ClockThứ Năm, 10/01/2013 05:56

Mùa xuống đồng

TTH - Qua tết Tây, khoảng thời gian chật chội, chỉ chừng trên dưới một tháng là đến Tết Nguyên đán, lại là lúc bận rộn nhất của nhà nông xứ Huế. Cũng thiệt lạ, bắt đầu từ tháng bảy “nước nhảy lên bờ”, thu hoạch xong vụ lúa mùa là Huế bão to, lũ dữ, mưa dầm, gió bấc và cũng là lúc nông nhàn. Còn như Nhâm Thìn 2012, yên ắng thì lại là nỗi lo khác khi những cánh đồng không được tiếp bồi phù sa hay nạn chuột đồng cảnh báo sẽ sinh sôi, này nở, phá hoại ruộng đồng. Cả mấy tháng liền “nông nhàn”, ngày hai bữa sớm tối quẩn quanh trong nhà, làm chẳng tới đâu và ăn uống cũng lưng lẻo. Vậy mà đùng cái, mười một tháng Chạp về rồi Tết đến, cũng là lúc phải xuống đồng.

Mỗi năm, xứ Thừa Thiên có hai lần cao điểm ra đồng. Một vào dịp hè gắn với ăn Tết Mồng Năm Đoan Ngọ, vừa thu hoạch vụ chiêm phải làm ngay vụ mùa, vợ chồng rồi cha con í ới. Không phải một lúc hai ba việc như vụ mùa nhưng chẳng vì thế mà xuống đồng vụ chiêm nhẹ nhàng. Suy cho cùng là bởi do tiết trời đỏng đảnh. Dãy Trường Sơn chạy song song bờ biển, đến Huế - Thừa Thiên đột ngột rẽ nhánh đâm ngang ra biển Đông, tạo thành bức tường thiên nhiên hình vòng cung chắn ngang hướng thổi của gió mùa đông bắc.

Mọi chuyện bắt đầu từ đây tất thảy. Không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống bị bức tường này chặn lại, tạo thành những đám mây dày đặc hơi nước dồn tụ suốt mùa đông, lưu trú ở đây gần như quanh năm suốt tháng. Đó cũng là lý do khiến Huế là nơi có lượng mưa trong năm cao nhất nước và số ngày mưa kéo dài nhất, có thể đến 220 ngày trong năm và tất nhiên độ ẩm cũng cao nhất nước. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 với những cơn mưa xối xả, gây ngập lụt kinh hoàng và kéo dài đến khoảng cuối tháng 12 với cơn mưa dầm lê thê. Và khi tiết trời bắt đầu lạnh (thường là sau 23-10 âm lịch), mưa không còn ào ạt mà chuyển sang dầm dề ngày này sang ngày khác, tháng nọ qua tháng kia và có năm đến 43 ngày không thấy mặt trời (như mùa đông 2007).

Mùa đông xuống đồng vụ chiêm cùng nông dân xứ Huế mới cảm nhận hết nỗi nhọc nhằn của hạt gạo quê mình. Khi không còn mưa to gió lớn, nước ngoài đồng cạn dần, lộ ra những con đập, dường ruộng, bờ mương, rồi những gò đất nhấp nhô, những gốc rạ lởm chởm, dày đặc rong rêu… thì cũng là lúc lục tục ra đồng. Mà đâu chỉ đơn giản có vậy. Có khi đã thấy lấp ló chân ruộng bỗng mưa lớn kéo dài thậm chí cả tuần lại ngập, vậy là sốt ruột ngồi chờ. Xưa lúa cấy. Đến thì đến vụ ngày nào là lo ngày đó. Mạ chưa nhổ lo già, cây lúa cấy xuống còi cọc khó chăm. Mạ đã nhổ về thì để lâu lo ôi, lo thối, không cấy được. Còn cấy xong lắm lúc cũng đắng họng bởi nước dâng cao, cây lúa le te ngập chìm trong nước, nhìn mà xót ruột.

Khi mà “một ngày nắng, mười ngày mưa” thì ngày mùa giáp Tết xuống đồng ở Huế gói gọn trong hai tiếng “tranh thủ”. Xưa tranh thủ nhổ mạ, tranh thủ cấy cho kịp thì, kịp vụ. Nay đã đổi thay nhiều. Úng ngập đã có máy bơm, hệ thống tưới tiêu nội đồng. Ít thấy ai chở phân trâu, phân heo ra đồng bón ruộng mà thay vào đó là các loại phân bón hóa học đủ loại, đủ kiểu. Làm đất đã có máy cày thay trâu. Xa vắng rồi hình ảnh các mẹ, các cô thợ cấy khi bây giờ công nghệ chỉ còn gói gọn ở chỗ: Làm đất - gieo sạ - chăm sóc - thu hoạch. Vậy nhưng cũng phải tranh thủ mới bắt kịp cái tiết trời nhiễu nhương. Bởi lịch thời vụ như cái gì đó bất di bất dịch. Nó không hề có bất kỳ một châm chước nào cho sự chậm trễ khi mà còn bộn bề bao công việc thì ngoài kia mùa xuân đã thấy cập kề. Và bỗng như bắt gặp thêm một nét Huế nữa xưa cũ mà gần gũi, một nét quê lam lũ, chịu đựng nhưng năng động và luôn có sự xoay xở để thích ứng.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top