ClockThứ Bảy, 19/12/2020 14:23

Cơ hội cho bảo tàng tư nhân

TTH - Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh thống nhất ban hành Nghị quyết thông qua chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030. Đây thật sự là cú hích lớn cho bảo tàng ngoài công lập (còn gọi là bảo tàng tư nhân), bởi điều đáng nói không phải là việc các bảo tàng ngoài công lập sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí, mà quan trọng hơn, các cá nhân muốn thành lập bảo tàng tư nhân từ đây đã có hành lang pháp lý để xúc tiến các thủ tục, không phải chịu quá nhiều rào cản như trước đây.

Xây dựng không gian văn hóa nghệ thuật trên đường Lê Lợi từ cầu Phú Xuân đến cầu Trường Tiền

Bảo tàng Thêu XQ - điểm nhấn du lịch độc đáo.  Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Con số lẻ loi giữa kho tàng cổ vật

Thừa Thiên Huế là vùng đất còn bảo lưu nhiều di sản văn hóa đa dạng, phong phú với hàng ngàn di tích, cổ vật đang được lưu giữ trong các thiết chế đền thờ, miếu mạo, đình, chùa, phủ đệ... Ấy nhưng, giữa Cố đô văn hóa này chỉ có vỏn vẹn 5 bảo tàng công lập, gồm: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật (thuộc Sở VHTT); Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế); Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung (thuộc Sở KHCN, được thành lập nhưng chưa có trụ sở chính thức)… Ngoài ra, có 2 bảo tàng ngoài công lập (hay bảo tàng tư nhân) là Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, thành lập năm 2012 và Bảo tàng Thêu XQ thành lập cuối năm 2016.

Hai bảo tàng tư nhân ra đời đã hình thành tư duy mới trong cách thức trưng bày, sưu tầm, thuyết minh, tổ chức quảng bá, dịch vụ, góp phần làm đa dạng hóa không gian trưng bày, thu hút khách tham quan… Ví như sự ra đời của Bảo tàng Thêu XQ đã tạo nên một điểm nhấn du lịch độc đáo, làm cho trục không gian văn hóa trên đường Lê Lợi sinh động hơn bởi sự gắn kết các thiết chế: Tượng Phan Bội Châu, Không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng - Điềm Phùng Thị, Công viên Tứ Tượng, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Công viên Lý Tự Trọng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà hát Sông Hương… Chuỗi thiết chế văn hóa này đang là điểm đến hấp dẫn, nội hàm văn hóa cao dành cho khách muôn phương.

Tiềm năng của bảo tàng ngoài công lập ở Huế khá lớn. Theo khảo sát gần đây của Sở VHTT, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 20 nhà sưu tập tư nhân hiện đang lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý hiếm với nhiều chất liệu khác nhau như kim loại, kim loại quý, đồ gốm gia dụng, đồ nghi lễ, tế tự, trang sức, vũ khí... Ở đây, có thể nhắc đến những bảo vật vô giá mà Nghệ nhân Nhân dân Lê Văn Kinh đang lưu giữ, những pho sách quý giá đang lưu giữ tại nhiều tư gia, hay hàng ngàn đồ gốm cổ vật được vớt lên từ đáy sông Hương của cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan.

Trường hợp của ông Hồ Tấn Phan là điển hình cụ thể của việc chậm trễ có chính sách cho bảo tàng tư nhân. Năm 2016, ông Phan mất khi còn nung nấu mong muốn dùng tài sản, đất đai của mình lập một “Bảo tàng văn hóa sông Hương” trưng bày bộ sưu tập “Cổ vật dưới đáy sông Hương” để kể cho du khách trong và ngoài nước nghe “Câu chuyện dòng sông”. Điều đáng tiếc, từ khi ông Phan mất đi, do không có điều kiện bảo quản nên kho tàng cổ vật của ông đã bị hư hỏng khá nhiều…

Chậm còn hơn không

Tháng 8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ giao trách nhiệm cho Sở VHTT chủ trì cùng các cơ quan liên quan xây dựng “Đề án cơ chế chính sách ưu đãi để hỗ trợ phát triển bảo tàng tư nhân trên địa bàn tỉnh”. Sau rất nhiều lần bàn thảo, thẩm định và chỉnh sửa, đề án đã được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong kỳ họp 11 diễn ra đầu tháng 12/2020 và được các đại biểu thống nhất thông qua.

Các chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh bao gồm: hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất phục vụ hoạt động bảo tàng; hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm; hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ quảng bá hình ảnh.

Ông Phan Tiến Dũng, nguyên Giám đốc Sở VHTT cho rằng: Việc phát triển bảo tàng tư nhân góp phần giữ gìn cổ vật cho Huế, không để cho chảy máu cổ vật; đồng thời, giới thiệu cho du khách biết thêm các giá trị phong phú mà Huế đang có. Việc thông qua đề án lần này chậm so với dự kiến, song chậm còn hơn không.

Một nhà nghiên cứu ở Đà Lạt cho chúng tôi biết, hiện đang lưu giữ bộ bản vẽ mặt nạ tuồng do chính tay cụ La Cháu thực hiện; nếu có điều kiện, ông sẽ đưa bộ sưu tập đặc biệt này về lại Huế.

Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng đề án chính sách hỗ trợ đối với bảo tàng ngoài công lập. UBND tỉnh đang kêu gọi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng 2 bảo tàng ngoài công lập phù hợp với định hướng phát triển bảo tàng của tỉnh là: Bảo tàng Ẩm thực và Bảo tàng Áo dài. Về Bảo tàng Ẩm thực, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và Vietravel đang nghiên cứu khảo sát đầu tư xây dựng.

Kinh nghiệm cho thấy, gần như tất cả các bảo tàng tư nhân ở Việt Nam và cả trên thế giới không thể tự sống dựa vào nguồn bán vé tham quan, mà phải có khai thác dịch vụ đi kèm. Vì vậy, khi triển khai nghị quyết này, ngoài hỗ trợ việc thuê đất, thuê mặt bằng thì các cơ quan ban ngành, địa phương cũng cần có hỗ trợ quy hoạch cho nhà đầu tư những vị trí xứng đáng để thuận lợi kết nối các tour tuyến, đón du khách và khai thác được các dịch vụ.

HẠ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu
Tận dụng cơ hội & vượt qua thách thức

Đúng 20 ngày sau khi Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và 10 ngày trước khi lễ công bố được tổ chức, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) tổ chức Tọa đàm khoa học "Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của thành phố Huế trực thuộc Trung ương". Tôi nghĩ, đó là một việc làm cần thiết khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam chọn con đường dựa vào nền tảng văn hóa, di sản để phát triển.

Tận dụng cơ hội  vượt qua thách thức
Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á

Châu Á là khu vực thương mại hội nhập cao thứ hai thế giới sau Liên minh châu Âu (EU), với gần 57% giá trị thương mại có nguồn gốc từ khu vực này, tăng 3% trong 20 năm qua, trái ngược với sự sụt giảm được ghi nhận ở các khu vực khác.

Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á
Kinh đô văn hóa sáng tạo

Sau lần đầu tiên vào năm 2012, Huế lại đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025. Nếu chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia cách nay 13 năm là “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới” thì lần này, như một sự kế thừa, chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2025 được xác định là “Huế - Kinh đô văn hóa sáng tạo”. Huế tự hào có 8 di sản văn hóa thế giới, trong đó 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác. Giá trị di sản là cốt lõi tạo nên thế mạnh du lịch Cố đô.

Kinh đô văn hóa sáng tạo
Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

TIN MỚI

Return to top