ClockThứ Năm, 06/08/2015 10:38

Những bài học trực quan

TTH - Safari World chắc hẳn là một địa danh làm trẻ em mê mẩn. Nơi đó không chỉ có công viên thú hoang dã rất lớn với sự hội tụ của các loài đến từ nhiều nơi trên thế giới mà còn có cả công viên biển; có các trò diễn của các chú khỉ vui nhộn hay chương trình biểu diễn sinh động của những con sư tử biển chậm chạp mà tinh khôn. Khi các tour tham quan đổ khách thành những dòng người tấp nập và đông đúc, tôi vẫn nhìn thấy những vẻ háo hức trên những gương mặt bầu bĩnh của các cậu bé, cô bé đến từ Việt Nam, Ấn Độ và nhiều nhất là Trung Quốc. Cái cảm giác chạy xe mà xung quanh là các loài cầm thú nhởn nhơ, tưởng như có thể với tay ra khỏi cửa kính xe (tất nhiên là không ai liều lĩnh đến thế) là có thể chạm tay lên mấy con hươu cao cổ, hay đám ngựa vằn nhởn nhơ và những con đà điểu đủng đỉnh… đến người lớn còn thích, nữa là trẻ em!

Hôm ấy, dù có mặt ở Safari World rất sớm nhưng chúng tôi vẫn không nghĩ mình là những người khách đầu tiên, khi nhìn thấy một dãy xe tour màu trắng xếp hàng dài ở đằng xa. “Các bạn là người đến sớm nhất đó – hướng dẫn viên người Thái nói như đọc được ý nghĩ của chúng tôi – Dãy xe đằng xa kia không phải là xe tour. Chúng được dùng riêng để đón trẻ em từ mọi nơi của đất nước chúng tôi đến Safari World tham quan và đây là một chương trình bắt buộc. Đó là cách để các em được quan sát trực tiếp và sinh động nhất các loài vật. Trong xu thế phát triển và khoa học công nghệ đã thay thế hiệu quả hơn sức kéo, không phải trẻ em ở đâu cũng biết phân biệt con trâu, con bò, biết đâu là vịt đâu là ngỗng chứ chưa nói đến những con vật điển hình khác bằng xương, bằng thịt như sư tử, gấu, hươu nai…”. Lại chợt nhớ những điều mà chúng tôi được giới thiệu trong những ngày đầu tiên đặt chân đến nước bạn, rằng ở đó, sức khỏe của người dân và việc học của con em được quan tâm hàng đầu. Ngoài việc miễn học phí, học sinh ở Thái được cung cấp sữa hàng ngày. Có thể chưa thuộc bài nhưng không thể chưa uống sữa. Kinh phí cho chương trình phúc lợi này được đóng góp như cách mà chúng ta quen gọi là xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Người ta gọi đó là cách đầu tư chắc ăn hơn cho thế hệ tương lai.

Trở lại với bài học trực quan, tôi cũng biết tại Huế, với sự miễn giảm vé vào cửa của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, nhiều trường học đã tổ chức cho học sinh đi tham quan Đại Nội và nhiều điểm trong khu di sản văn hóa Huế, chưa kể một số ngày lễ, tết, đơn vị chủ quản cũng mở cửa đón khách tự do vào tham quan. Đây là một cách làm tốt để học sinh và người dân trên địa bàn có cơ hội và đến thăm nhiều hơn các khu di tích, thêm sự hiểu biết và tự hào với di sản văn hóa, nghệ thuật của cha ông. Đó cũng là một cách tiếp cận tốt với các bài học về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật truyền thống. Nhưng tiếc là điều này chưa thật sự phổ biến và không phải trường nào trên địa bàn tỉnh cũng tạo điều kiện (hoặc có điều kiện) để các em được đi tham quan.
Có lẽ, chưa thể làm được những việc thật sự lớn, hãy bắt đầu với những việc dễ có khả năng thực hiện hơn với những bài học trực quan về di sản, về những bài giảng văn ở ngay nơi cây đa, bến nước, sân đình; ngay những bến sông Hương ven con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu…Những điều tưởng chừng như đơn giản thế thôi chắc chắn sẽ tạo nên hiệu ứng dài lâu trong những tâm hồn thơ trẻ, nhưng thực sự thì không phải ai cũng làm được, đơn vị trường học nào cũng làm được nếu không có sự khuyến khích và khởi đầu…!
Hạ Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top