ClockThứ Năm, 18/08/2011 04:37

Tên đường phố Huế

TTH - 23 tháng 8 là một con đường đặc biệt ở Huế. Con đường dài đến 351 mét, đi qua trước mặt Ngọ Môn và không có số nhà này, hình thành từ đầu thế kỷ 19 cùng với thời gian xây dựng Kinh thành Huế có tên gọi rất sớm. Trước năm 1945 là đường Ngọ Môn. Trước năm 1976 là đường Độc Lập. Từ tháng 1-1977 là đường 23 tháng 8.
Trong suy nghĩ của tôi, 23 tháng 8 là một trong số con đường đẹp nhất ở Huế. Cũng khéo khen thay ai đó đã có đề xuất hay khi đặt tên cho con đường rợp bóng cây xanh kia tên gọi 23 tháng 8, ngày tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám nổi lên giành chính quyền thắng lợi ở Kinh đô Huế, đánh dấu sự cáo chung vĩnh viễn của chế độ quân chủ Việt Nam tồn tại suốt cả ngàn năm. Để tôi, kẻ hậu sinh, mỗi lần đi qua đường 23 tháng 8, lại cứ bồi hồi liên tưởng đến thời khắc lịch sử của Huế và của đất nước mà mình được học trong sách sử, cứ mường tượng khôn nguôi không khí cờ xí rợp trời trong buổi lễ thoái vị của vua Bảo Đại với câu nói nhớ đời “Thà làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ”.
Ở Huế có Kim Long từng nổi tiếng với những phủ đệ, với nhà vườn và cây xanh và cả với gái đẹp. Gần đây, Kim Long tạo ấn tượng mạnh với khách phương xa bởi những tên gọi của những con đường mang tên những con người và sự nghiệp gắn liền với hành trình mở cõi của dân tộc mà tiêu biểu là các vị chúa Nguyễn như Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Thái… Trong số họ, cái tên ấn tượng, đáng nhớ nhất là Nguyễn Phúc Lan, còn được gọi là chúa Thượng, người đã có công cho dời dinh phủ cung thất từ làng Phước Yên, huyện Quảng Điền vào làng Kim Long vào năm 1636 (mở đầu cho việc định đất Kinh đô Huế sau này). Đến với Kim Long và Hương Long, đi trên những con đường mang tên những nhân vật lịch sử kia, tôi đã có một cảm giác rất lạ, như được trở về với quá khứ đẹp của vùng đất là thủ phủ một thời của xứ Đàng Trong.
Cách nay không lâu, Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đã cho ra mắt cuốn sách “Huế, tên đường phố xưa và nay”. Trong công trình dày đến 500 trang sách của mình, Dương Phước Thu đã làm công việc giới thiệu những kiến thức cần thiết về 212 con đường ở Huế (thời điểm xuất bản) và không quên chuyển đến bạn đọc những thông tin về tiểu sử danh nhân (hoặc địa danh, sự kiện mà con đường mang tên). Cuốn sách “Huế, tên đường phố xưa và nay” đã được xem là một cẩm nang du lịch Huế, đồng thời có giá trị như một cuốn sách lịch sử Việt Nam rút gọn.
Huế tạo được ấn tượng biểu trưng cho riêng mình bởi cảnh quan, bởi truyền thống và bề dày văn hóa vốn có của mình. Và tôi cũng đang nghĩ đến ấn tượng đẹp đến từ Huế qua tên gọi của những con đường. Lịch sử sẽ được nhắc nhở, lưu dấu, in sâu trong tâm tưởng của bao thế hệ, khơi dậy ở mỗi người sự tìm tòi, muốn được hiểu biết và khát khao khám phá về những địa danh hay những nhân vật lịch sử bắt đầu từ tên gọi của những con đường phố, như 23 tháng 8 ngay tại khu Đại Nội hay tên gọi của những vị chúa Nguyễn ở Kim Long… 

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top