Gặp chúng tôi tại Bệnh viện Trung ương Huế, bà Nguyễn Thị Sinh (mẹ của ông Hiệu) kể lại: Vào ngày 16/3/2013, trong lúc con bà làm việc tại công trường ký túc xá một trường học do ông Hào đảm nhận thi công thì bị ngã từ trên be (cao khoảng 4m) xuống nền xi măng bê tông bị gãy đốt sống lưng và bị xây xát, phải cấp cứu. Theo chẩn đoán, con bà bị thương khá nặng và có khả năng bị liệt 2 chân. Quá trình điều trị hết 35 triệu đồng (chưa kể tiền ăn, tiền thăm nuôi); trong đó, bảo hiểm y tế chi trả 12 triệu đồng, số còn lại gia đình bà phải chi trả. Sau gần 2 tháng, con bà được xuất viện. Tuy nhiên, do vết thương bị hoại tử, con bà nhập viện trở lại. Từ ngày nhập viện lần 2, gia đình bà phải đóng viện phí trên 5 triệu đồng nữa và số tiền chưa dừng lại ở đó. Trong khi đó, phía sử dụng lao động là ông Hào, ngoài tiền chụp phim, chụp CT Scanner lúc mới nhập viện, ông Hào chỉ hỗ trợ thêm 5 triệu đồng. Bà cho rằng, con bà làm việc với ông Hào đã hơn 3 năm, làm việc tại công trình này cũng được hơn 1 tháng, nhưng khi con bà bị tai nạn, ông Hào lại rũ bỏ trách nhiệm...
|
Bà Sinh chăm sóc con đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế
|
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, công trình ký túc xá trường học này do Xí nghiệp Xây lắp 6 (Công ty cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế) thi công. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Mạnh Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp 6 cho biết, ông Hào được Xí nghiệp Xây lắp 6 hợp đồng thi công các công trình. Trong đó, ông Hào chịu trách nhiệm về nhân lực. Tất cả những công nhân làm việc tại các công trình, ông Hào phải gửi danh sách đăng ký lên để Xí nghiệp mua bảo hiểm tai nạn lao động. Riêng tại công trình này, trong danh sách 29 người mà ông Hào gửi lên Xí nghiệp không có ai tên là Phan Văn Hiệu (do Hiệu mới vào làm). Do đó, khi xảy ra tai nạn, ông Hào hoàn toàn phải chịu trách nhiệm chi trả viện phí và hỗ trợ về sau. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra tại công trình do Xí nghiệp thi công nên khi biết tin xí nghiệp thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình ông Hiệu.
Khoản 2, điều 107 Bộ luật Lao động quy định: Người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ bảo hiểm xã hội.
|
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lục, Chuyên viên phòng Tổ chức hành chính Công ty Cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế cho biết, do ông Hiệu không có tên trong danh sách bảo hiểm tai nạn của công ty mà là lao động do ông Hào thuê nên ông Hào phải chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ viện phí. Nếu ông Hào không thực hiện nghĩa vụ của mình, công ty sẽ có chế tài đối với ông Hào. Hiện nay, công ty đã giao cho xí nghiệp lập đoàn kiểm tra để điều tra vụ ông Hiệu bị tai nạn lao động và sẽ có kết luận trong thời gian tới. Nếu lỗi thuộc về người sử dụng lao động thì ông Hào phải bồi thường. Nếu lỗi thuộc về người lao động, ông Hào cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ.
Bà Sinh cho biết thêm, hiện nay, gia đình bà lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nguồn thu chính của gia đình là làm ruộng và làm thuê. Trong khi đó, số tiền chữa trị cho con là quá lớn, gia đình không thể kham nổi. Bà mong được phía sử dụng lao động hỗ trợ để gia đình bà vượt qua khó khăn này. Mong muốn của bà Sinh cũng như gia đình là chính đáng, cần được người sử dụng lao động quan tâm xem xét, giải quyết, tránh thiệt thòi cho người lao động.