ClockChủ Nhật, 11/11/2018 18:35

“Đường đến tuần lễ vàng”: Trân quý bài học gìn giữ di sản văn hóa

TTH - “Đường đến Tuần lễ vàng” là vở tuồng do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế dàn dựng, gợi nhắc về những trang sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt là quyết sách thể hiện tầm nhìn xa rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giữ gìn tài sản văn hóa của dân tộc.

Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam8 trích đoạn tuồng Huế sẽ tham dự Hội thi Tài năng trẻ toàn quốc

Vua Bảo Đại trong vai người cố vấn, báo cáo tình hình Tuần lễ vàng với Hồ Chủ tịch

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là tác giả kịch bản của “Đường đến Tuần lễ vàng”. Với ông, có quá nhiều chất liệu lịch sử xúc động thôi thúc ông xây dựng kịch bản này.

Trong một lần tìm hiểu về các hiện vật quý sẽ được trưng bày, như: ấn vàng, ấn bạc, kim sách… ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ông Hải Trung được biết những hiện vật này liên quan đến sự kiện lịch sử của dân tộc vào năm 1945.

Năm ấy, sau khi kết thúc Tuần lễ vàng, nhiều người trong Ban vận động đã thỉnh thị ý kiến Bác Hồ về việc cho nung chảy hơn 2.700 hiện vật bằng vàng thu được từ triều đình nhà Nguyễn. Mặc dù hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, nhưng Bác Hồ vẫn tỏ thái độ dứt khoát, không đồng ý. Theo Người, đó là bằng chứng vật chất còn lại để thế hệ mai sau hiểu sâu hơn về văn hóa nước nhà và cũng là bằng chứng để “nói” về truyền thống văn hóa Việt Nam. Các báu vật này không riêng gì của chế độ phong kiến mà còn là tài sản của Nhân dân, được đúc kết từ trí tuệ và bàn tay tài hoa của người thợ thủ công… Nhờ đó, di sản về những chiếc ấn vàng với biểu tượng rồng năm móng của Việt Nam vẫn còn, trong khi Trung Quốc lại không thể do bị các thế lực xâu xé đất nước cho nung chảy để tranh giành.

Sự kiện khác, khi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với các đối tác Hàn Quốc thực hiện cuốn sách về “Báu vật triều Nguyễn ở Việt Nam”, trong các văn bản phía Việt Nam chuyển qua Hàn Quốc, chữ Hoàng đế gắn liền với các vị vua Nguyễn trong tiếng Anh được dùng là “Emperor”, phía bạn Hàn Quốc đều chuyển thành “King” (vua). Tranh luận để bảo vệ chữ “Emperor”, ông Nguyễn Phước Hải Trung đã đưa ra rất nhiều lập luận chứng minh về một đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, trải qua hơn 150 niên hiệu từ thời lập nước đến nay. Trong đó, những chiếc ấn bằng vàng có biểu tượng hình con rồng năm móng bay lượn, uốn nhiều khúc là một minh chứng sáng rõ và thuyết phục nhất - điều mà các vị vua trong lịch sử Hàn Quốc không có.

“Liên hệ câu chuyện tranh luận với các bạn Hàn Quốc về việc các vua Nguyễn là “Emperor” hay “King”, với việc Bác Hồ giữ lại cho hậu thế những ấn vàng, kim sách năm ấy để thấy bài học của Người cực kỳ trân trọng như thế nào. Thêm nữa, một việc mà tôi cho rằng cực kỳ khó khăn nhưng vua Bảo Đại đã làm được, là sau khi đồng ý thoái vị theo lời vận động của Chính phủ cách mạng, ông cũng đồng ý làm cố vấn cho Chính phủ. Chính vua Bảo Đại là người khai mạc Tuần lễ vàng, đánh tiếng vào Huế, vận động Nam Phương Hoàng hậu tham gia và được cả hoàng tộc ủng hộ. Đó là những chi tiết rất đẹp và tôi muốn thông qua kịch bản này để “khoe” rằng lịch sử Việt Nam chúng ta đã có những thời khắc lịch sử đẹp như thế”, ông Nguyễn Phước Hải Trung xúc động.

Khi tiếp nhận kịch bản “Đường đến Tuần lễ vàng”, đạo diễn, NSƯT La Thanh Hùng đã “nhìn ra” nhiều cái khó trong dàn dựng. Theo ông, trước tiên là vì hoàn cảnh lịch sử, xã hội của vở tuồng quá mới – 1945. Thứ hai, đó là vấn đề chính sử. Thứ ba, không có yếu tố kịch tính, xung đột. Thứ tư, không có tuyến kịch cho từng nhân vật… Cuối cùng, kịch bản ấy đã được dàn dựng thành một vở tuồng hoàn thiện và đại thành công tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc 2018, được tổ chức tại TP. Quảng Ngãi trong tháng 10 vừa qua.

Đạo diễn, NSƯT La Thanh Hùng chia sẻ, để giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa nhân vật Bảo Đại và chính quyền cách mạng lúc bấy giờ, ông đã xây dựng lớp tuồng thể hiện sự âu lo, giằng xé nội tâm của vua Bảo Đại. Nên theo Pháp hay “nhường ngôi” cho Việt Minh. Cuối cùng, ông đã “nhường ngôi” cho Việt Minh – vì đó cũng là người của đất nước Việt Nam. Sau đó, ông cáo tổ tiên “Cho con xin được nhường ngôi” để “Thà làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Đạo diễn nhấn mạnh: Cái đẹp của “Đường đến Tuần lễ vàng” là cái đẹp thoái vị của vua Bảo Đại và là cái đẹp khi cách mạng lên nắm chính quyền mới mà không có đầu rơi máu chảy, không tiếng súng. Kết tinh trong đó là cái đẹp tôn trọng di sản văn hóa trong tầm nhìn xa rộng của Bác Hồ. Vì những giá trị cao đẹp ấy, chúng tôi quyết tâm làm hết sức có thể với “Đường đến Tuần lễ vàng”.

Kết thúc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc 2018, “Đường đến Tuần lễ vàng” gặt hái được nhiều huy chương, gồm: Huy chương Bạc cho toàn vở diễn; 2 Huy chương vàng cho vai vua Bảo Đại và vai Hoàng hậu Nam Phương; Huy chương Bạc cho vai Thái hậu Từ Cung và giải đặc biệt cho vai Hồ Chủ tịch. Xuyên suốt trong câu chuyện, tác giả kịch bản và đạo diễn đã khéo léo giới thiệu nhiều giá trị di sản văn hóa Huế, như: ấn vàng, kim sách, đỉnh đồng, hò, vè, chầu văn…

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn
Nơi di sản “gặp gỡ” công nghệ

“Đế Đô Khảo cổ ký” - Dự án tiên phong trong việc kết hợp công nghệ và di sản hứa hẹn mở ra hướng phát triển mới cho công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Nơi di sản “gặp gỡ” công nghệ
Hào quang thành phố di sản của Việt Nam

Việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài từ năm 1996 của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế. Và sau gần 30 năm, giờ đây ước nguyện và niềm mong mỏi ấy đã trở thành hiện thực.

Hào quang thành phố di sản của Việt Nam
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top