ClockThứ Tư, 07/02/2024 07:26

Tái sinh nghề gốm Noq

TTH - Nghề gốm Noq của người đồng bào Pa Cô, Cơ Tu… ở A Lưới đã trải qua hơn nửa thế kỷ thất truyền. Những sản phẩm gốm Noq như lọ hoa, chum, vại, cốc… tưởng chỉ còn có thể tìm thấy ở bảo tàng hay các khu trưng bày, nay lại một lần nữa được thực hiện bởi bàn tay của các nghệ nhân nơi đây.

Đánh thức gốm Pa Cô

 Những sản phẩm gốm cổ được phục hồi bởi các nghệ nhânở vùng cao A Lưới

1. Tại xã Trung Sơn (A Lưới), bên bếp lửa hồng, tôi được già làng Hồ Văn Hạnh kể lại một điển tích đã từng được lưu truyền về nghề gốm Noq. Ngày xưa, những đồ vật dụng hàng ngày của người đồng bào Pa Cô được làm bằng gốm. Do loại đất sét mà người dân lúc bấy giờ sử dụng bị lẫn nhiều tạp chất, nên đồ làm từ gốm không bền và dễ bị hư hại. Lúc bấy giờ, một người phụ nữ trong làng đã quyết tâm đi khắp các vùng núi để tìm được loại đất tốt, không lẫn tạp chất.

Bà đã đi rất lâu, để rồi đến được vùng đất mà ngày nay thuộc xã Hồng Thủy thì bắt gặp một ngọn đồi được bồi đắp nên từ đất sét. Đất ở nơi đây rất đặc, không lẫn tạp chất, hoàn hảo để chế tác nên những đồ dùng gốm. Bà lấy đất về thử làm và nhận ra những sản phẩm gốm làm từ loại đất này đẹp và bền chắc hơn trước rất nhiều. Bà bèn thuyết phục người làng chuyển về vị trí ngọn đồi để sinh sống, thuận lợi cho việc chế tạo những đồ dùng bằng gốm. Tuy vậy, khi người dân đóng cọc gỗ xuống vùng đất sét để xây nhà thì kỳ lạ thay, sau một đêm, đất sét đã đùn những chiếc cọc khỏi nền đất. Cho rằng nơi đây chính là “đất thánh”, bà cùng buôn làng đã làm lễ cúng, cảm tạ những vị thần núi ban cho nguồn đất tốt để làm nên những đồ dùng sinh hoạt cho người dân. Từ đó về sau, nghề gốm Noq của người Pa Cô dần trở nên phổ biến và được những tộc người khác học hỏi.

Từng rất phát triển khi khắp các thôn, bản ở A Lưới đều dùng đồ gốm Noq, nhưng nghề gốm Noq tại huyện A Lưới đã trải qua hơn nửa thế kỷ thất truyền. “Nghề gốm Noq đã dần bị quên lãng bởi chiến tranh, nhiều nghệ nhân và con cháu của họ lên đường tham gia cách mạng. Sau này, khi hòa bình được lặp lại, những nghệ nhân làm gốm xưa nhiều người đã không còn nữa, hoặc không gắn bó với nghề gốm nữa nên không truyền nghề lại cho con cháu. Cứ thế trải qua một thời gian dài, dần không ai còn làm gốm Noq nữa”, già làng Hồ Văn Hạnh kể.

2. Thực hiện chương trình bảo tồn gốm cổ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2023, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, sau 2 năm ấp ủ, tháng 10/2023, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh phối hợp cùng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới tìm ra ngọn đồi đất sét năm xưa sau nhiều chuyến đi thực địa. Phát hiện này được xem như bước tiến lớn trong việc tái sinh làng gốm Noq của người Pa Cô bản địa. Từ nguồn nguyên liệu đất sét này, một số nghệ nhân đã tái tạo lại được các sản phẩm gốm Noq. Dù còn đơn sơ và chưa được tinh xảo nhưng trên cơ sở đó, họ sẽ dần nhớ lại về nghề làm gốm xưa, những quy trình thực hiện, phương pháp ra sao, để trao truyền lại cho thế hệ trẻ.

Theo già làng Hồ Văn Hạnh, những nghệ nhân của ngày xưa đã không còn nên việc phục hồi lại nghề gốm Noq không phải là chuyện một sớm một chiều. Đây cũng là điều khiến cho nhiều già làng và cả những người làm văn hóa A Lưới băn khoăn, trăn trở. Thật may rằng, trong cộng đồng người dân tộc Pa Cô hiện tại vẫn còn một số người có chút am hiểu về nghề gốm nhờ từng được thế hệ cha, ông chỉ dạy.

“Ngày xưa, tôi có dịp được xem ông nội chế tác những đồ gốm, nên nay vừa nhớ lại, vừa dựa vào những ghi chép mà người xưa để lại nên phần nào làm lại được những sản phẩm gốm như ông đã từng làm. Tuy vậy cũng không dễ để thực hiện bởi ký ức đã từ rất lâu rồi và bản thân tôi không có quá nhiều kinh nghiệm chế tác gốm nên những sản phẩm ban đầu vẫn còn khá cơ bản, chưa được tinh xảo, chỉn chu”, nghệ nhân Peprung Đai, người làng Ta Ây, xã Trung Sơn cho biết.

3. Lớp tập huấn làm gốm Noq cổ đã được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới khai giảng vào đầu tháng 12 vừa qua. Đây là cơ hội để nhiều nghệ nhân tại huyện A Lưới được tiếp cận với quy trình làm gốm Noq đã thất truyền, cũng như ý nghĩa của những hoa văn trang trí nằm trên gốm, bởi khi làm những lễ quan trọng như lễ tạ ơn tổ tiên, người Pa Cô cần có những vật dụng gốm, vật dụng điêu khắc có những hoa văn gắn liền với truyền thống của dòng họ như hình người, trâu, bò, dê, ngựa, voi… Hình người tượng trưng cho hình tượng của người đã khuất. Các động vật tượng trưng cho vật nuôi mà người đó đã nuôi. Trên các sản phẩm cũng có thể có những hoa văn khác như chim muông, dùng để trang trí.

Lớp tập huấn làm gốm Noq được kỳ vọng sẽ giúp nghề làm gốm Noq một lần nữa tái sinh trên mảnh đất miền cao A Lưới. “Mục tiêu của chúng tôi là có thể hồi sinh được nghề truyền thống gốm Noq tại huyện A Lưới cũng như giúp người dân phát huy nghề truyền thống này nhằm sản xuất được những sản phẩm phục vụ du lịch” - bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới chia sẻ.

Từng có nhiều ký ức đẹp trong quá trình làm việc và công tác tại huyện A Lưới, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh nhận thấy rằng, nơi đây có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch với những chợ phiên, làng du lịch sinh thái, những lễ hội, ẩm thực… “Nhiều tiềm năng là thế nhưng A Lưới hiện tại chưa có nhiều sản phẩm lưu niệm khiến du khách phải nhớ đến. Do vậy, tôi mong rằng cùng với việc tái hiện nghề gốm Noq, chúng tôi có thể khai quật ký ức văn hóa của A Lưới ngày xưa để kể lại cho Nhân dân cả nước hôm nay, để cho thấy được những tiềm năng của A Lưới, để du khách khi đến đây biết rằng A Lưới không chỉ có lễ hội, dệt dèng… mà còn có nghề gốm Noq”, nhà văn Thanh Ngọc nói.

Đăng Trình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tái sinh hình hài của Huế xưa

Ngày 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (23/6/1802), vua Gia Long lên ngôi, sáng lập vương triều Nguyễn, chọn Huế là Kinh đô, chấm dứt 2,5 thế kỷ đất nước bị chia cắt bởi các cuộc chiến phân tranh. Từ đây, xứ Huế, vốn là một vùng đất biên viễn của quốc gia Đại Việt, đã trở thành trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, giáo dục của nước Việt Nam thực sự thống nhất. Một quần thể công trình kiến trúc với thành quách, cung điện, đền đài, đình tạ, lăng tẩm…, do vua Gia Long khởi dựng và được các triều vua kế vị hoàn thiện, bổ khuyết đã hình thành và tồn tại với miền đất sông Hương - núi Ngự trong hơn 2 thế kỷ qua.

Tái sinh hình hài của Huế xưa
Ngăn chặn tình trạng khai thác có tính hủy diệt

Chiều 16/8, Văn phòng UBD tỉnh cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 8712/UBND-NN về việc ngăn chặn tình trạng sử dụng điện, chất độc, chất nổ, nghề và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

Ngăn chặn tình trạng khai thác có tính hủy diệt

TIN MỚI

Return to top