|
Nhà thơ Võ Quê và nhà báo Vu Gia đi trên đò anh Đới có khắc dòng chữ ĐỜI ANH ĐÓ. Ảnh: Tư liệu |
Rót chén trà ấm, ông Đới chậm rãi kể: Năm 1984, nhà thơ Võ Quê khi ấy là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế. Vì tình yêu, ông luôn đau đáu với việc làm sao để ca Huế được nhiều người biết đến, làm sao để các nghệ sĩ, nghệ nhân có một đời sống ổn định hơn. Huế với dòng sông Hương thơ mộng là nơi thích hợp để phát huy thế mạnh về ca Huế. Trước đây, trên đò chỉ mang tính chất thân hữu, chưa mang tính cộng đồng rộng rãi nên ít người biết đến ca Huế thanh cảnh, tao nhã trên sông Hương. Bác Võ Quê gặp và đặt vấn đề mời chú hợp tác đem các chương trình nghệ thuật ca Huế xuống dòng Hương phục vụ du khách, có thu phí để bồi dưỡng thanh sắc cho các nhạc công, diễn viên và trả thù lao thích đáng cho chủ đò.
Ngày ấy, đò của ông Đới vẫn còn là chiếc đò đơn (hiện nhiều thuyền đã nâng cấp lên thành đò đôi với diện tích bằng hai chiếc đò đơn cộng lại). Ngày ngày, ông cùng vợ rong ruổi trên sông Hương kiếm sống bằng nghề chở thuê cát sạn và chở trứng ra Quảng Trị. Thi thoảng, ông nhận lời chở các phái đoàn đi khảo sát sông Hương, lên vùng kinh tế mới Lương Miêu, Bình Điền, về đầm phá Tam Giang… Hỏi nguồn gốc tấm biển hiệu bằng gỗ có khắc dòng chữ "Đò anh Đới - Đời anh đó", ông tủm tỉm: “Khi nghe nhà thơ Võ Quê gợi ý mời và hỏi giá phục vụ một chương trình ca Huế là bao nhiêu, tui nói hôm nay tui theo chở các anh đi chơi cả đêm thì ngày mai sẽ không thể chở cát sạn, chở trứng ra Quảng Trị. Vậy, cứ lấy theo giá vận chuyển một chuyến cát sạn, trứng là được. Nhà thơ Võ Quê hỏi tên chi, tui trả lời tên Hà Văn Đối. Nghe vậy, nhà thơ Võ Quê nói vui: "Đò anh Đới, đời anh đó". Tui thấy cũng hay nên đã khắc dòng chữ ấy trên đò. Sau này khi làm lại giấy chứng minh nhân dân, tui cũng khai tên Đới thay cho tên Đối luôn”.
Quả thật, việc đưa nghệ thuật ca Huế xuống dòng Hương biểu diễn phục vụ du khách ngày càng phát triển. Từ một chiếc đò đơn, ông dần dần gầy dựng cơ nghiệp với bốn chiếc đò lớn. Sau này, người ta không gọi là đò nữa mà gọi là thuyền rồng. Nhờ nghề mới này, ông mua được căn nhà nằm trên trục đường Nguyễn Sinh Cung, hướng nhà sát bờ sông tiện việc chuyên chở, neo đậu. Con cái nay cũng ra riêng nối nghiệp cha với 3 thuyền rồng, có nguồn thu nhập ổn định. Vui hơn nữa là ông còn có hai cô cháu nội xinh đẹp là diễn viên và một cô cháu khác biểu diễn đàn tranh ca Huế trên sông Hương.
Ông Đới hồi tưởng: “Ngày ấy vất vả lắm, cuộc sống mưu sinh trên sông nước còn khó khăn, khi biểu diễn ca Huế, đò phải chèo bằng tay chứ không phải chạy bằng máy như bây giờ. Nhưng cả người biểu diễn, khách tri âm lẫn người chèo đò đồng điệu lắm. Họ có thể ngồi với nhau hàng giờ, lênh đênh thả trôi cảm xúc cùng tiếng đàn lời ca lúc trầm lúc bổng. Giữa mênh mang sông nước, những âm điệu cất lên trong ánh đèn dầu mờ tỏ, dưới ánh trăng khuya bàng bạc đắm say lòng người. Cuộc chơi không bị chi phối bởi nhiều âm thanh phá vỡ, không bị phụ thuộc vào thời gian. Vợ chồng ông thay nhau vừa nhẹ nhàng khua mái chèo, vừa thưởng thức nghệ thuật ca Huế. Du khách đắm chìm trong những âm giai lung linh, huyền ảo tựa lạc vào cõi thiên thai cho đến khi thuyền nhẹ nhàng cập bến mới giật mình biết đã đến giờ từ giã sông Hương”.
Tôi nhìn người đàn ông gần như đã dành gần cả đời mình cùng sông nước Hương giang, cho đến lúc dù tuổi đã cao, lên bờ mua nhà ổn định dường như vẫn còn luyến lưu với sông nước nên đã chọn căn nhà nằm ngay mé sông để hàng ngày vẫn vui thú với cảnh cũ, hồi ức xưa.
Tâm sự với chúng tôi, có lúc giọng ông Đới sôi nổi hẳn, ấy là lúc ông kể "đò anh Đới" từng vinh dự chở các phái đoàn từ Trung ương về làm việc với tỉnh nhà, hay có lúc ông đã hợp đồng với đoàn làm phim nước ngoài thực hiện một cảnh quay trong bộ phim điện ảnh nổi tiếng "Đông Dương". Bộ phim đã từng đoạt giải Oscar lần thứ 65 cho phim ngoại ngữ hay nhất, được công chiếu vào năm 1992, trong đó có cảnh quay trên sông Hương với rất nhiều chiếc đò do ông huy động để tạo thành phim trường. Điều này cho thấy, ông đã rất tự hào, trân trọng công việc là một người hàng đêm chuyên phục vụ các chương trình ca Huế, cũng như sự hàm ơn ca Huế, hàm ơn dòng Hương đã cho ông một cuộc đổi đời.