ClockThứ Sáu, 02/05/2014 06:36

Vũ khúc mưa trên ngói

TTH - Lắng nghe vũ khúc mưa trên mái ngói. Gót chân nhỏ xíu của những thiên thần mưa chạm khẽ lên mái ngói đã rêu phong phủ màu thời gian bật lên những thanh âm ấm áp mềm như nhung chứ không rổn rảng, long cong như giẫm lên mái tôn và cũng không lộp bộp như đổ trên mái bằng. Mưa hàng nối hàng như những dòng kẻ khuôn nhạc vắt ngang trời. Mưa nắm tay nhau múa xoay vòng, xoay vòng. Tiếng mưa hát đan vào song cửa sổ nơi nó ngồi. Vài sợi gió mỏng manh gom cái se lạnh của mưa như những mũi kim châm vào da thịt khiến nó thoáng rùng mình. Vì lạnh hay là bởi mưa đánh thức những hạt mầm nỗi nhớ khẽ cựa mình nứt vỏ. Mưa giăng đầy phố và nhớ giăng đầy lòng.

Mẹ kể, mẹ sinh nó trong một ngày mưa sụt sùi, mẹ trở dạ trong đêm, bố cõng mẹ, cõng cả cơn mưa xối xả tất tả chạy trên đoạn đường từ nhà đến trạm xá mấp mô ổ voi, ổ gà, lầy lội bùn đất. Phải chăng vì thế mà nó luôn dành một góc trái tim mình cho mưa. Và mưa giăng đầy bước chân chập chững, tiếng nói bi bô, giấc ngủ say tròn lời ru mặn giọt mồ hôi,… mưa giăng đầy tuổi thơ của nó.

Có những vết mưa còn loang loáng ướt miền kí ức!

Mỗi khi bầu trời choàng tấm áo màu xám xịt, gió lành lạnh vo tròn những nắm lá khô giòn rụm xào xạc như cuộn len chạy dọc con ngõ nhỏ là lũ trẻ chúng tôi í ới gọi nhau ùa ra sân ngóng mưa. Gió như gã say rượu chênh chao làm rối tung những sợi mưa dài lòng thòng. Nó cũng như bao đứa trẻ khác thích tắm mình trong làn nước mưa mát lạnh trong ngần như dòng sữa của đất trời. Mưa đậu vào tóc, vào cổ, vai, vào cánh tay, vào lưng và nở bung thành những đóa hoa nước trắng xóa. Đám trẻ đuổi nhau tạt nước mưa bắn tung tóe. Mưa trong veo, tiếng cười trong veo và ánh mắt ai cũng trong veo. Cây cối hả hê vẫy nghìn bàn tay xanh. Hò hét đến mệt nhoài thì cả lũ ngồi bệt trên bờ tường hoa ngửa cổ để mưa hôn lên môi, lên mắt. Hay đưa tay hứng lấy những bé mưa long lanh mang hình hài của sự sống.

Nhớ những hôm đi học về, gặp cơn mưa bất chợt - phút nũng nịu của mùa, cả lũ ùa đến bên bờ mương, mỗi đứa hái một chiếc lá khoai nước xanh ngắt đội lên đầu và chạy băng băng trên con đường quanh co trườn mình bên cánh đồng đang vào vụ gặt ăm ắp như đơm nắng. Hay trú mưa bên hiên nhà ngắm từng giọt từng giọt mưa đu mình từ mép mái xuống mặt đất như tấm rèm trong suốt buông hững hờ, thi thoảng có những chiếc xe đạp hối hả chạy qua, có những bước chân vội vã…

Đêm mưa, nó cùng bà ngồi bên bếp lửa bập bùng, hơi ấm nồng nàn khuấy loãng vạt gió lạnh lùng thốc bên thềm. Củi ướt nổ lép bép, bọt xèo xèo ở đầu thanh củi. Củ khoai nướng thơm lừng thơm cả vào câu chuyện bà kể. Bà kể chuyện ngày xưa giặc vào làng, chúng cướp cả những củ khoai hà, đẵn sắn gầy để chống đói giáp hạt của bà con. Căn nhà tranh nhỏ liêu xiêu của bà còn bị chúng đốt cháy rụi, may có hàng xóm láng giềng cưu mang. Rồi bà kể chuyện ông bị giặc bắn khi đang kéo lưới bên bờ sông Hóa để lại mình bà với đàn con nheo nhóc… Câu chuyện bà đã kể bao lần nhưng lần nào giọt nước mắt nóng hổi cũng lăn tròn trên má nó. Còn bà, phải chăng nước mắt đã cạn khô nơi khóe mắt đậm vết chân chim hay bà cố nuốt nước mắt vào trong tim?

Lúc này, nó muốn chạy ùa ra sân, để cơn mưa tuổi thơ xối đầy vào khoảng trống nỗi nhớ và hét thật to: “Tao yêu mày, mưa ơi!”

Đào Mạnh Long
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top