ClockThứ Ba, 18/10/2022 06:30

Phố cổ Gia Hội: “Kho báu” bị lãng quên - Kỳ 1: “Chảy máu” di sản

TTH - Cách Hoàng thành một quãng ngắn, phố cổ Gia Hội từng là khu vực sầm uất bậc nhất của Kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Trải qua thời gian, nguồn di sản vô giá của khu phố cổ này đang mai một từng ngày, trong khi bài toán bảo tồn, phát huy giá trị vẫn là một câu hỏi lớn.

Tìm hướng bảo tồn, xây dựng không gian cho phố cổ Gia HộiĐông Ba - Gia Hội & đặt tên cho phường

Phố cổ Gia Hội ngày nay từng là trung tâm thương mại sầm uất của Cố đô Huế đầu thế kỷ XIX. Ảnh: PHAN THẮNG

Đứng từ cầu Gia Hội, nhìn về tuyến đường Chi Lăng, Bạch Đằng ít ai nghĩ, xưa kia đây là khu phố sầm uất, nổi tiếng của vùng đất Cố đô. Ngày nay, những dãy phố cổ đã đô thị hóa một cách nhanh chóng. Những ngôi nhà cổ thấp thỏm nép mình bên các tòa nhà cao tầng. Nhiều trong số di sản ấy đã xuống cấp, hư hỏng, cạnh những ngôi nhà đang được “thay áo”.

Nỗi lòng người dân phố cổ

Chúng tôi ghé ngôi nhà cổ (số 144, đường Bạch Đằng) khi thông tin cơn bão Noru đổ bộ vào miền Trung đang cận kề. Ông Nguyễn Chơi, 74 tuổi, chủ nhân ngôi nhà cổ không giấu được thấp thỏm, lo âu khi chỉ cho chúng tôi những chỗ gỗ đã hư hỏng do mối mọt. Với tuổi đời nhiều hơn gia chủ, ngôi nhà trông thật mong manh, được che chắn bằng tường gạch, xi măng. Riêng mái ngói liệt dột nát được phủ tôn chống thấm.

Ngôi nhà là chỗ cư ngụ của hai thế hệ. Trong không gian chật chội, căn nhà cổ chủ yếu dành cho việc thờ tự. Phần đất sau ngôi nhà được gia chủ xây tạm bợ mấy căn phòng nhỏ để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. “Nhiều người bảo, bán nhà, bán đất đi mà làm nhà mới, chia chác cho con cháu. Nay ai còn giữ nhà cổ làm chi cho khổ thân. Cũng có người mới dạm hỏi mua đất này, nhà này 12 tỷ đồng nhưng tôi không đành”, ông Chơi trải lòng.

Ông Chơi nhớ cách đây chừng 20 năm, có cơ quan chức năng từng đến tiến hành khảo sát, cho lập hồ sơ để hỗ trợ kinh phí trùng tu ngôi nhà nhưng do không thỏa thuận được các điều khoản về quyền và nghĩa vụ nên ước mơ trùng tu “tắc” luôn từ đó. “Tôi chỉ mong làm sao có tiền để cải tạo ngôi nhà. Có thể bên dưới xây bằng xi măng cốt thép nhưng tầng hai thì dành cho ngôi nhà rường cổ này. Có thể vừa ở, vừa kinh doanh cà phê hay bán hàng lưu niệm, vừa có cái mà sống, vừa giữ được nhà. Phải giữ vì đến khi có tiền, xây cái mới thì dễ chứ cái cổ mất đi thì không thể tìm lại được”, ông Chơi ao ước. Quyết tâm là thế nhưng nói về số phận ngôi nhà cổ khi đã qua tuổi thất thập, ông Chơi không chắc di sản ông đau đáu ấy có giữ được đến đời con, đời cháu hay không.

Những ngôi nhà cổ còn lại ở Gia Hội cạnh những ngôi nhà, công trình kiến trúc mới. Ảnh: NHẬT NGUYÊN

“Mang tiếng là phố cổ nhưng giờ chỉ còn rất ít nhà cổ. Nói cổ cũng được mà không cổ cũng chẳng sao”. Nhiều người dân sống ở khu phố cổ Gia Hội đã nói như thế khi chúng tôi thực địa. Theo nhiều tài liệu, tuyến đường Bạch Đằng xưa kia là một dãy phố cổ trù phú. Ngoài nhà cổ dân sinh, trên tuyến đường này có nhiều công trình phủ đệ, từ đường, đình, chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc Huế.

“Chừ có điều kiện người ta đập ra xây mới nhiều. Người ngoài nhìn vô thấy nhà cổ đẹp, nhưng chúng tôi ở thì vất vả lắm…”, bà Lê Thị Liên – chủ nhân ngôi nhà số 72 Bạch Đằng thở dài khi trò chuyện. Người phụ nữ ngoài 70 tuổi sinh ra và lớn lên ngay chính trong ngôi nhà cổ cho hay, ngôi nhà xưa được người ta bán lại cho gia đình bà vào năm 1937.

Trải qua thời gian, ngôi nhà hư hỏng, xuống cấp trầm trọng nhưng vì khó khăn không có điều kiện đại tu hay đập ra làm mới nên ngôi nhà hiện hữu cho đến bây giờ. Bà Liên kể, xưa dãy phố này đẹp, cổ kính nhưng mấy chục năm trở lại đây vì cuộc sống, điều kiện và hoàn cảnh nên nhiều người đập ra xây mới để  thuận tiện cho việc sinh hoạt. “Có nhà thì đổi chủ, có nhà thì con cháu trẻ sau này kế thừa, tư duy mới nên họ xây theo kiến trúc hiện đại. Còn nhà tui, giờ không có tiền làm mới, chỉ sửa sang lại nhưng tìm thợ sửa nhà xưa ni cũng khó, thế hệ đó họ mất dần rồi…”, bà Liên ngậm ngùi.

Cách nhà bà Liên chừng cây số là ngôi nhà rường của gia đình ông Quy nằm ở số 169 Chi Lăng. Ngôi nhà rường 3 gian với diện tích hơn 70m2 được tận dụng một phần nhỏ để kinh doanh. Người đàn ông vừa bước qua tuổi 60 kể, ngôi nhà rường có từ trước đời ông nội. Nghe kể, để làm ngôi nhà này mất đến 10 năm, thợ ăn ở trong nhà và tốn không biết bao nhiêu tiền của. Theo ông Quy, dãy phố Chi Lăng này xưa có nhiều ngôi nhà cổ đẹp, đặc biệt có những ngôi nhà 2 lầu bằng gỗ ai đi qua cũng mê mẩn. Nhưng chục năm trở lại người ta tách thửa, bán qua nhiều chủ. Chủ mới sau này đập ra xây lại để kinh doanh, người không bán cũng hạ giải để xây cất theo kiểu hiện đại. Cứ thế, nhiều ngôi nhà cổ trên dãy phố này mất dần theo thời gian.

40% nhà cổ đã biến mất

Theo sử liệu, phố cổ Gia Hội được hình thành từ thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII). Vào kế kỷ XIX, đây là khu thương mại lớn của vùng đất kinh kỳ dưới triều Nguyễn.  

Lịch sử đã để lại cho phố cổ Gia Hội hệ di sản đa dạng, bao gồm nhà cổ, phủ đệ, đình chùa, hội quán… tạo nên cấu trúc đặc thù, riêng biệt, bên cạnh các di sản phi vật thể bao gồm các lễ hội truyền thống, các ngành nghề thủ công cổ truyền (làm phấn nụ, làm tranh gương, làm diều, lồng đèn...).

Theo khảo sát từ Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế (tháng 9/2021), tại phố cổ Gia Hội hiện có 83 di sản vật thể, trong đó có 3 công trình đã được xếp hạng Di tích Quốc gia là Đình Miếu Thế Lại Thượng, nhà thờ Tổ nghề Kim Hoàn và Thanh Bình từ đường. Ngoài ra, chùa Diệu Đế, đền Chiêu Ứng, phủ Gia Hưng vương, phủ Thoại Thái vương, phủ Tuy An quận công, phủ Ngọc Sơn công chúa, đình làng An Quán, điện thờ Thánh Mẫu, hội quán Phúc Kiến, hội quán Triều Châu được xếp vào danh mục kiểm kê 205 công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh.

Riêng nhà cổ, một nghiên cứu, khảo sát từ năm 2002 được Trung tâm Kiến trúc miền Trung thuộc Viện nghiên cứu kiến trúc (Bộ Xây dựng) tiến hành cho thấy, thời điểm đó, khu vực phố cổ Gia Hội – Chi Lăng có khoảng 68 ngôi nhà cổ; trong đó, trên trục đường Bạch Đằng có 31 ngôi nhà, trục đường Chi Lăng có 8 ngôi nhà còn giá trị, còn lại nằm rải rác ở các trục đường trong phạm vi phường Gia Hội.

Tài nguyên đang bị lãng phí

Trước sức ép của quá trình đô thị hóa, lại thiếu một định hướng bảo tồn và phát triển phù hợp, qua thời gian, khu đô thị cổ Gia Hội - chợ Dinh đang bị biến dạng. Không gian kiến trúc có tính lịch sử và văn hóa độc đáo của vùng đất có nguy cơ bị phá vỡ. Tài nguyên văn hóa du lịch đang bị lãng phí hết sức đáng tiếc.

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin)

Chưa có con số cụ thể nhưng theo tổng hợp từ Phòng Đô thị TP. Huế, so với năm 2002, số nhà cổ ở Gia Hội hiện nay đã thất thoát đến 40%. Âm ỉ “chảy máu”, trong vòng 20 năm qua, hàng chục ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi ở đây đã  vĩnh viễn biến mất.

Một thực trạng nhức nhối khác, theo ông Đặng Minh Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế, trong số 83 công trình kiến trúc cổ tại Gia Hội được khảo sát trong năm 2021, có 8/22 phủ đệ đã được tôn tạo lại bằng vật liệu xây dựng mới; 3 trong 4 tư thất đã xuống cấp; 5 ngôi chùa cần được quan tâm cải tạo; 4 đình làng cổ cũng trong tình trạng xuống cấp. Ngay cả các công trình đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia như Nhà thờ tổ Kim Hoàn, Nhà thờ tổ ngành hát bội (Thanh Bình từ đường) cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Trong khi đó, con số ít ỏi 22 ngôi nhà rường cổ còn sót lại ở Gia Hội có 2 nhà hư hỏng nặng, 5 nhà đã xuống cấp…

Trong chuyến khảo sát mới đây để thu thập tư liệu cho bài viết này, chúng tôi đã lặng đi trước công trình tư thất của công tử Ưng Huy (Kiệt 64 Bạch Bằng) được xây dựng vào năm 1920 với kết cấu nhà rường đã sập đổ hoàn toàn, chỉ còn lại chiếc bình phong, cổng ngõ cổ trang trí các họa tiết tinh xảo. Trong khi đó, những ngôi phủ được xây từ những năm 1846, 1852, 1853 như An Phúc, Hoài Đức, An Xuyên… đã được xây mới hoàn toàn.

Không chống chịu nổi sự hà khắc của tuổi tác; bão, lũ và áp lực đô thị hóa cũng như nhu cầu mưu sinh, vốn di sản Huế ở phố cổ Gia Hội đang mai một từng ngày trong tình cảnh “lực bất tòng tâm của người dân” và sự tiếc nuối, kể cả sốt ruột của những người tâm huyết với di sản.

KIM OANH

Kỳ 2: Chờ một đề án cụ thể, trách nhiệm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nơi di sản “gặp gỡ” công nghệ

“Đế Đô Khảo cổ ký” - Dự án tiên phong trong việc kết hợp công nghệ và di sản hứa hẹn mở ra hướng phát triển mới cho công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Nơi di sản “gặp gỡ” công nghệ
Hào quang thành phố di sản của Việt Nam

Việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài từ năm 1996 của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế. Và sau gần 30 năm, giờ đây ước nguyện và niềm mong mỏi ấy đã trở thành hiện thực.

Hào quang thành phố di sản của Việt Nam
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

TIN MỚI

Return to top