ClockThứ Bảy, 18/05/2019 07:00

Thổ cẩm - gạch nối giữa văn hóa và thị trường

TTH.VN - Bất kì một ngày hội nào của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), không gian thổ cẩm luôn có một vị trí đặc biệt. Ở đó thể hiện rõ nét văn hóa, sinh hoạt của những con người nơi lưng chừng núi…

Muôn sắc thổ cẩmDệt thổ cẩm K’ho và Châu Mạ lần đầu xuất hiện tại Festival Nghề truyền thống Huế

Nghệ nhân Hồ Thị Thời miệt mài bên khung cửi và mong có một thị trường đúng nghĩa

Tại không gian trưng bày các sản phẩm ở Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các DTTS vùng biên giới Việt Nam – Lào, khu vực miền Trung – Tây Nguyên, thổ cẩm hầu như xuất hiện ở mọi gian hàng, thậm chí trong từng ngóc ngách của quảng trường Văn hóa trung tâm huyện A Lưới.

Nghệ nhân Hồ Thị Thời (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) mang đến ngày hội cả một khung dệt, rồi miệt mài dệt từng tấm thổ cẩm trước sự chứng kiến của du khách. Hỏi về thổ cẩm của người Bru –Vân Kiều, chị bảo đây là nghề truyền thống của dân tộc mình, sự khác biệt nằm ở hoa văn, đường nét cũng như chất liệu.

Chị Thời nom còn trẻ, tuổi đời không hơn tuổi nghề là bao. Chị giữ nghề để để những sợi vải qua bàn tay khéo léo của mình tạo nên bức tranh mang bản sắc dân tộc Bru –Vân Kiều. Dẫu vậy, trong thâm tâm, Hồ Thị Thời vẫn còn lắm nỗi lo, bởi bây giờ người biết và phân biệt được thổ cẩm Bru – Vân Kiều không nhiều. Có nhiều lý do, nhưng theo chị, bán không có người mua nên chẳng mấy ai mặn mà. Ngày hội này, chị không chỉ mong sản phẩm của dân tộc mình được nhiều người biết đến mà còn muốn có một đầu ra vừa đủ, dẫu có thể chỉ đủ công xe sợi, đạp khung. “Nghề không mang lại thu nhập nên ở địa phương tôi ít người theo lắm. Đại diện một nét văn hóa dân tộc mình, đến với ngày hội, tôi mong sản phẩm của người Bru – Vân Kiều được nhiều người biết đến, và có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các dân tộc khác. Từ đó, những tấm thổ cẩm của dân tộc mình có được một thị trường đúng nghĩa”.

Thổ cẩm của đồng bào DTTS như thước đo cho sự chuẩn mực của những cô gái tuổi trăng tròn

Mỗi tấm thổ cẩm không đơn thuần là sản phẩm mà tự thân nó mang một sứ mệnh riêng cho từng vùng đất. Đại diện cho 7 dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum, người Giẻ - Triêng ở làng Dục Nhầy, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum mang đến ngày hội cách dệt vải thể hiện sự hòa hợp giữa con người tự nhiên. Nhìn sơ qua, khung cửi của người Giẻ -Triêng khá thô sơ, nhưng để dệt được những tấm vải khổ hẹp là chuyện không hề dễ.

Đồng bào Giẻ - Triêng trồng bông từ tháng 5 ở những đám rẫy gần nhà và thu hoạch vào tháng 10. Bông được phơi khô, bật tơi, xe từng sợi rồi đem nhuộm trước khi dệt.

Để sợi vải màu xanh, họ đốt vỏ ốc lấy tro bỏ vào chum đất, nấu cùng rễ cầm, rễ trum, chà tâng hay rễ cây nếp than, chắt lấy nước màu xanh. Muốn màu vàng thì nhúng sợi vải vào nước củ nghệ hoặc nấu nước rễ cây choong; còn nước bồ kết sẽ giúp sợi vải chuyển màu đỏ hay sợi vải màu xanh mang hấp lên sẽ chuyển sang đen…Đến đây thôi cũng đủ nhận thấy sự cầu kỳ lẫn lối sống gắn bó với tự nhiên của một dân tộc vùng Tây Nguyên. “Cách bố trí màu sắc đã thể hiện quan niệm tín ngưỡng của người Giẻ - Triêng. Màu xanh là của đất trời, núi sông; màu đỏ tượng trưng cho sự dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên; màu vàng là màu của ánh sáng. Vì vậy, mỗi nghệ nhân dệt vải khi thêu mỗi đường nét, hình ảnh phải biết cách phối màu”, một nghệ nhân người Giẻ - Triêng chia sẻ.

Người Giẻ  -Triêng dệt vải trông khá đơn giản

Từ xưa, thổ cẩm của đồng bào DTTS như thước đo cho sự chuẩn mực của những cô gái tuổi trăng tròn. Phong tục ở nhiều nơi, đây như “của hứa hôn” cho nhà trai. Thổ cẩm của đông bào DTTS ở Thừa Thiên Huế cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Bây giờ, thổ cẩm, cụ thể là zèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi đã trở thành di sản và được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Cũng như dệt vải của người Giẻ - Triêng, thổ cẩm của Bru – Vân kiều, zèng có cũng có lịch sử và sứ mệnh riêng. Zèng đã vượt khỏi đường biên nhưng nếu nói có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì không hẳn. Ai cũng hiểu những giá trị các loại thổ cẩm của đồng bào DTTS nhưng để giá trị đó được thị trường chấp nhận là điều không dễ.

Hàng chục nghệ nhân DTTS trình diễn dệt vải tại Trung tâm Sinh hoạt văn hóa cộng đồng huyện A Lưới nằm trong khuôn khổ các hoạt động của giao lưu văn hóa các DTTS diễn ra từ ngày 17-19/5 đã giữ nghề, giúp du khách trong và ngoài nước biết đến nét văn hóa truyền thống độc đáo. Và, thông qua ngày hội này, họ giao lưu, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm để đưa văn hóa đến với những nơi cần đến.

Bài, ảnh: Thọ Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trên người thổ cẩm gấm hoa

Từ một nghề thủ công gắn liền với đồng bào vùng cao, dèng trở thành sản phẩm khởi nghiệp, kinh doanh của nhiều bạn trẻ. Khoác lên mình trang phục truyền thống, giờ đây người A Lưới tự hào khoe với bạn bè bốn phương bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Mang trên người thổ cẩm gấm hoa
Thổ cẩm kể chuyện

Thổ cẩm mang trong mình vẻ đẹp mạnh mẽ của núi rừng. Những câu chuyện về thổ cẩm cần được kể nhiều hơn trong hành trình giữ gìn những làng nghề truyền thống Việt, nhất là những làng nghề dệt.

Thổ cẩm kể chuyện
Dân ca Tà Ôi - gạch nối giữa quá khứ và hiện tại

Đã có lúc tưởng chừng như mai một nhưng vượt lên mọi biến thiên, dân ca Tà Ôi vẫn còn vang vọng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Thứ thanh âm quyện hòa vào cây rừng ấy, mắt thường không thể nhìn thấy nhưng là di sản từ bao đời của những người con của núi.

Dân ca Tà Ôi - gạch nối giữa quá khứ và hiện tại
Muôn sắc thổ cẩm

Trong nhiều gian trưng bày tại Festival Nghề truyền thống 2019, không gian dành cho thổ cẩm được du khách trong và ngoài nước đặc biệt chú ý.

Muôn sắc thổ cẩm

TIN MỚI

Return to top