ClockThứ Năm, 28/05/2015 15:04

Bánh canh 8 ngàn một tô

TTH - Đường Nguyễn Thị Minh Khai có một quán bánh canh vỉa hè rất đông khách. Quan sát thấy cứ đều đặn khoảng 6h30 là “chủ gánh” có mặt. Cứ thế khách lưa thưa cho đến khoảng 7h là đông. 30 phút của chủ gánh từ 6h30 đến 7h đón cũng kha khá khách. Khi múc xong tô bánh canh, động tác đầu tiên của bà là lấy khăn lau quanh tô xong mới đưa cho khách. Động tác này cho cả hàng trăm tô, hoàn toàn không có ý nghĩa vệ sinh nhưng ít nhất nó tạo cho khách sự yên tâm.

Tôi thích bà chủ quán ít nhất là mấy điểm: nhanh nhẹn, biết tạo ấn tượng và điều quan trọng là biết chớp lấy cơ hội, không bỏ sót một khách nào ăn sáng nếu muốn ăn bánh canh của chị.

Cách đây mười năm khi cơ quan còn ở 19 Lê Lợi, tôi lại có ấn tượng với quán cà phê Dũng – cà phê vỉa hè. Chân chủ quán chạy không kịp nghỉ, ai vừa ghé vô quán kéo ghế ngồi xong là có ly cà phê trước mặt liền. Từ một ít khách sau này khách đông vắt cả từ góc cua đường Hoàng Hoa Thám qua Trương Định. Tôi cũng ấn tượng với chủ quán là biết cách gây ấn tượng. Có lẽ anh quan sát và cố gắng ghi nhớ từng tên và sở thích của khách. Ví dụ khách mới dựng xe, anh đã nói: “Cho anh A một phê nóng”; khách B mới vừa đến: “Cho anh B một đá ít đường”. Không nói chất lượng ở đây nhưng có lẽ chính cách phục vụ như vậy mà quán đông khách. Sau này nghe nhiều người nói, nhờ chăm chỉ thế mà hai vợ chồng mua được xe phục vụ khách du lịch.

Cũng có một cách phục vụ rất “ỡm ờ”. Đối diện với quán bánh canh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai nói trên có một tiệm rửa xe. Vì qua lại nhiều lần nên tôi biết tiệm rửa xe này ít khi mở cửa trước 7 giờ. Nhiều lần ăn bánh canh thấy khách để xe cạnh đó, qua ăn bánh canh đợi, lâu lâu nhìn thử chủ tiệm đã mở cửa chưa. Đây là một cơ hội việc làm tại sao chủ tiệm lại bỏ qua nhỉ? Trong một tiếng đồng hồ từ 6h30 đến 7h30, ít nhất cũng rửa được mấy xe, nghĩa là cũng thu được vài trăm nghìn. Rửa xe nó cũng giống như một người thợ hớt tóc vậy. Khách ít thì ngồi chơi mà khách đông cũng không thể làm nhiều hơn. Không thể 50 phút cắt được một đầu tóc thì có hai người mỗi đầu tóc chỉ cắt 25 phút.

Nêu những ví dụ trên, rất cụ thể, ai cũng có thể kiểm chứng thông tin được, để nói rằng muốn làm gì thành công cũng chớp lấy cơ hội, cũng phải tạo ra ấn tượng bằng chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ. Trong thời buổi trăm người bán vạn người mua, muốn thành công càng phải chú ý điều này.

Không ít lần tiếp xúc với những thương hiệu hàng hóa lớn, tôi nhận thấy họ chẳng những săn đón khách hàng một cách chuyên nghiệp. Và quan tâm chăm sóc khách hàng sau khi đã mua hàng. Điều này tạo ấn tượng rất mạnh đối với người tiêu dùng vì tâm lý chung khi mình đã bỏ đồng tiền ra mua, ai cũng muốn mình được quan tâm phục vụ. Đáng tiếc là điều này xảy ra đối với các thương hiệu nước ngoài, còn thương hiệu Việt không nhiều. Chẳng hạn như chỉ mua một chiếc áo của John Henry, tên bạn và ngày sinh đã cập nhật trong bộ nhớ của thương hiệu này. Ngày sinh nhật họ gửi tin nhắn chúc mừng, có chương trình khuyến mại gì họ cũng thông báo. Việt Nam cũng có những thương hiệu may mặc khá nổi tiếng nhưng chưa thấy làm được điều này.

Đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Nhiều cam kết về một thị trường chung, chẳng hạn như thị trường chung khu vực ASEAN sắp đến hồi mở toang cánh cửa. Chúng ta không thể đóng kín, và chúng ta không thể làm theo cái cách “một mình một ngựa”. Càng hội nhập càng phải quyết liệt cải cách sâu rộng, nếu không thì sẽ bị chậm chân.

Lê Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top