ClockThứ Tư, 02/02/2022 21:26

Tết Nhâm Dần nhâm nhi mứt ngũ hổ

TTH.VN - Tết năm con hổ, anh Trần Thanh Quang (TP. Huế) tỉ mỉ tỉa hình con hổ từ quả đu đủ xanh, củ khoai tây để làm món mứt ngũ hổ dọn mời khách.

Tết xưa trong tôi…Mứt khế chua của ngoạiNgon, lạ mứt sâm Bố Chính“Hoài niệm mứt tết”

Tỉa hình con hổ khá công phu

Mứt ngũ hổ là biến tấu của anh Trần Thanh Quang, truyền nhân ẩm thực của cụ Nguyễn Phúc Ưng Viên, hậu duệ đời thứ 4 của vua Minh Mạng, để tặng người thân và bạn bè nhâm nhi trong những ngày Tết Nhâm Dần.

Với nhiều nguyên liệu: đu đủ, khoai tây, bí đao, cà rốt, sau khi anh thử nghiệm, đu đủ và khoai tây đủ độ cứng, dai và dẻo để tạo hình con hổ.

Tạo hình con hổ khá công phu và tỉ mỉ, đòi hỏi anh Quang phải cẩn thận từng chi tiết. Mắt vẫn chăm chú tỉa vẽ, anh Quang cho biết: “Tỉa con hổ khó hơn so với những con vật khác. Vẽ ngoại hình con hổ có râu, mắt thì dễ nhưng tỉa cho ra hình dáng con hổ phải vào chi tiết thân, đầu, chân và đuôi. Dân gian có câu “Họa hổ họa bì nan họa cốt” là vì vậy”. Làm bằng tay nên chỉ một rổ mứt khiêm tốn, anh Quang mất đến 3 ngày để tạo hình.

Sau công đoạn trên, nguyên liệu được ngâm vôi khoảng 2 tiếng rồi xả nước thật sạch. Sau khi luộc chần qua nước sôi, lại xả nước tiếp để khử hết mùi vôi, rồi cho đu đủ, khoai tây ngâm đường khoảng 5 tiếng đến khi đường tan. Một cân nguyên liệu ngâm với 800 gram đường.

Để tạo hình ngũ hổ, mẻ mứt được anh Quang nhuộm thành 5 màu. Tất cả đều được nhuộm màu tự nhiên. Màu đỏ từ quả gấc, màu xanh từ lá dứa, màu nâu từ cà phê, màu vàng từ hoa dành dành và màu trắng tự nhiên. Lá dứa được giã, vắt lấy nước trước khi nhuộm màu 3 ngày, để lắng cho màu đậm; hoa dành dành được nấu lấy nước; gấc cũng được lấy phần thịt đỏ xay nhuyễn; cà phê đơn giản hơn nhưng pha đảm bảo độ loãng vừa phải để mứt không bị đen.

Qua khâu sơ chế, công đoạn rim mứt cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Để miếng mứt hình con hổ được nguyên vẹn, tránh làm gãy chi tiết trên thân hổ, mỗi mẻ mứt, anh Quang chỉ rim khoảng 20 lát mứt. Suốt quá trình rim mứt anh không dùng đũa mà phải trở từng miếng mứt bằng tay thật nhẹ nhàng, khéo léo...

Nhâm nhi mứt ngũ hổ cũng là một cái thú của năm mới Nhâm Dần

Trông dĩa mứt ngũ hổ đơn giản vậy nhưng làm khá kỳ công. Một mẻ mứt anh Quang làm mất 5 ngày. “Khâu nào cũng quan trọng, từ tỉa hình dáng, ngâm vôi đến luộc, rim phải chú ý lửa vừa phải, vì chỉ cần quá lửa một chút, mứt không đảm bảo được độ ngon. Cái khéo là khi rim mứt vẫn giữ được nguyên hình dáng con vật”, anh Quang lưu ý.

Theo chia sẻ của anh Trần Thanh Quang, từ biểu tượng của con giáp năm nay, anh nảy ra ý tưởng làm mứt ngũ hổ để chào đón năm mới. Ngũ hổ được anh tạo hình theo phong cách của tranh dân gian hàng Trống. Màu ngũ sắc của dĩa mứt tượng trưng cho ngũ hành. Đây cũng là loại mứt được làm theo phương pháp truyền thống nhưng được tạo hình con hổ lạ mắt, sinh động, phù hợp với năm mới Nhâm Dần.

Không chỉ như một lời nguyện may mắn và no đủ, thịnh vượng cho năm mới, món mứt có tạo hình ngộ nghĩnh và đáng yêu này còn gợi cho người thưởng thức suy ngẫm về sự dũng mãnh, ung dung, trầm tĩnh mà đầy uy quyền của con giáp năm nay.

Trong tiết trời se lạnh, bên tách trà nóng, ngồi ngắm dĩa mứt đầy màu sắc, nhâm nhi từng lát mứt con hổ, cảm nhận miếng mứt giòn dai sần sật, vị ngọt thanh và thơm lừng hương lá dứa, cà phê… cũng là một trải nghiệm thú vị trong những ngày tết con hổ.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học gói và cùng nhâm nhi bánh pháp lam

Bánh pháp lam, hay còn có tên dân dã là bánh bó, là loại bánh sang trọng, đẹp mắt có xuất xứ từ cung đình Huế. Tại các lễ hội ẩm thực, bánh thu hút ánh nhìn và sự chú ý của thực khách bởi vẻ đẹp độc đáo, có một không hai.

Học gói và cùng nhâm nhi bánh pháp lam
Tín hiệu vui

Gần 50.000 lượt khách đến tham quan các di tích, thắng cảnh Huế trong 3 ngày Tết Nhâm Dần; trong đó, có hơn 500 lượt khách quốc tế.

Tín hiệu vui
Hạ nêu và khai ấn cung chúc tân xuân

Sáng mùng 7 tết (7/2), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế tổ chức lễ hạ nêu và khai ấn cung chúc tân xuân tại Triệu Miếu và Thế Miếu (Đại Nội).

Hạ nêu và khai ấn cung chúc tân xuân
Huế hút khách dịp tết

Tết Nhâm Dần năm nay, ngành du lịch Huế “bội thu” khi lượng khách đến tham quan, vui chơi tăng đến 286% so với tết âm lịch năm ngoái.

Huế hút khách dịp tết
Vườn đào vùng cao A Lưới khoe sắc thu hút khách

Sau gần 1 năm thử nghiệm ý tưởng trồng vườn đào ở vùng cao từ lời kêu gọi “Thay vì vứt bỏ, hãy tặng đào tết cho huyện A Lưới”, tết năm nay, vườn đào A Lưới đã khoe sắc, thu hút người dân và du khách thập phương đến tham quan, chụp ảnh.

Vườn đào vùng cao A Lưới khoe sắc thu hút khách

TIN MỚI

Return to top