có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục và quảng bá hình ảnh đất nước.

Phát biểu giải trình thêm tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng mong muốn có được kịch bản toàn diện như phương án của cơ quan soạn thảo trình.

"Nếu chúng ta không nắm kịch bản tổng thể mà chỉ nắm phân khúc ở Việt Nam, thì sau này liên quan vấn đề an ninh chính trị, quốc phòng, an ninh, ai sẽ chịu trách nhiệm?", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Ban soạn thảo và đơn vị thẩm tra xin tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội và sẽ hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top