ClockThứ Hai, 12/01/2015 09:31

Gặp người kẻ mặt nạ cho tuồng Huế

TTH - Đối với sân khấu tuồng Huế, nghệ thuật kẻ mặt nạ như là một tuyệt tác mỹ thuật mang đầy đủ những giá trị chân – thiện – mỹ, được các nghệ sĩ cung đình sáng tạo dựa trên từng hình tượng của nhân vật sân khấu. Trong hành trình khôi phục lại nghệ thuật kẻ mặt nạ tuồng Huế, chúng tôi có dịp gặp gỡ nghệ nhân La Hùng (con trai cố nghệ nhân La Cháu, nghệ nhân tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn), anh được xem là người duy nhất có thể nhớ và kẻ được chi tiết từng nét vẽ trên từng chiếc mặt nạ của hàng trăm nhân vật trong hàng chục vở diễn của tuồng Huế.

Bén duyên

Nghệ nhân La Hùng có gốc gác ở làng Hà Trung (Vinh Hà, Phú Vang), nhưng tuổi thơ của anh đã gắn chặt với Hữu Vu – Đại Nội Huế, nơi gia đình anh đang cố gìn giữ chút hào quang còn lại của nghệ thuật tuồng cung đình. Năm 1972, vừa tròn 8 tuổi, anh được ba mình đưa vào lớp Đồng Ấu để học tuồng và múa hát cung đình, với mong muốn anh sẽ là người kế tục gìn giữ những giá trị di sản mà cả gia đình anh đã trót gửi nghiệp đam mê.
Nghệ nhân La Hùng kẻ mặt nạ tuồng cho diễn viên
Dù còn nhỏ, nhưng anh hiểu được nỗi đau đáu của người cha, nên tuổi thơ của anh là những chuỗi ngày miệt mài học tập và rèn luyện dưới sự dìu dắt của nghệ nhân Viêm Bờ (con thầy Đội Em – nguyên là đội trưởng đội diễn viên dưới triều Nguyễn) và các nghệ nhân từng một thời là diễn viên cung đình dưới triều Nguyễn, như: Bát Phẩm, Bát Lễ, Bát Am... được sự tận tâm dạy dỗ của những người thầy “có nghề”, năng khiếu bẩm sinh của La Hùng ngày càng được bộc lộ rõ nét, ngoài việc thể hiện xuất sắc các vai diễn đúng với mong muốn của những người thầy, kỹ năng kẻ mặt nạ tuồng dần thẩm thấu vào anh như một định mệnh, để ngày vào nghề anh nhớ mãi hai câu thơ: Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc / Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi.
Anh tâm sự, khi kẻ mặt nạ cho các nhân vật của sân khấu tuồng, anh luôn tâm niệm dù người nghệ sĩ có diễn xuất thành công đến đâu, nhưng kẻ mặt nạ tuồng không đẹp, không đúng với nhân vật thì có lỗi với nghiệp tổ, hơn nữa, mỗi chiếc mặt nạ là một tác phẩm hội họa gắn liền với nhân vật sân khấu tuồng, do đó mình phải chăm chút nó như chính ánh hào quang sân khấu tuồng mang đến vinh quang cho người nghệ sĩ vậy.
Ngày rèn luyện vai diễn, đêm kẻ mặt nạ để hóa thân vào từng nhân vật ở rạp hát Đồng Xuân Lâu phục vụ khán giả; cứ thế, hàng trăm vai diễn, hàng trăm chiếc mặt nạ được anh kẻ lần lượt đi qua cuộc đời anh lúc nào anh cũng không còn nhớ nữa. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, anh tiếp tục kẻ mặt nạ, tiếp tục diễn, xem đó như là hạnh phúc của người nghệ sĩ.
Say nghề
Năm 1987, anh được cử làm Trưởng đoàn tuồng Thanh Bình do thành phố Huế quản lý. Tuy vậy, thời điểm này văn hóa phim ảnh, sân khấu cải lương... đang là mốt thời thượng trong tư duy thưởng thức nghệ thuật của công chúng và tuồng Huế chỉ còn là một loại hình nghệ thuật sân khấu cũ kỹ không đủ sức thu hút khán giả như thời hoàng kim của nó. Năm 1991, do không còn được sự bao cấp của Nhà nước, Đoàn tuồng Thanh Bình tan rã, diễn viên mỗi người theo đuổi một chí hướng riêng. Không hề nản chí, anh Hùng khăn gói ra Hà Nội học đạo diễn sân khấu với mong muốn tìm cơ hội khôi phục vốn cổ của cha ông. Thời gian này, dù đang học đạo diễn nhưng anh vẫn tham gia biểu diễn cùng với các nghệ sĩ tuồng và múa hát cung đình ở Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế. Năm 1993, với vai diễn Châu Xương, anh được trao huy chương vàng trong “Hội diễn các trích đoạn tuồng – chèo hay” tổ chức tại Huế. Năm 1995, trong đợt hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Huế, anh tiếp tục giành được huy chương bạc khi hóa thân vào vai hề Xíu trong vở tuồng “Đặng Huy Trứ”. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp đạo diễn, anh về làm giảng viên giảng dạy tuồng và múa hát cung đình tại Trường trung học văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Tại đây, anh đã biên soạn thành công giáo trình đào tạo giảng dạy tuồng và múa hát cung đình đầu tiên của Huế.
Năm 2000, anh quay lại làm việc tại Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế với mong muốn cùng chị gái của mình, là NSƯT La Cẩm Vân khôi phục lại vốn cổ của sân khấu tuồng Huế. Được sự quan tâm của Nhà nước, anh cùng với những người trong gia đình xây dựng thành công nhiều vở diễn tuồng, trong đó vở tuồng lịch sử “Sóng ngầm trong phủ chúa” do anh làm đạo diễn xuất sắc dành giải A tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng. Năm 2004, khi hóa thân vào vai vua Tự Đức, trong vở tuồng “Bùi Viện”, anh được Ban Tổ chức hội diễn trao huy chương bạc. Cũng tại thời điểm này, nhiều bộ trang phục tuồng cung đình Huế, nhiều chiếc mặt nạ tuồng do anh kẻ đã được triển lãm trong các đợt Festival chuyên đề của Huế.
Năm 2013, chúng tôi đến mời anh cùng hợp tác khôi phục việc kẻ mặt nạ tuồng Huế. Anh bảo, “cho mình ít hôm nữa nhé”, sau này được biết anh đang làm đạo diễn vở tuồng “Nỗi niềm đấng quân vương” cho Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống cung đình Huế, và vở tuồng này đã được trao huy chương bạc (không có huy chương vàng) trong Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Bình Định.
Theo nhà nghiên cứu tuồng Vĩnh Huế, khi đã theo nghiệp học tuồng, các diễn viên đều phải theo học kẻ mặt nạ. Trước tiên, bản thân người học phải tự nhớ, tự học màu sắc và thứ tự, chi tiết các bước kẻ, rồi tự mày mò, tìm tòi kẻ theo các vai mà các nghệ nhân đã kẻ. Người học phải tự bắt chước chứ không được hướng dẫn cụ thể phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu… Nhưng với La Hùng, anh có thể nhớ từng chi tiết, từng đường vân, màu sắc trên từng khuôn mặt tuồng của Huế, điều này cho thấy La Hùng được các nghệ nhân một thời trong chốn cung đình chỉ dạy rất bài bản, và anh cũng đã lĩnh hội khá trọn vẹn đối với loại hình nghệ thuật này.
Trọng Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top