ClockThứ Sáu, 24/01/2014 11:09

Bộ lư đồng ngày Tết

TTH - Bộ lư đồng nơi bàn thờ gia tiên của các gia đình xứ Huế như một vật thiêng, có thể “cải lão hoàn đồng”. Tôi nói vậy bởi có trường hợp, tuổi đời cả trăm năm, ngày thường cũ kỹ, ấy thế mà đem ra chùi rửa vậy là ngay lập tức bộ lư đồng mới tinh.

Giáp Tết, nhìn lên bàn thờ nhà ai thấy bộ lư đồng sáng choang là biết rồi mùa xuân đang chạm ngõ. Nhớ mấy chục năm trước, chắt bóp và dành dụm rồi cuối cùng mạ tôi cũng sắm được một bộ tam sự bằng đồng để thay cho bộ đồ gỗ trước đó. Của vô nhà khó, tôi nghe mạ thầm thì tính toán cả mấy tháng trời với ngoại, xem bộ lư nhà này, chê bộ lư nhà nọ, để rồi cuối cùng vào một buổi chiều cuối năm mạ đi phố và bàn thờ nhà tôi có bộ tam sự mới keng. Nó không to, không thật hoành tráng nhưng xứng tầm với căn nhà cấp bốn của mấy mẹ con tôi. Mạ loay hoay đặt lên bàn thờ, nghiêng ngó bên phải rồi bên trái, phía trước rồi lại phía sau cho tới khi ưng ý. Tôi cũng như vui lây từ niềm vui của mạ. Cả cái Tết năm ấy thiệt vui, khách đến nhà ai cũng trầm trồ khiến mạ sướng ra mặt.

To nhỏ hay đắt rẻ có khác nhau, nhưng đã là một bộ lư căn bản hoàn chỉnh phải bao gồm ba vật dụng chính, một lư hương và hai cây đèn, vậy nên dân gian mới có tên gọi là bộ tam sự, thường đặt ở vị trí trang trọng trên bàn thờ. Lư hương để bỏ trầm hương và cặp đèn dùng thắp sáng. Bộ tam sự làm tăng thêm vẻ đẹp, tôn nghiêm và linh thánh. Tương truyền, nghề đúc đồng có từ thời nhà Lý, cách nay ngót nghét cả 1.000 năm với ông Tổ là Dương Không Lộ. Ở Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, đúc đồng là một trong số những nghề có mặt sớm nhất, cách nay 4 thế kỷ.

Từ khi nghề đúc đồng khôi phục trở lại ở Huế, đi qua con đường Bùi Thị Xuân và nhiều nơi khác nữa, trưng bày ở các cửa hàng đồ đồng thấy nổi bật trong số các sản phẩm đồ đồng là những bộ tam sự, có kích thước to nhỏ khác nhau. Kiểu dáng cũng rất đa dạng và phong phú với họa tiết trang trí trên chiếc lư đồng sinh động, giàu tính sáng tạo và phù hợp với nhu cầu sử dụng của chủ nhân. Không chỉ là vật dụng dành cho nghi lễ, mà còn là vật trang trí ở các gia đình nên đó được xem là lý do khiến cho mẫu mã bộ tam sự ngày càng đa dạng, càng hấp dẫn người dùng. Tôi cũng được biết, sản phẩm bộ tam sự của Huế còn là mặt hàng quen thuộc, được khách hàng ưa chuộng ở trung tâm nổi tiếng tại Hà Nội là phố Hàng Đồng hay phố Hàng Quạt, nơi chuyên doanh đồ thờ cúng ở Thủ đô. Lư đồng làm ở Huế có thể mỏng hơn, không tinh xảo bằng Hà Nội nhưng gần gũi với những giá trị truyền thống.

Giáp Tết dọn dẹp và tân trang nhà cửa, sẽ thiếu sót nếu ai đó quên mất việc lau chùi, làm mới bộ lư đồng nơi bàn thờ gia tiên. Sau một năm, bộ tam sự bị bụi bẩn bạc màu nên cần phải làm mới, làm đẹp. Ngày trước là chuyện của mỗi gia đình, còn bây giờ trở thành dịch vụ khi giáp Tết. Những người thợ hàn cơ khí, hàn hơi… tiện thể sẵn có bộ mô-tơ, lại biết chút ít về gò hàn nên tranh thủ làm thêm dịch vụ đánh bóng lư đồng kiếm thêm đồng tiền tiêu Tết. Lư đồng ở Huế có đến hàng trăm loại, khó đánh nhất là loại lư trúc vì có nhiều loại hoa văn chạm trổ tinh vi, còn khá dễ dàng là kiểu lư tứ giác hay lư tròn. Để sáng bóng, phải cực kỳ chỉnh chu và tỉ mỉ tránh làm cho lư đồng biến dạng, xây xước và đảm bảo độ sáng đồng đều. Còn muốn duy trì độ sáng lâu bền, sau khi đánh bóng phải lau lại bằng tinh bột sắn hay bằng thứ vải sạch. Vất vả và kỳ công đến thế nhưng tối ba mươi Tết, nhìn lên bàn thờ gia tiên, thấy bộ tam sự sáng choang, sẽ là một cảm giác ấm áp, mãn nguyện và hạnh phúc...

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top