ClockThứ Sáu, 07/07/2023 11:18

Vĩnh biệt nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

TTH.VN - Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vừa qua đời ngày 6/7/2023, hưởng thọ 75 tuổi. Tin nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời khiến bao người quen, yêu thơ bà đều cảm thấy tiếc thương khi phải tiễn biệt một nữ thi sỹ có cả tài hoa, hồn hậu, đẹp người đẹp nết; một gương mặt thơ Việt Nam hiện đại tạo được nhiều ấn tượng khó phai mờ. Thi ca Việt Nam từ nay vắng bóng của một người thơ đầy nữ tính và suy tưởng, tha thiết với Tổ quốc và tình yêu...

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đờiThừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọngChương trình nghệ thuật tưởng nhớ tác giả Lưu Quang Vũ

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, quê Lệ Thủy, Quảng Bình. Mẹ của bà là người vùng An Cựu – Huế. Bà có một tuổi thơ chịu nhiều thiệt thòi, và đó là căn nguyên bà làm thơ từ nhỏ, lên 8 tuổi đã có gia tài thơ gần 40 bài, tiếc là do chiến tranh nên thất lạc. Ký ức của những năm chiến tranh thường in hằn sâu sắc trong bà.

Sinh thời, bà đã từng kể, năm 1972, một nữ thanh niên xung phong về thăm nhà thì nền nhà của cô ấy chỉ còn lại là một hố bom sâu thẳm. Một quả bom tấn tàn bạo đã rơi xuống mái tranh nghèo ngay trong bữa cơm gia đình của cô nơi thôn vắng. Tất cả những gì thân yêu nhất, máu thịt nhất đã bị kẻ thù xoá sạch, nỗi đau cùng cực khiến cô không chịu nổi và quyết định khoác ba lô trở lại chiến trường. Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Bài thơ sau đó được trao giải nhất báo Văn Nghệ năm 1972-1973, đánh dấu bước trưởng thành trên con đường nghệ thuật của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà cùng chồng là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường  sống và sáng tác ở Huế một thời gian dài. Bà trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và IV. Nhà thơ  từng tham gia Ban biên tập Tạp chí Sông Hương, tham gia Ban chấp hành Hội VHNT Bình Trị Thiên, Thừa Thiên Huế từ 1994 đến 2005.

Ngoài giải thưởng báo Văn nghệ, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ còn được trao tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1981-1983 cho tập thơ “Bài thơ không năm tháng”, giải A thơ 1999 của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập thơ “Đề tặng một giấc mơ”, Giải thưởng Văn học Cố đô – Giải A Thơ (1998-2003) với tập thơ “Hồn đầy hoa cúc dại”. Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: “Trái tim sinh nở” (1974), “Bài thơ không năm tháng” (1983) và “Đề tặng một giấc mơ” (1988). Năm 2005, tập thơ Cốm non (Green rice) của bà được dịch ra tiếng Anh, in và phát hành tại Hoa Kỳ. Một số bài thơ của bà được đưa vào sách giáo khoa, giảng dạy trong chương trình văn học phổ thông, trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả. 

Là một nhà thơ nổi tiếng, bà giữ cho mình một tâm hồn nhân hậu. Bạn bè cùng thời thường ghi nhớ sự ân cần, chu đáo, dịu dàng của bà. Nhiều người nhớ mãi hình bóng luôn tràn ngập vẻ nữ tính với cách vén tóc mai, cách cầm ấm trà rót ra cốc và đôi môi thắm lúc nào cũng cười chúm chím. Một khúc ngoặt cuộc đời, ngày 14/6/1998, trong lúc bà đang ở Hà Nội, chuẩn bị đi dự tọa đàm thơ ở Mỹ thì nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến mạch máu não, hôn mê ở Đà Nẵng. Bà phải hủy chuyến đi Mỹ, bay về Đà Nẵng ngay. Lúc đó ông Tường mới hơn 60 tuổi và bà thì chưa đến tuổi 50. Gác hết tất cả sự nghiệp văn chương, bà tận tụy lo cho chồng bị tai biến nằm liệt với tất cả trái tim người vợ.

Đằng đẵng gần 30 năm như thế, bà như cái bóng bên chồng, hễ nghe chỗ nào có thể chữa được bệnh cho chồng, bà đều đưa đến, có khi lên tận biên giới Việt – Lào. Bà như “người mẹ” bao dung, săn sóc, đút mớm cơm cháo, xoa bóp, vệ sinh cho chồng. Trái tim nhân hậu ấy thêm một lần “rớm máu”. Trăm nghìn thứ việc chưa từng có đè lên vai người phụ nữ làm thơ xinh đẹp. Và bà đến với thơ: “Bàn tay nâng em thành bảo mẫu / Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười / Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng / Giữa tháng ngày trĩu nặng / Em đứng thẳng người / Cho anh tựa vào em!” (Cho anh tựa vào em). Cho đến một ngày khoảng từ mười năm trước đây, có lẽ do quá lao lực, bà bị bệnh Azemer khiến mất trí nhớ.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng là người hết sức quan tâm đến đề tài thiếu nhi. Bà lần lượt xuất bản các tác phẩm truyện thiếu nhi: “Danh ca của đất” (1984), “Nai con và dòng suối” (1989), “Nhạc sĩ Phượng Hoàng” (1989) và Tuyển tập thơ và truyện thiếu nhi” (2006).

Từ ngày chăm sóc chồng, bà không có điều kiện đi thực tế sáng tác, bà biết mình không có điều kiện theo đuổi thi ca được nữa và đã buông cờ trắng, trong bài “Lá cờ trắng”, bà viết: “Tôi-sa mạc-trước thơ”. Đó là sự bế tắc buộc bà phải tìm cho mình một hướng đi khác để tồn tại với văn học nghệ thuật. Thật tình cờ, một sáng mùa thu nắng vàng tươi toả sáng, chợt nhớ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, bà bỗng hát to một câu hát vừa bất chợt đến: “Một sớm mùa thu lòng nhớ  người xa...”. Rồi cảm xúc tuôn trào, bà hát một mạch. Thế là ca khúc “Niệm khúc nhớ người” hoàn thành trong buổi sáng đó. Từ đó nhà thơ bắt đầu viết nhạc.

Có những ca khúc nhiều người rất thích như “Ru Tây Nguyên”, “Tôi nhớ làng tôi”... Đợt giao lưu âm nhạc ba thành phố kết nghĩa Huế -TP Hồ Chí Minh -Hà Nội tại Nhà văn hoá TP Huế, ca khúc “Niệm khúc nhớ người” đã được ca sỹ trẻ Đông Nghi thể hiện rất thành công trên nền nhạc phối khí của nhạc sỹ Tôn Thất Lập. Chuyên mục “Người của công chúng” của Đài Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV1) đã dành hẳn một chương trình giới thiệu một số nhạc phẩm của bà, trong đó có ca khúc “Tôi nhớ làng tôi” do NSND Quang Thọ trình diễn... Bà từng có ý định sẽ làm một CD cho những ca khúc của mình.

leftcenterrightdel
 Những tác phẩm của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được nhiều thế hệ yêu thích

Suy nghĩ về nghề văn, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng viết: “Không thể lấy một bài thơ nào làm chuẩn chân lý cho thơ. Mỗi thi nhân đích thực đều có sự “lấp lánh” riêng, không ai giống ai. Người có bản lĩnh thơ là người biết chấp nhận sự thách đố của thời gian chứ không chấp nhận sự thách đố nào khác. Sự đam mê thơ, đam mê cái đẹp là sự thành công một nửa của người làm thơ”.

Đọc thơ bà, mới biết con người nhân hậu ấy đã từng cô đơn biết mấy:

“Bây giờ chỉ một mình ta

Một mình ta với bao la một mình”

(Một mình)

Còn đây là những câu trong bài thơ “Tôi thấy mình...” của bà, được những cây bút trẻ hiện nay yêu thích:

“Tôi thấy mình như bầu trời thấy mình qua dòng sông

Muôn đời im lặng

Vầng trăng xanh biếc

Trái tim dịu dàng

Dịu dàng đến tận cùng trong suốt

Ước gì

Anh là dòng sông

Cho em soi thấy mình như trời cao rộng

Ước gì

Anh là dòng sông

Để tận cùng anh em gặp chính mình”.

Nhưng những câu thơ kinh điển của bà trong “Khoảng trời và hố bom”, mãi mãi sẽ neo đậu trong tâm hồn người yêu thơ Việt:

“Tên con đường là tên em gửi lại

Cái chết em xanh khoảng-trời-con-gái

Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em

Gương mặt em, bạn bè tôi không biết

Nên mỗi người có gương mặt em riêng!”

Bài: Khánh Chu - Ảnh: Liên hiệp các hội VHNT tỉnh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng

Tập sách nhỏ nhắn mang tên Nỗi niềm thời áo trắng (NXB Đại học Huế) vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyên Phương thật sự ấn tượng. Cuốn sách nhỏ với những câu chuyện ngắn chứa đựng cả thế giới tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc, day dứt, băn khoăn, trắc ẩn của người viết.

Ấn tượng với tập sách nỗi niềm thời áo trắng
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Hàng mai trước hiên nhà

Lão yêu hoa như yêu con. Đặc biệt là mai vàng. Tết đến, ai đi ngang nhà lão cũng trầm trồ vì cả một rừng mai mọc kiêu hãnh trước hiên nhà. Xen kẽ dưới những gốc mai là hoa vạn thọ, mười giờ, sống đời… chen chúc nhau ưỡn mình đón nắng. Mai của lão trồng không to, gầy, khẳng khiu như thân hình của lão. Tuy vậy chúng có sức sống mãnh liệt và nở hoa cánh to, đẹp dịu dàng.

Hàng mai trước hiên nhà
“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”

TIN MỚI

Return to top