ClockChủ Nhật, 09/08/2020 20:56

Bịt ngay những lỗ hổng, lỗ rò COVID-19

TTH - Thực tế đã có xe và người từ Đà Nẵng ra Huế nhưng không bị chặn lại bởi những chốt kiểm soát y tế, trong thời gian mà hàng rào kiểm dịch mới hoạt động trở lại.

BN 651 tử vong vì viêm phổi, suy hô hấp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường type 2 và COVID-19Xử phạt 1 người phụ nữ đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID - 19Thêm 41 ca mắc COVID-19, Việt Nam có 713 bệnh nhân

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 sáng 2/8, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phan Ngọc Thọ, đã cảnh báo về những diễn biến dịch tễ phức tạp. Đã xuất hiện một số ca nghi nhiễm COVID-19, mặc dù kết quả cuối cùng là âm tính, nhưng qua đó đã cho thấy một số lỗ hổng trong việc khai báo y tế. Lỗ hổng đó là tình trạng những cá nhân đi về từ vùng dịch vẫn chưa khai báo hoặc chậm khai báo y tế. Quan sát diễn biến thực tế những ngày qua, chúng tôi còn nhận thấy không chỉ có lỗ hổng này mà còn có những lỗ rò khác, cần phải bịt ngay, để hàng rào chống dịch thật sự hiệu quả.

Người từ vùng dịch trở về tức là có nguy cơ mang theo mầm bệnh, nếu không chủ động khai báo y tế, thì mầm bệnh có thể lây lan âm thầm trong cộng đồng, tạo thành một “quả bom nổ chậm” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Nhưng khai báo rồi mà cơ quan y tế vẫn chậm xử lý, đối tượng cần phải xét nghiệm mà chờ nhiều ngày vẫn chưa được xét nghiệm để kịp thời cách ly tập trung (nếu có kết quả dương tính), thì đó cũng là một lỗ hổng rất nguy hiểm. Có trường hợp người về từ vùng dịch đã kịp thời khai báo y tế, tự giác cách ly tại nhà, nhưng phải đến tận trạm y tế để làm xét nghiệm, đi qua nhiều khu dân cư, thì cách ly vẫn chưa thể triệt để.

Thực tế đã có xe và người từ Đà Nẵng ra Huế nhưng không bị chặn lại bởi những chốt kiểm soát y tế, trong thời gian mà hàng rào kiểm dịch mới hoạt động trở lại. Và trước đó, trong suốt tháng 7, nhất là những ngày cuối tháng, khi bệnh dịch vừa tái bùng phát ở Đà Nẵng, người dân hai địa phương và du khách đã đi lại liên tục suốt ngày đêm. Điều đó cho thấy, nhiều khả năng mầm bệnh từ vùng dịch sát cạnh đã xâm nhập vào cộng đồng Thừa Thiên Huế. Vì vậy, việc truy tìm để phát hiện triệt để và cách ly kịp thời là yêu cầu cấp thiết trong phòng chống dịch hiện nay.

Chỉ một phút xao nhãng nhiệm vụ, để các chốt kiểm soát không người kiểm tra, là mọi nỗ lực ngăn chặn bệnh dịch sẽ thành công cốc.

Đến thời điểm này, việc cách ly người về từ vùng dịch đã được thực hiện ráo riết. Bước vào ngày đầu tiên của tuần lễ này, giai đoạn quan trọng được xem là “thời gian vàng” để phòng chống dịch bệnh, tỉnh đã tổ chức cách ly tập trung 1.514 trường hợp, cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú gần 9.800 trường hợp (tính đến ngày 4/8). Cách ly là biện pháp cần thiết, nhưng nguy cơ lây nhiễm chéo tại khu cách ly cũng là một lỗ hổng cần phải xử lý. Vì điều kiện của các khu cách ly tập trung hiện nay đều mang tính dã chiến, sinh hoạt chung đụng trong không gian chật hẹp, chỉ cần một người mang mầm bệnh là có thể lây cho nhiều người. Vì vậy, cần phải mở rộng thêm các khu cách ly theo yêu cầu, đó là các khách sạn, resort hiện đang vắng khách. Thực tế đang có nhiều người ở các khu cách ly mong muốn được trả chi phí cho dịch vụ này. Đây là cách mà chúng ta đã làm rất hiệu quả trong đợt dịch đầu năm.

Đã có hàng ngàn người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nước ta, cho thấy có lỗ rò rất nguy hiểm từ biên giới. Lực lượng biên phòng đang quyết liệt tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới để kịp thời bịt lại những lỗ rò này. Nếu những lỗ rò này không được bịt kín kịp thời, thì nó sẽ trở thành những lỗ hổng, khiến cho cuộc nỗ lực chống dịch của cả quốc gia trở nên vô hiệu.

Những lỗ hổng trong việc kiểm soát người từ vùng dịch trong nước đã được nhìn thấy và kịp thời bịt kín, nhưng những lỗ rò rỉ vẫn là một tồn tại âm ỉ. Lúc này, vùng có dịch không chỉ là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, mà người đến từ các địa phương đã phát hiện bệnh nhân COVID-19 (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Hà Nam, Thái Bình, Đồng Nai) cũng cần phải nâng mức kiểm soát.

Nền kinh tế vẫn vận hành vì cuộc sống vẫn tiếp diễn, nên không thể “ngăn sông cấm chợ” mà buộc phải “sống chung bình thường với dịch bệnh”. Vì vậy, cần phải chủ động bịt hết những lỗ hổng, lỗ rò của hàng rào phòng chống bệnh dịch COVID-19. Hàng rào đó không chỉ dựng lên ở các ngã đường cửa ngõ, mà phải dựng lên trong cộng đồng, và quan trọng nhất là trong ý thức của mỗi người.

MINH DÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19

Hãng tin CNBC ngày 3/9 đưa tin, theo kết quả của một loạt nghiên cứu được Tạp chí Journal of the American College of Cardiology (JACC) - tờ tạp chí tim mạch uy tín nhất của Mỹ thực hiện, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người sử dụng thuốc giảm cân Ozempic và Wegovy ít đối diện với nguy cơ tử vong vì COVID-19 hoặc bị tác dụng phụ từ loại virus này.

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19
WHO cảnh báo sự quay trở lại đáng lo ngại của COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7/8 đã lên tiếng cảnh báo khi các ca nhiễm COVID-19 đang tăng vọt trên toàn thế giới - bao gồm cả ở Thế vận hội Paris đang diễn ra, và gần như khó có thể suy giảm trong thời gian tới. Cơ quan này cũng lo ngại rằng các biến thể nghiêm trọng hơn của virus SARS-CoV-2 có thể sẽ sớm xuất hiện và lây lan.

WHO cảnh báo sự quay trở lại đáng lo ngại của COVID-19
Giúp 1.000 nữ nông dân nghèo phục hồi, phát triển sinh kế bền vững

Ngày 20/7, Hội Chữ Thập đỏ (HCTĐ) tỉnh, tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn tại Thừa Thiên Huế". Tham dự có bà Caroline Rachel Beresford, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam.

Giúp 1 000 nữ nông dân nghèo phục hồi, phát triển sinh kế bền vững

TIN MỚI

Return to top