ClockThứ Bảy, 31/05/2025 06:03

Đồng bộ để nâng chỉ số Quản trị điện tử

HNN - Chỉ số Quản trị điện tử của TP. Huế năm 2024 có cải thiện so với năm trước, tuy nhiên vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục nỗ lực và có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn để thành phố giữ được vai trò là một trong những địa phương tiên phong trong cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Siết chặt quản lý thuế doanh nghiệp có giao dịch liên kếtTiên phong trong cải cách hành chínhSố hóa hành chính từ cơ sở

Người dân phường Thủy Xuân, quận Thuận Hóa thực hiện thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến 

Những con số biết nói

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024, được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) công bố mới đây. Trong 8 nội dung khảo sát, TP. Huế đạt nhiều kết quả, nhưng chỉ số Quản trị điện tử, một trụ cột quan trọng của chính quyền điện tử và chính quyền số vẫn ở mức thấp, với chỉ 3,31 điểm.

So với năm 2023, chỉ số này có cải thiện, nhưng trong bức tranh tổng thể về mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, con số này vẫn là một trăn trở. Theo PAPI 2024, TP. Huế đạt điểm cao ở một số trụ cột quan trọng: Cung ứng dịch vụ công 8,14 điểm, Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 7,22 điểm và Thủ tục hành chính công 7,19 điểm. Các chỉ số này phản ánh nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền thành phố trong cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công chất lượng.

Bên cạnh những kết quả tích cực ấy, có 3 chỉ số vẫn còn thấp và cần đặc biệt lưu tâm: Quản trị điện tử (3,31 điểm), Quản trị môi trường (4,04 điểm) và Trách nhiệm giải trình với người dân (4,30 điểm). Trong đó, Quản trị điện tử là nền tảng quan trọng để vận hành chính quyền số, xây dựng dữ liệu mở và nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Năm 2024, Ban Tổ chức chương trình PAPI khảo sát hàng trăm người dân tại nhiều xã, phường trên địa bàn TP. Huế. Kết quả cho thấy, vẫn còn khoảng cách giữa chính quyền và người dân trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Theo ông Trần Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, chỉ số Quản trị điện tử còn thấp do nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin tại một số địa phương, tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và công chức, cùng với bất cập trong tổ chức bộ máy tiếp nhận hồ sơ hành chính... là những yếu tố chính. Trên thực tế, mô hình hiện tại của Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) và Bộ phận Một cửa (BPMC) các cấp vẫn còn bất cập công chức chuyên môn phải kiêm nhiệm nhiều vai trò, thiếu hụt nhân lực tại đơn vị gốc, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả xử lý hồ sơ chưa cao, nhất là hồ sơ điện tử.

Sự vào cuộc đồng bộ

TP. Huế đã ban hành đề án giao cho doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện một phần nhiệm vụ hành chính công tại TTPVHCC và BPMC các cấp. Đây được xem là bước đi đột phá, hướng tới mô hình chính quyền số tinh gọn, hiệu quả. Theo đề án, doanh nghiệp bưu chính sẽ thực hiện toàn bộ các khâu: Hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thu phí - lệ phí và tạo lập chứng từ điện tử. Phạm vi chuyển giao bao phủ 100% TTHC tại cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã - tùy theo lộ trình cụ thể từ quý I đến quý IV/2025.

Theo ông Lê Minh Cường, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ, việc chuyển giao nhiệm vụ hành chính công cho doanh nghiệp không chỉ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tính chuyên nghiệp và tiết kiệm nguồn lực, mà còn là bước đi chiến lược để thúc đẩy chuyển đổi số. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện chỉ số Quản trị điện tử của thành phố.

Điểm nhấn của đề án là việc số hóa toàn bộ hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tích hợp lên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố. Hệ thống này sẽ được nâng cấp để bảo đảm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, phù hợp với quy định hiện hành về số hóa hồ sơ, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống cấp bộ, cấp tỉnh.

UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Thành phố xác định phải chuyển từ quản lý thủ công sang quản lý số hóa, từ tiếp dân truyền thống sang phục vụ công dân số. Đề án giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp là phép thử cho tinh thần cải cách hành chính thực chất, vì người dân và doanh nghiệp”.

Để đề án thành công và góp phần nâng chỉ số Quản trị điện tử, cần sự vào cuộc của toàn hệ thống. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ, đơn vị chủ trì tham mưu về kỹ thuật; Sở Nội vụ theo dõi tác động đến tinh giản biên chế; Sở Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán và bố trí kinh phí; doanh nghiệp bưu chính đảm bảo chất lượng dịch vụ và nhân sự... Người dân cần được tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số.

“Điều quan trọng là tinh thần cải cách trong từng cán bộ, công chức, sẵn sàng thay đổi tư duy làm việc, chấp nhận sự chuyên nghiệp hóa, và hợp tác cùng doanh nghiệp để phục vụ người dân tốt hơn”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Chỉ số Quản trị điện tử không đơn thuần là một con số để xếp hạng. Nó là thước đo mức độ thân thiện, minh bạch và hiện đại của chính quyền. Khi người dân có thể thực hiện hầu hết TTHC ngay trên điện thoại thông minh, khi dữ liệu được liên thông và bảo mật, khi thời gian xử lý hồ sơ chỉ còn tính bằng phút, đó là lúc chính quyền số thực sự hiện diện.

Với bước đi quyết liệt như hiện nay, TP. Huế đang cho thấy quyết tâm không chỉ nâng hạng chỉ số, mà còn nâng chất lượng quản trị. Nếu làm tốt, chỉ số Quản trị điện tử sẽ không còn là "điểm yếu", mà sẽ trở thành “điểm tựa” để Huế vươn lên mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên số.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạ tầng đồng bộ, đời sống nâng cao

Đến nay, toàn huyện A Lưới có 4/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Huyện đang phấn đấu đến năm 2030 không còn xã đạt dưới 17 tiêu chí xây dựng NTM. Để đạt mục tiêu này, A Lưới đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Hạ tầng đồng bộ, đời sống nâng cao
Tạo lập, đồng bộ học bạ số

Ngày 13/5, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tập huấn tạo lập, đồng bộ học bạ số giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên vào kho học bạ số Bộ GD&ĐT cho lãnh đạo, giáo viên các trường trung học trực thuộc Sở, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các phòng GD&ĐT, giáo viên cốt cán của các trường tiểu học và trung học cơ sở.

Tạo lập, đồng bộ học bạ số
Vì một Huế luôn sạch, đẹp

Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo thành phố luôn sạch đẹp, sẵn sàng đón du khách thập phương trong mùa lễ hội và du lịch hè năm nay.

Vì một Huế luôn sạch, đẹp

TIN MỚI

Return to top