ClockThứ Năm, 06/06/2013 12:59

“Đơm” vịt Tết Mồng Năm

TTH - Không còn bao lâu nữa là đến Tết Đoan Ngọ mà dân gian mình hay gọi một cách nôm na “ăn” Tết Mồng Năm (5 tháng 5 âm lịch). Chuyện về cái tết giữa năm nắng nóng và công việc mùa màng bộn bề kia, nhiều nhà, nhiều người cứ thế mà đảnh lễ không cần biết nhiều về xuất xứ. Thế nhưng, có một điều không thể thiếu trong ngày Tết này, đặc biệt ở Huế và miền Trung, là các món ăn chế biến từ con vịt, nào vịt luộc chấm mắm gừng, nào vịt kho mặn, nào vịt xáo măng ăn với bún… Nổi tiếng và phổ biến tới mức, xưa còn có lệ, trai gái dựng vợ gã chồng thường lấy dịp Tết Nguyên đán và Tết Mồng Năm để nhà trai đi lễ cho nhà gái bằng cặp vịt béo.

Thừa Thiên Huế có hệ thống sông ngòi, đầm phá dày đặc và những cánh đồng lúa không thẳng cánh cò bay như Nam Bộ nhưng cũng thênh thang rộng lớn từ Phong Điền, trải qua Hương Trà, Quảng Điền, vào Hương Thủy, Phú Vang, về tận Phú Lộc là điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi vịt đàn. Thống kê, toàn tỉnh có đàn vịt, ngan, ngỗng (trong đó chủ yếu là vịt) lên tới khoảng 700 ngàn con. Chăn nuôi vịt, đặc biệt là vịt đàn là nguồn sống và làm giàu của nhiều hộ gia đình và Tết Mồng Năm được xem là thời điểm thu hoạch chính trong năm.

Cả tuần trước Tết Mồng Năm, trên những nẻo đường từ các vùng nông thôn đã thấy hàng trăm chuyến xe tấp nập chở vịt lên bán tại các chợ lớn ở Huế, ở các thị xã hay trung tâm huyện lỵ. Một dây chuyền kinh doanh vịt hình thành, chủ vịt bán sỉ cho thương lái tận đồng, thương lái bỏ mối cho các quầy bán vịt hay các nhà hàng. Người tiêu dùng có thể mua vịt sống hay làm sẵn với dịch vụ kèm theo để làm mâm cơm cúng Tết vào lúc chính ngọ.

Vịt xuất chuồng thường từ 85 đến 90 ngày tuổi. Bởi vậy, để có vịt bán đúng vào dịp Tết Mồng Năm người nuôi vịt phải biết “đơm”. Nghĩa là, người nuôi phải biết tính toán cụ thể để khi chừng 20 ngày tuổi, là thời điểm thu hoạch lúa đông xuân để có thể cho vịt chạy đồng (chăn thả trên đồng). Thời kỳ này kéo dài cho đến trước khi xuất bán chừng 5 đến 10 ngày. Việc chăm sóc khá đơn giản. Có thể chăn thả vịt trên đồng suốt ngày đêm. Ban đêm dùng quây, quây vịt lại một nơi khô sạch nào đó, sáng hôm sau lại thả vịt tiếp. Hết giai đoạn “chạy đồng” vịt được vỗ béo trong vòng một tuần lễ trước khi bán.

Hai vấn đề mang tính cơ bản trong bài toán kinh tế “đơm” vịt Mồng Năm là thời điểm xuất bán và việc tận dụng thóc lúa rơi vãi ngoài đồng ruộng. Vịt Mồng Năm ở Huế và miền Trung thơm ngon, béo mập bởi nguồn thức ăn dồi dào thóc lúa rơi vãi và các loại tôm cá, côn trùng, hưởng lợi từ đồng lúa sau thu hoạch. Và nữa, con vịt hoạt động nhiều, “chạy đồng” liên tục nên thịt chắc ngọt. 

Tổ chức nuôi và kinh doanh vịt bán Tết Mồng Năm mang tính thời vụ, thời điểm. Bởi vậy, nó đòi hỏi ở người tham gia khả năng tính toán và sự năng động nắm bắt thời cơ trong sản xuất kinh doanh, đó là vừa nuôi được vịt không bị dịch bệnh và béo tốt, vừa biết các tổ chức tiêu thụ nhanh chóng và hiệu quả để vừa được mùa (béo ngon), vừa được giá. Đó mới là cách “đơm” vịt Mồng Năm chắc ăn nhất.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top