ClockThứ Sáu, 02/09/2022 08:16

Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế

TTH - Nghệ An là quê hương, nơi đã sinh ra bác Hồ kính yêu; trong khi đó, Cố đô Huế được xem là quê hương thứ hai, nơi in đậm về thời niên thiếu, nơi bồi đắp lý tưởng cách mạng của Người.

Khảo sát xây dựng tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế”

Huế có 4 di tích liên quan đến Bác Hồ đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt

Tour du lịch giáo dục mới

Nhằm đa dạng sản phẩm thu hút du khách khi đến Huế, đồng thời hướng đến hình thành một tour du lịch giáo dục hoàn thiện, đáp ứng được các nhu cầu mới của du khách, mới đây, Sở Du lịch phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch tổ chức khảo sát các tuyến điểm để xây dựng tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế”.

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh chia sẻ: “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” là tour du lịch với mục tiêu phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch. Tour đưa khách tham quan các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp với các di tích lịch sử văn hóa và sản phẩm du lịch tại các địa phương; xây dựng chương trình lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cộng đồng; tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho du khách tại các di tích... Trong đó, định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch hướng đến các đối tượng khách: Cựu chiến binh, sinh viên, học sinh, khách nội địa, khách quốc tế, như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho rằng, Huế là nơi mà Bác Hồ cùng gia đình sống, lao động, học tập và tham gia hoạt động yêu nước trong khoảng thời gian 10 năm với hai giai đoạn: 1895-1901 và 1906-1909. Thừa Thiên Huế được xem là quê hương thứ hai nuôi dưỡng, vun đắp lòng nhiệt thành cách mạng, lòng yêu quê hương, đất nước và tâm hồn nhân đạo vĩ đại của Người, chắp cánh cho ý chí cách mạng và thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc. Chính vì vậy, việc xây dựng tour du lịch giáo dục “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” được kỳ vọng giúp cho thế hệ trẻ và du khách có những nhìn nhận, giáo dục ý thức, lý tưởng cách mạng; qua đó giúp thêm phần yêu quê hương đất nước, Tổ quốc Việt Nam; tạo ra sản phẩm du lịch mới cho Huế.

Du khách kết hợp trải nghiệm làm tranh làng Sình khi tham gia tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế”

Được biết, điểm nhấn của tour sẽ ở tại cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ. Cụm di tích này sẽ được mở rộng không gian trưng bày theo hướng tạo sự kết nối, tổ chức thêm các không gian trưng bày bổ sung, như: trưng bày về lịch sử phát triển của làng Dương Nỗ, cũng như những hiện vật đặc trưng văn hóa của cư dân nông nghiệp; tổ chức hệ thống trưng bày ngoài trời theo con đường dọc bờ sông Phổ Lợi từ đình làng Dương Nỗ đến nhà lưu niệm Bác Hồ, tạo cảnh quan, không gian văn hóa và kết nối các điểm di tích...

Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 20 di tích và điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm 2021, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế (gồm 4 di tích) đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, bao gồm: Nhà lưu niệm Bác Hồ (ở đường Mai Thúc Loan), Trường Quốc học, Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ở làng Dương Nỗ) và đình làng Dương Nỗ (tại TP. Huế).

Sau khi tham gia trải nghiệm các dịch vụ của hành trình khám phá tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế”, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Trường Du lịch Đại học Huế chia sẻ, dù chỉ một ngày ngắn ngủi nhưng đã đọng lại cho bản thân tôi nhiều cảm xúc khôn nguôi và lòng tự dặn luôn phải phát huy và không ngừng học hỏi tấm gương soi sáng của Người cho đến hết cuộc đời.

Hướng đến sản phẩm hấp dẫn

Bà Lê Thùy Chi nhìn nhận, lâu nay, bảo tàng đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm, trò chơi cho đối tượng khách học sinh trong cả tỉnh. Nhưng chỉ mới dừng lại ở một điểm riêng lẻ, thiếu tính liên hoàn với các điểm đến gắn với thời niên thiếu của Bác Hồ. Điều này chưa mang lại những hiểu biết và cảm xúc trọn vẹn về cuộc đời niên thiếu của Bác Hồ đối với du khách. Vì vậy, với sự tham gia của doanh nghiệp du lịch, bảo tàng rất kỳ vọng về một tour du lịch trọn vẹn, bài bản và có tính chuyên nghiệp.

Ông Trần Thanh Tú, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh đưa ra những thách thức, trên thực tế, tour du lịch giáo dục đã được triển khai; cuộc đời của Bác Hồ đã có rất nhiều thông tin trên các kênh truyền thông; thị trường lựa chọn tour không phải là khách đại chúng, mà tập trung nhiều vào dòng khách học sinh, nghiên cứu chuyên biệt... Để những giá trị này đi sâu hơn và có thể duy trì tour thì về lâu dài cần đưa những chương trình nghiên cứu, tìm hiểu về dấu chân của Bác Hồ vào chương trình đào tạo. Doanh nghiệp sẽ có vai trò cầu nối, giúp các chuyến đi thực tế được thực hiện tốt nhất. Cần có lộ trình, đầu tiên nên khai thác khách trong tỉnh, sau đó mới mở rộng ra các địa phương khác.

Một vấn đề đặt ra cho các đơn vị triển khai tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” đó là những trải nghiệm cho du khách. Nếu đưa khách đến tham quan, hướng dẫn viên giới thiệu điểm đến mà không có trải nghiệm sẽ ít để lại ấn tượng và rất dễ tạo nhàm chán. Ông Trương Thành Minh khẳng định, trong tour sẽ có sự kết nối trải nghiệm với các làng nghề như làm tranh làng Sình, làm giấy Trúc Chỉ; hay kết hợp tìm hiểu tham quan một số điểm du lịch khác gần đó như: Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn; Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; rừng ngập mặn Rú Chá...

Theo ông Trương Thành Minh, để phát huy giá trị của tour cũng như làm mới hoặc bổ sung điểm tham quan tuyến, có thể Huế sẽ hợp tác với ngành du lịch Nghệ An để gắn với tour đường bộ, tàu hỏa về làng Sen, quê Bác ở Nghệ An. Tiến hành khảo sát và đánh giá nhu cầu, nguyện vọng của du khách và các trường học để kết nối, lồng ghép giữa tour bởi khó khăn nhất hiện nay là phải có nội dung giới thiệu mang tính xuyên suốt về thời niên thiếu của Bác và truyền thống giáo dục của Huế để tăng sự quan tâm tìm hiểu cũng như phải mang tính thực tế và hấp dẫn.

Theo các chuyên gia, đối với tour du lịch cần thiết kế nhiều chương trình du lịch lựa chọn hoặc thời gian (1/2 ngày hay cả ngày), phương tiện (xe ô tô, thuyền, xe máy hay xe đạp…) để du khách có thể dể dàng tiếp cận và tự do khám phá. Lộ trình các điểm tham quan cần có bảng chỉ dẫn và điểm nhấn ở mỗi điểm tham quan. Chương trình tour cần giúp du khách được trải nghiệm những bữa cơm đạm bạc, nhưng đậm tình yêu thương như cuộc đời thơ ấu của Bác đã trải qua; hoặc khách tự đi chợ, tự chế biến; người dân địa phương (tại điểm dừng nghỉ của du khách như ở làng Dương Nỗ) sẽ phục vụ du khách…

Tour “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” lần lượt đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh; địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan tại núi Bân (đường Ngự Bình); Trường chuyên Quốc học Huế (đường Lê Lợi); Tòa Khâm sứ Trung kỳ (đường Lê Lợi); Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (số 158, đường Mai Thúc Loan); Đình làng Dương Nỗ và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top