ClockThứ Tư, 03/05/2017 13:57

“Nhàn cư” tất sinh “bất thiện”

TTH - Bị cáo trình bày, thời gian ở trại giáo dưỡng bị cáo tham gia nuôi heo, gà. Về nhà, cha mẹ không chăn nuôi, bị cáo rảnh rỗi, lại không có tiền tiêu nên đi ăn trộm. Vị hội thẩm nhân dân nói với mẹ bị cáo: “Chị nhớ lời con chị. Tôi nghĩ đó là những lời thành thật. Chị nên để cháu lao động, chứ không phải hằng ngày cứ cho cháu tiền...”.

Hai bị cáo bị TAND TP. Huế xét xử về tội “trộm cắp tài sản”. Bị cáo V. hạn chế về năng lực hành vi. Bị cáo S. ở tuổi chưa thành niên. Vậy nên, cả hai đều có cha mẹ làm người đại diện và có người trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Theo cáo trạng và lời khai của các bị cáo, do thiếu tiền để chơi điện tử, uống cà phê, V. rủ S. xem có ai sơ hở, trộm tài sản bán lấy tiền tiêu. S đồng ý. Nửa đêm, cả hai đột nhập vào một cửa hàng bán áo quần trên địa bàn TP. Huế, lấy cắp một số áo quần, tổng trị giá 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, mới ra khỏi cửa hàng 200 mét, cả hai bị phát hiện, bắt giữ.

Phần kiểm tra về nhân thân, bị cáo V. không nhớ hết những lần bị công an phạt hành chính về hành vi trộm cắp. Thẩm phán chủ tọa công bố lần nào, bị cáo lại “dạ đúng”. Mẹ của V. lam lũ, khổ sở, bởi trước vành móng ngựa là đứa con trai. Bên cạnh chị là người chồng bệnh tật. Mẹ V. trình bày, do chồng bệnh triền miên, nên chị là lao động chính, nuôi chồng và hai đứa con. Từ nhỏ V. “ngơ ngơ”, bị tâm thần nhẹ, chỉ học đến lớp 5 rồi nghỉ. V. không làm được gì nên mỗi ngày chị cho con tiền uống cà phê, coi như đó là cách “buộc chân” con không la cà đến những nơi khác. “Tui nhịn ăn, nhịn tiêu cực khổ mấy cũng chắt bóp cho hắn mỗi ngày 20 nghìn đồng. Mỗi lần đưa tiền tui đều dặn hắn kỹ càng, uống cà phê thôi, không được đi mô. Mỗi lần hắn đi chơi về khuya, tui “xốp phổi” lắm, nhưng biết tìm hắn ở mô. Bạn bè hắn tui cũng không biết”- Mẹ V. phân trần.

Tòa hỏi V. có 2 năm ở trong trại giáo dưỡng phải không? V. “dạ”. Trả lời câu hỏi của tòa, vào trại giáo dưỡng có thấy khổ không. V. đáp vào đó khổ, nhưng V. cũng tham gia nuôi heo, gà. Tòa lại hỏi, vậy tại sao khi trở về với gia đình, bị cáo lại không lo nuôi heo, gà mà lại đi la cà, trộm cắp. V. trình bày, ở nhà cha mẹ không chăn nuôi. Không có việc gì làm nên bị cáo ra đường chơi. Vị hội thẩm nói với mẹ bị cáo V.: “Chị nhớ lời con chị. Tôi nghĩ đó là những lời thành thật. Chị nên để cháu lao động, chứ không phải hằng ngày cứ cho cháu tiền. Bị cáo V. hạn chế suy nghĩ, nhưng vẫn lao động tốt. Chị phải cố gắng để cháu lao động, cháu mới không có thời gian rảnh rỗi để la cà, lêu lổng sinh ra chứng này tật nọ. Chị không thể cho cháu tiền như vậy suốt đời được. Đến lúc chị ốm đau bệnh tật hay già cả thì tiền đâu mà cho. Rồi lúc đó sự thể sẽ ra sao?”.

Quay qua S. (bị cáo vị thành niên), tòa hỏi bị cáo lấy tiền đâu ra mà ngày nào cũng đi chơi điện tử. S. trả lời, ngày nào cũng được mẹ cho 10 nghìn đồng. Chơi hết số tiền mẹ cho, thiếu nên bị cáo mới nghe lời V. đi ăn trộm. Tòa: “Bị cáo có biết gia đình mình thuộc hộ nghèo không, có biết cha mẹ mình cực khổ không”? S. lí nhí “dạ biết”. Tòa: “Biết thì sao không làm gì giúp ba mẹ. Sao bị cáo không kiếm nghề gì mà học. Sung sướng chi mà đi ăn trộm, chơi bời để bây giờ ra đây đứng”. Cha mẹ S. ấp úng cho rằng, quá mải làm ăn nên không theo sát con. Mặt khác, ba mẹ S. cũng “chủ quan” vì từ trước đến nay, S. có chơi điện tử, vào quán cà phê, chứ chưa bao giờ “thèo quèo thoẹt quẹt” cái gì của ai. Lần này là do bị rủ rê nên mới nhất thời sa chân vào phạm tội. Tòa nhắc nhở, dù cha mẹ có bận làm ăn đến mấy cũng phải để mắt tới con chưa thành niên. Đã một lần sa chân, dễ có lần tiếp theo. Nếu cha mẹ không biết giật mình và có sự quan tâm kịp thời thì tương lai của con là đáng lo ngại.

Tòa tuyên phạt V. 4 tháng tù; S. 9 tháng cải tạo không giam giữ. Cha mẹ V. rầu rầu. Cha mẹ S. có vẻ “thở phào” hơn. Thế nhưng, chất chồng trên gương mặt khắc khổ của họ là một “tâm sự” giống nhau, đó là nỗi buồn, lo có con phạm tội.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hình phạt cho 29 thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng

Ngày 28/5 Tòa án Nhân dân TP Huế mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 29 bị cáo là thanh thiếu niên có tuổi đời còn rất trẻ, thời điểm phạm tội có độ tuổi từ 16 đến 19 tuổi, bị truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng”.

Hình phạt cho 29 thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng

TIN MỚI

Return to top