ClockThứ Hai, 23/12/2024 06:03

Không phải “gồng mình” thưởng tết

TTH - Những tín hiệu khả quan trong hoạt động kinh doanh từ đầu năm giúp nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may không phải “gồng mình” để thưởng tết cho người lao động như từng xảy ra ở một số năm trước.

Yêu thương từ chợ “Tết nhân ái”Lương tăng, thưởng chưa tăngTrao gửi yêu thương cho mùa Tết đủ đầy Lao động tự do tất bật ngày cuối nămThưởng tết để giữ chân người lao động

Công nhân Công ty CP Da Giầy Huế trong lao động sản xuất 

Thay vì tan ca lúc 16h30 như thường lệ, vài tháng gần đây, chị Châu Thị Ánh, công nhân Công ty TNHH Sơn Hà Huế đã chọn tăng ca và thường trở về nhà vào lúc 19h. Bù lại, thu nhập của chị tăng thêm gần 3 triệu đồng mỗi tháng. Chị Ánh chia sẻ, năm nay công ty có nhiều đơn hàng nên công nhân yên tâm làm việc, không còn cảnh lo lắng thiếu việc như trước.

“Tình hình sản xuất của công ty tốt hơn, công nhân phải tăng ca để kịp đơn hàng tết nên tôi rất mong thưởng tết năm nay cao hơn năm ngoái”, chị Ánh kỳ vọng.

Theo bà Lại Thị Tây Phương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Sơn Hà Huế, từ đầu năm đến nay, đơn hàng công ty luôn dồi dào, hiện tại công ty đã có đơn hàng đến hết tháng 6 năm 2025. Không chỉ đơn hàng tăng, công ty còn ký được những đơn hàng giá cao nên tình hình sản xuất có những khởi sắc. Nhờ vậy, việc lo kinh phí thưởng tết cho người lao động cũng đỡ vất vả hơn so với 3 năm trở lại đây.

Câu chuyện tại Công ty TNHH Sơn Hà Huế cũng là tình hình chung của nhiều công ty xuất khẩu hàng dệt may trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Hồng Long, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Phú Hòa An phân tích: Do đặc thù DN phải sử dụng nhiều lao động, nên dù việc thưởng tết không bắt buộc theo luật, nhưng để tri ân và giữ chân người lao động, năm nào công ty cũng chú trọng quan tâm việc thưởng tết cho người lao động. Ít nhất là một tháng lương thứ 13.

Theo ông Long, 2 năm qua, do ảnh hưởng của lạm phát, để duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, công ty buộc phải nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, thậm chí có những đơn hàng với biên độ lợi nhuận rất thấp, gần như không có. Năm ngoái, để có thể thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động, công ty đã phải xoay xở, bù đắp từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, năm nay tình hình sản xuất, kinh doanh có phần khởi sắc, nên DN không còn phải quá chật vật, gồng mình để lo thưởng tết. Ông Long cho biết, mức thưởng tết năm nay dự kiến sẽ cao hơn so với năm ngoái.

Thực tế, thưởng tết không phải là quy định bắt buộc mà căn cứ theo tình hình hoạt động kinh doanh của DN và chỉ số hiệu quả, năng suất lao động, mức độ hoàn thành công việc của nhân viên trong năm mà DN có thể xây dựng quy chế nội bộ về chế độ thưởng tết. Mức thưởng tết sẽ do DN tự quyết định.

Theo ông Nguyễn Xuân Tịnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Da Giầy Huế, trong quá trình trưởng thành, phát triển của mỗi DN, người lao động chính là nguồn lực sản xuất, là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng tới DN. Người lao động cũng là một động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho DN.

Trong khi đó, thu nhập là yếu tố quan trọng nhất để thu hút và giữ chân người lao động. Vì vậy, dù đạt hay không đạt doanh thu, DN vẫn nỗ lực để thưởng ít nhất một tháng lương thứ 13 và một suất quà tết cho người lao động. “Thưởng tết trở thành văn hóa của DN, vừa để tạo động lực, giữ chân người lao động vừa để thể hiện trách nhiệm của DN”, ông Tịnh cho biết.

Không chỉ thưởng tết, nhiều DN xuất khẩu cũng đã chuẩn bị các phương án đưa, đón người lao động về quê và quay trở lại làm việc sau tết để đảm bảo ổn định sản xuất thời điểm đầu năm mới.

Theo ông Hoàng Trọng Lam, Trưởng ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động tỉnh, qua nắm bắt cho thấy, kể từ sau dịch COVID -19, tình hình lao động sản xuất đã dần ổn định hơn. "Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình và ghi nhận, trong năm nay, tỷ lệ DN báo cáo khó khăn trong việc thưởng tết đã giảm. Nhiều DN đã chuẩn bị sớm và thông báo kế hoạch thưởng tết cho người lao động, dao động trung bình từ 1 tháng lương thứ 13 trở lên”, ông Lam cho biết.

Đồng hành cùng DN, các cấp công đoàn cũng đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo tết cho đoàn viên, người lao động như tổ chức chợ tết công đoàn, tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, ưu tiên đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mất việc làm, lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi.

Bài, ảnh: TUẤN KHOA
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Vất vả mưu sinh, gồng mình chống nóng

Do đặc thù công việc, nhiều lao động phải làm việc ngoài trời thường xuyên khi nhiệt độ thời tiết tăng cao. Ngoài kỹ năng phòng bị cho bản thân, các chuyên gia y tế khuyến cáo một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cần thiết cho nhóm đối tượng này.

Vất vả mưu sinh, gồng mình chống nóng
Quà tết dành cha mẹ

Từ nay em nghĩ “thoáng” rồi. Tết lo ít thôi, để còn du xuân, thong dong đây đó. Năm nay cả nhà đi du lịch một chuyến dịp tết.

Quà tết dành cha mẹ
Chỉ dấu thưởng Tết

Thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp đã công bố phương án và bắt đầu chi thưởng tết cho người lao động.

Chỉ dấu thưởng Tết

TIN MỚI

Return to top