ClockThứ Ba, 26/03/2019 06:30
KỶ NIỆM 44 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ (26/3/1975 - 26/3/2019); 88 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 - 26/3/2019)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo chiến dịch Trị Thiên - Huế

TTH - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những dự đoán nhạy bén và chỉ đạo sáng suốt, kịp thời trong cả quá trình chiến dịch Trị Thiên -Huế diễn ra và thắng lợi.

24 giờ bảo vệ Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng

Người dân Huế chào đón Quân Giải phóng (Ảnh tư liệu)

Nhạy bén và sáng suốt

Từ tháng 10/1974, Quân ủy Trung ương đã triệu tập Thường vụ Quân khu ủy Trị - Thiên ra Hà Nội báo cáo tình hình và nhận nhiệm vụ chiến đấu năm 1975. Giao nhiệm vụ cho Quân khu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: “Phải đánh bại về cơ bản kế hoạch “bình định” của địch, tạo ra ở Trị - Thiên một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để chuẩn bị cho năm 1976 giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế”.

Ngày 28/2/1975, đồng chí Thanh Quảng, thay mặt Quân khu Trị - Thiên và đồng chí Hoàng Đan, thay mặt Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 ra Hà Nội báo cáo tình hình với Đại tướng Tổng Tư lệnh và nhận nhiệm vụ. Cùng họp có Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn (Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã vào chỉ huy mặt trận Tây Nguyên) và Cục trưởng Cục tác chiến Lê Hữu Đức. Nghe báo cáo xong, Đại tướng hỏi ngay: “Thế nếu thời cơ thuận lợi, các đồng chí đã có kế hoạch phát triển tiến công giải phóng Trị - Thiên - Huế chưa?” và chỉ đạo: “Các đồng chí phải lập ngay một kế hoạch phát triển tiến công khi thời cơ thuận lợi, mà mục tiêu của nó là giải phóng Trị - Thiên - Huế”.

Dù chuẩn bị rất gấp nhưng Đại tướng và Bộ Tổng tham mưu quyết định Quân khu Trị - Thiên nổ súng ngày 5/3 và chỉ đồng ý cho Quân đoàn 2 thêm hai ngày chuẩn bị để nổ súng sau đó. Ngày 3/3, Đại tướng gọi gấp hai đồng chí Thanh Quảng và Hoàng Đan quay lại gặp mình một lần nữa, ngay trước khi máy bay chở hai đồng chí cất cánh về Đồng Hới, để nhấn mạnh thêm quyết tâm: “Nhớ rằng chiến dịch này không như các chiến dịch khác… Phải tích cực sáng tạo thời cơ và sẵn sàng chớp thời cơ tiến lên giành thắng lợi lớn, kể cả giải phóng Huế”.

Mọi diễn biến thực tế của chiến dịch Trị - Thiên - Huế đã diễn ra theo đúng như những dự đoán chiến dịch nhạy cảm và tầm nhìn chiến lược bao quát của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kịp thời và kiên quyết

Từ đêm 15/3, khi Cục Quân báo phát hiện địch chuyển và thay quân, đưa lực lượng mạnh từ phía Bắc về Đà Nẵng và lực lượng từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định được những dự đoán của mình về khả năng phát triển tiến công rất lớn từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột. Kế hoạch (giải phóng miền Nam) hai năm có thể rút ngắn và có thể giải phóng miền Nam sớm hơn. Trước mắt có thể mở cuộc tiến công giải phóng Huế và toàn bộ hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên.

Ngày 17/3/1975, sau khi nghe báo cáo những diễn biến mới nhất từ mặt trận và ý đồ rút quân ở Tây Nguyên, co cụm chiến lược của địch, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Quân khu Trị - Thiên và Khu 5 đưa ngay lực lượng xuống đồng bằng với quy mô trung đoàn, phối hợp với lực lượng địa phương và Nhân dân cắt đứt đường số 1, chuẩn bị tiến công Đà Nẵng. Sáng hôm sau, nhận tin báo sư đoàn dù của địch ở Đà Nẵng đang rút về Sài Gòn có hiện tượng địch muốn bỏ từ phía Bắc Huế đến đèo Hải Vân, Đại tướng đã hội ý nhanh với Bộ Tổng tham mưu và chỉ đạo bộ đội lập tức đánh ngay, pháo kích sân bay Phú Bài, cắt đường số 1, kiên quyết không cho địch rút quân co cụm về Đà Nẵng.

Trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình, Đại tướng đã hủy kế hoạch vào Vĩnh Linh và điện ngay cho Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2: “Đã có khả năng chuyển sang kế hoạch thời cơ (giải phóng toàn bộ Quảng Trị, Thừa Thiên và TP. Huế), tổ chức thực hiện giải phóng Huế. Tình hình phát triển khá nhanh và thời cơ lớn đang đến sớm hơn ta dự kiến… Trị - Thiên cần đẩy mạnh tiến công của chủ lực từ phía tây, thực hành chia cắt chiến lược giữa Huế - Đà Nẵng”, đồng thời Đại tướng chuẩn y kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu, ra chỉ thị tổ chức những trận địa pháo tầm xa khống chế đường số 1 từ Trị - Thiên trở vào.

Tại cuộc họp ngày18/3, Bộ Chính trị đã nghe tổng hợp các báo cáo chiến trường, phân tích rõ tình thế địch - ta và ra quyết định rất kịp thời: Hạ quyết tâm chuyển cuộc Tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975 - 1976) ngay trong năm 1975. Trước mắt, nhanh chóng tiến công tiêu diệt bằng được toàn bộ lực lượng địch trong Vùng 1 chiến thuật, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, giải phóng Huế - Đà Nẵng, giao nhiệm vụ này cho Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu thực hiện.

Ngày 22/3, đồng chí Lê Tự Đồng, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên và đồng chí Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn 2 báo cáo: Đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 của địch, đường số 1 đã bị cắt giữa Huế và Đà Nẵng, pháo tầm xa bắt đầu bắn phá sân bay Phú Bài. Quân ủy Trung ương điện tối khẩn cho đồng chí Nguyễn Hữu An: “Quân đoàn điều ngay lực lượng ra bịt cửa Thuận. Ký tên: Văn”. Mệnh lệnh được thi hành ngay tức khắc. Hàng chục ngàn quân cùng nhiều phương tiện cơ giới của địch nhanh chóng hỗn loạn. Triệu chứng tan rã lớn trong lực lượng địch ở Thừa Thiên - Huế đã xuất hiện. Báo cáo của Cục tác chiến đẩy những mũi tên đỏ trên bản đồ tiến sát Huế. Số phận quân địch ở Trị - Thiên Huế đã được định đoạt. Những ngày này Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở luôn tại Tổng hành dinh, tranh thủ chợp mắt trên chiếc giường con được các đồng chí cần vụ kê thêm, dù nhà riêng chỉ cách vài trăm mét.

Chiều 24/3/1975, Bộ Chính trị họp và ra quyết nghị giải phóng Sài Gòn trong tháng 5, trước mắt tập trung tiến công giải phóng Đà Nẵng. Chỉ vài giờ sau khi hội nghị kết thúc, Cục tác chiến báo tin: Bộ đội đã tiến công vào tới nội thành Huế. Sáng 26/3/1975, cờ cách mạng đã bay trên đỉnh cột cờ trước Ngọ Môn. Quân ủy Trung ương gửi điện khen bộ đội Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2: “Việc đánh chiếm và giải phóng TP. Huế và tỉnh Thừa Thiên là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Chiến công đó làm cho Nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước mới hết sức nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước ta”.

 TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoa nở trên chiến trường xưa

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) năm 1954, Điện Biên bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Từ chỗ là chiến trường đổ nát, hoang tàn, bằng nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh dựng xây, phát triển, ĐBP hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ, từng bước phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - xã hội (KT-XH) của khu vực Tây Bắc.

Hoa nở trên chiến trường xưa
Nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành thắng lợi chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đặt một dấu son trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Học giả Anh: Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tác động sâu sắc tới toàn thế giới

Theo ông Kyril Whittaker, nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị Việt Nam và đảng viên Đảng Cộng sản Anh, chiến thắng Điện Biên Phủ mang tính đột phá không chỉ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do từ tay chủ nghĩa thực dân và đế quốc mà còn đối với các phong trào giải phóng ở Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.

Học giả Anh Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tác động sâu sắc tới toàn thế giới

TIN MỚI

Return to top